Chuyện mưu sinh của người Việt ở Pháp sau đại dịch COVID-19

Pháp là một trong những quốc gia châu Âu chịu thiệt hại nặng vì đại dịch COVID-19. Vì thế dù sinh hoạt thường ngày đã có vẻ như trở lại bình thường nhưng nhiều người đều thừa nhận rằng trong suy nghĩ của họ, ngoài việc gặp phải những khó khăn liên quan đến tài chính thì hình bóng COVID-19 vẫn lẩn quất đâu đó chứ chưa thực sự biến mất.

Đời sống khó khăn hơn

Chị Trần Thị Phương Thảo là chủ một cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu từ châu Phi và châu Á ở thành phố Laval, miền Tây Bắc nước Pháp. Trong khi những khó khăn vì dịch COVID-19 còn chưa qua thì giờ đây lại thêm hệ lụy từ cuộc chiến ở Ukraine khiến nguồn cung cấp hàng hóa càng thêm khó. Vì vậy, chị Thảo đã thay đổi nguồn cung cấp hàng hóa, hủy hẳn những mặt hàng quá khó kiếm và phát triển những mặt hàng mới.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm

Trong câu chuyện với tôi, chị cho biết từ sau dịch COVID-19, tình hình kinh doanh thực sự khó khăn, giá cả mọi mặt hàng đều tăng nhanh. "Nhiều thứ khi nhìn báo giá tôi đã quyết định không lấy hàng nữa, còn có những mặt hàng do khách vẫn có nhu cầu thì tôi chỉ lấy ít và đành phải tăng giá bán. Ví dụ như mắm cá sặc Châu Đốc đã khan hàng từ rất lâu. Thế nên khi báo có hàng, tôi đặt luôn mà không để ý giá. Trước mùa dịch tôi bán 6 Euro/ chai, nhưng bây giờ tôi buộc phải bán giá 12 Euro/ chai vì không thể bán rẻ hơn…".

Hàng hóa tăng giá khiến người tiêu dùng cũng phải thắt chặt chi tiêu. "Người Pháp hiện giờ đã chuyển sang mua thực phẩm châu Á về để tự nấu. Nhiều người mới đến mua đồ rồi hỏi thêm cách làm các món như sushi, cơm rang, mì xào, nem... Tôi đều nhiệt tình hướng dẫn. Nhưng tôi cũng phát triển thêm các mặt hàng hướng đến người Pháp và khách tuổi teen", chị Thảo cho biết.

Việc kinh doanh khó khăn khiến anh Phan Thanh Liêm, chồng chị Thảo, vốn là kỹ sư tin học, trước đây làm cùng vợ, nhưng hiện giờ đã đi làm cho một công ty khác để có thêm thu nhập. "Chúng tôi cố gắng sau khi trả hết nợ ngân hàng thì anh ấy lại về đây làm việc", chị Thảo chia sẻ.

Chồng đi làm công ty khác, chị Thảo phải huy động cả hai con, một 15, một 11 tuổi ra cửa hàng phụ giúp mẹ những lúc rảnh rỗi. Chị Thảo nói: "Các cháu học được rất nhiều từ cửa hàng, hiểu hơn giá trị của đồng tiền và sức lao động. Thương bố mẹ hơn vì chúng làm việc cũng mệt mà chứng kiến thấy mẹ còn làm nhiều hơn chúng… Khi về nhà thì các cháu tự động dọn dẹp, không để mẹ phải nhắc".

Với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như của chị Thảo, để tồn tại và vượt qua khó khăn, bắt buộc phải tìm cách thích ứng hoàn cảnh. Vì thế, "cái khó, ló cái khôn", nếu trước dịch, để chở hàng hóa, chị Thảo đầu tư một chiếc xe tải loại 7,5 tấn để hàng tuần đi Paris chở hàng thì từ khi có dịch, do việc hạn chế di lại, chị đã quyết định bán xe và chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ vận chuyển của công ty chuyển phát. Nhờ thế, giờ đây hàng tháng cũng tiết kiệm được một khoản chi phí nuôi xe trong khi tiền cước vận chuyển tính ra còn rẻ hơn tự mua xe. Để tiết giảm tối đa chi phí, các nhà cung cấp cũng đã cùng hợp tác với nhau, ví như như trước đây mỗi nhà cung cấp buộc khách hàng phải lấy một kiện rau tươi thì cửa hàng nhỏ như của chị Thảo sẽ không tiêu thụ hết nhưng bây giờ chị đặt hàng từ một nhà, sau đó nhờ các nhà khác mang hàng đến góp lại thành một kiện lớn và gửi đến địa chỉ của chị. Nhờ thay đổi phương thức kinh doanh mà chị Thảo đã dần qua khó khăn.

Chị Nguyễn Mai Trinh là trọng tài trong Giải vô địch Pháp môn Võ cổ truyền Việt Nam

Chị Nguyễn Mai Trinh là trọng tài trong Giải vô địch Pháp môn Võ cổ truyền Việt Nam

Với chị Phạm Thị Huyền Trâm, khó khăn tài chính có thể thấy ngay trong mỗi lần đi chợ. Chị có chồng là người Pháp và ba con. Là nội trợ nên nên chị là người cảm nhận rõ hơn ai hết về việc giá cả leo thang: "Sau dịch COVID-19, mỗi lần đi chợ tôi phải tính toán rất cụ thể, nếu không cuối tháng sẽ cảm thấy khó khăn vì với cùng số tiền đi chợ thì mua được ít hơn, và còn nhiều thứ mình không thấy trên kệ như trước nữa, không thể mua được. Cuộc sống trở nên hơi khó khăn hơn, mình phải tiết kiệm". Dù có đôi chút khó khăn nhưng chị bảo rằng may mắn là cuộc sống giờ đã trở lại bình thường, do công ty của chồng chị hỗ trợ 50% cho các kỳ nghỉ của các con nếu chúng đi nghỉ theo lớp hoặc nhóm cùng trang lứa do nhà trường tổ chức. "Về cơ bản thì gia đình tôi không bị ảnh hưởng nhiều như những nhà khác, nhưng ngân sách để đi chơi sẽ là một vấn đề nên chắc chắn sẽ phải siết chặt hơn. Riêng khoản chi phí để về Việt Nam thì nhất định phải dành ra".

Tuy nhiên, tại Pháp ở thời điểm này, không phải gia đình nào cũng được như gia đình của chị Huyền Trâm. Trong câu chuyện với tôi, chị Nguyễn Mai Trinh, cựu vô địch môn Võ cổ truyền Việt Nam, kể rằng vợ chồng chị đều là dân thể thao. Vì thế, khi sang Pháp họ đã có rất nhiều dự kiến cho công việc phát triển Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp. Nhưng mọi kế hoạch đã đổ bể khi dịch COVID-19 bùng phát. "3 năm qua chúng tôi điêu đứng vì mọi nơi đều bị đóng cửa, người dân không được tham gia hoạt động thể thao, không được tụ tập", chị Trinh cho biết.

Theo chị Mai Trinh, giá cả tăng và sự khan hiếm các mặt hàng sản phẩm là điều cực kỳ trở ngại và khó khăn, vì các chị cần mua trang phục thể thao cho học sinh nhưng giá cước phí vận chuyển rất cao so với trước đây. Để mua được thực phẩm cũng gặp nhiều trở ngại vì người dân lo sợ không có hàng cung cấp nên dẫu giá cả tăng cao vẫn cứ chen lấn nhau xếp hàng tại các siêu thị để mua sắm. "Cũng may là Chính phủ Pháp hỗ trợ giảm bớt tiền nhà cho gia đình chỉ có một người đi làm và mức lương thấp. Nếu được làm trong các công ty thì sẽ được chủ doanh nghiệp thực hiện chỉ tiêu của nhà nước là hàng tháng hỗ trợ cho công dân một khoản tiền nhất định", chị nói.

Tôi cũng gặp chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, bác sĩ tỉnh Douais, ở miền Bắc nước Pháp. "Tôi sống dưới tỉnh nhỏ, hiện giờ đi ra đường không buộc phải đeo khẩu trang, nhưng nơi tôi làm việc thì vẫn bắt buộc, giống như hồi dịch. Cuộc sống thoải mái hơn, không bị kìm chế như trước những vẫn cần phải đề phòng. Riêng về mặt y tế thì vẫn thế. Khi ra ngoài, một số người sức khỏe yếu và có bệnh nền, họ vẫn thường xuyên đeo khẩu trang".

Theo chị dịch COVID-19 không những có ảnh hưởng về mặt y tế sức khỏe mà nó có ảnh hưởng đến tất cả tâm lý, kinh tế. Ảnh hưởng ấy vẫn còn kéo dài đến bây giờ. Bác sỹ Tâm cũng cho biết, cho dù vật giá leo thang nhưng trong lĩnh vực y tế vẫn bình thường, sự chăm sóc bệnh người dân vẫn được bảo hiểm xã hội chi trả. "Chỉ có điều do lượng bác sỹ ngày càng ít, lượng người khám bệnh càng nhiều cộng thêm dịch COVID-19, công việc càng ngày càng quá tải đối với một số bác sỹ".

"Hết mưa trời lại sáng"

Trong hoàn cảnh cảnh nào thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Vì thế thích nghi với hoàn cảnh là điều cần thiết với mỗi người. Chị Hoàng Phương Lam là một nghệ sỹ, theo chị về mặt sinh hoạt thì mọi thứ đã gần như trở lại bình thường nhưng hầu như tất cả mọi người đều bị khó khăn hơn chút. Theo chị dẫu những khó khăn như vậy nhưng mọi người đều muốn giữ được mức sinh hoạt như trước nên đều tìm cơ hội đi làm thêm để có thu nhập.

Cửa hàng của gia đình chị Trần Thị Phương Thảo ở thành phố Laval

Cửa hàng của gia đình chị Trần Thị Phương Thảo ở thành phố Laval

"Lúc nào cũng phải cố gắng. Những người thân của tôi cũng vậy, dẫu có đình công nhưng cũng ráng đi làm, không dám đến trễ. Hiện nay, chắc không ai dám bỏ làm hay đổi chỗ làm, tức là phải cố gắng tập trung, quay về với sự bình thường của mình ngày xưa …", chị Phương Lam chia sẻ.

COVID-19 đã tạo điều kiện phát triển nhanh hệ thống làm việc việc trực tuyến và hiện giờ có nhiều công ty tại Pháp đã áp dụng cho các nhân viên của mình làm việc tại nhà. Có nhiều người đã chuyển sang làm trực tuyến, một tuần họ chỉ đến cơ quan hai hoặc ba ngày thay vì cả tuần như trước kia. Về vĩ mô đây là điểm tốt cho môi trường và giao thông xã hội còn các nhân viên sẽ có thêm thời gian dành cho mình và gia đình.

Làm việc trực tuyến khiến họ thoải mái hơn về thời gian. Khỏi phải hấp tấp mỗi sáng đi làm, chen lấn hàng giờ trong những phương tiện giao thông công cộng. Làm việc trực tuyến cũng thoải mái hơn về mặt tinh thần, thay bằng vào văn phòng hoặc ở nhà, ta có thể tới một quán cà phê tìm góc phù hợp để làm việc. Ở Pháp, nhất là Paris luôn có những quán cà phê yên tĩnh dành cho khách đến dùng cà phê và làm việc luôn.

Dịch COVID-19, đó là nó đã đem lại cho mỗi người cái nhìn cuộc sống khác hẳn trước đây. Sau đại dịch COVID-19, phần đông dân chúng đều cố gắng rất nhiều. Có những công việc mà ngày xưa họ sẽ không làm, nhưng hiện nay, dẫu điều kiện đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là hiện tại đang có tổng đình công liên tiếp nhiều tuần trên toàn nước Pháp, dân chúng đòi hỏi nhiều thứ sau dịch, đi làm cũng khó khăn hơn nhưng họ cũng vẫn phải làm.

Hiệu Constant (từ Paris, Pháp)

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/chuyen-muu-sinh-cua-nguoi-viet-o-phap-sau-dai-dich-covid-19-i689419/