Chuyện nghề của những phóng viên các cơ quan thường trú

Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 hằng năm là dịp để tri ân những nhà báo đã đóng góp công sức, trí tuệ, đưa đến độc giả những tác phẩm báo chí phản ánh chân thực các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, lan tỏa những tấm gương trong cuộc sống. Gặp gỡ, trò chuyện với phóng viên thường trú - những 'cánh tay nối dài' của các cơ quan báo chí Trung ương tại Sơn La và khu vực Tây Bắc. Mỗi phóng viên có những câu chuyện khác nhau, nhưng họ đều thể hiện trách nhiệm, tâm huyết và yêu nghề.

Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Sơn La chuyển trao quà cho các học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trường THCS Tô Hiệu.

Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Sơn La chuyển trao quà cho các học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trường THCS Tô Hiệu.

Gần 25 năm gắn bó với nghề và công tác ở nhiều cơ quan báo chí. Cuối năm 2017, khi Truyền hình Quốc hội Việt Nam thành lập Văn phòng thường trú khu vực Tây Bắc tại tỉnh Sơn La, nhà báo Hoàng Hà đã lên tác nghiệp trên vùng đất này. Nhà báo Hoàng Hà chia sẻ: Sơn La, mỗi địa phương có một dấu ấn, một nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn riêng, mỗi chuyến đi cơ sở, đều mang đến một trải nghiệm mới mẻ, giúp tôi có thêm nhiều tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống của bà con miền núi Sơn La, như: “Những đứa trẻ thiệt thòi”; “Lớp học trên đỉnh Pu Hao”; “Bản mường người La Ha thay da, đổi thịt”...

Nhà báo Hoàng Hà tâm sự về chuyến đi tác nghiệp đầu tiên khi đặt chân lên vùng đất Sơn La là đến bản Sam Quảng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Khi đó, đường đến bản Sam Quảng chủ yếu là đường đất, gập ghềnh đá sỏi, xuyên qua cánh rừng nguyên sinh âm u, nhiều đoạn một bên là núi cao, bên kia là vực sâu hun hút. Cách trung tâm xã gần 20km, nhưng phải mất 3 giờ đồng hồ mới đến được bản. Ngày đó, bản Sam Quảng chưa có điện, đời sống đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thấy chúng tôi đến, bà con rất quý và tạo điều kiện tác nghiệp. Chuyến đi đó, cùng với sự giúp đỡ của cán bộ Đội sản xuất số 7, Đoàn kinh tế quốc phòng 326 nên tôi đã hoàn thành tốt công việc, với tác phẩm “Lớp học vùng cao Sam Quảng” và “Bộ đội giúp dân phát triển kinh tế”.

Năm 2019, nhà báo Lê Quang Quyết, phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam, từ Hà Nội được điều động lên thường trú, tác nghiệp tại tỉnh Sơn La. Hơn 5 năm tác nghiệp ở Sơn La, giúp anh có nhiều cảm hứng sáng tác, thể hiện nhiều tác phẩm ảnh báo chí phản ánh các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Anh đã có nhiều tác phẩm đoạt giải cao, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Sơn La đến với bạn bè trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến tác phẩm “Thuận Châu phấn đấu thoát nghèo vào năm 2025” đoạt giải A Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Sơn La năm 2023, tác phẩm “Sơn La giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Quỳnh Nhai” đoạt giải A Giải báo chí “Suối Reo” năm 2023-2024.

Nhà báo Lê Quang Quyết chia sẻ: Để quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Sơn La nhiều hơn nữa, thời gian tới, tôi tiếp tục đến địa bàn vùng sâu, vùng xa; tìm hiểu bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc; các mô hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đưa đến độc giả.

Gắn bó với Sơn La hơn 10 năm, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Nga, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, tác nghiệp về lĩnh vực rộng lớn, nhiều vấn đề nóng, nhạy cảm. Nhất là với những nữ nhà báo tác nghiệp tại tỉnh miền núi Sơn La, thì chỉ có lòng yêu nghề mới có thể giúp họ vượt qua khó khăn, mang đến cho độc giả những tác phẩm báo chí hay, ý nghĩa.

Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Nga nhớ lại: Năm 2015-2016, nạn “cát tặc” hoành hành khiến bà con xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn lo lắng không yên. Ngay khi nắm bắt thông tin, một mình tôi trên chiếc xe máy, đi từ thành phố Sơn La vào cảng Tà Hộc. Dù quãng đường hơn 60km, nhưng đường đi vắng vẻ, thật sự đã có lúc tôi chùn chân, bởi chẳng may xe có hỏng thì không biết làm thế nào, khi xung quanh không có một bóng người, sóng điện thoại lúc có, lúc không.

Đến nơi, khi đưa máy lên ghi lại hình ảnh những chuyến xe chở cát trong ánh mắt cảnh giác của chủ xe, tôi run lắm. Nhưng, sau khi bài viết được phát hành, được chính quyền huyện Mai Sơn ghi nhận, quyết liệt vào cuộc xử lý vi phạm, cũng như đầu tư nâng cấp lại tuyến đường cho bà con. Cảm thấy hạnh phúc, khi những “đứa con tinh thần” của mình được độc giả đón nhận, là cầu nối phản ánh những tâm tư nguyện vọng của người dân đến chính quyền các cấp. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nghề, vững tin trên con đường mình đã chọn, dù còn đó bao thử thách.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 30 phóng viên thường trú của 8 cơ quan báo chí, gồm: Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc; Báo Nhân Dân; Thông tấn xã Việt Nam; Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Báo Nông thôn Ngày nay; Báo Tài nguyên và Môi trường; Báo Giáo dục - Thời đại; Tạp chí Đường bộ.

Nhà báo Đinh Anh Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, cho biết: Các phóng viên thường trú đều chấp hành tốt quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Những thông tin do các cơ quan thường trú phản ánh trúng, đúng, tạo hiệu ứng xã hội tốt, giúp cấp ủy, chính quyền điều chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế. Ngoài ra, các phóng viên thường trú Báo Nhân Dân, Báo Nông thôn Ngày nay, Truyền hình Quốc hội Việt Nam... tích cực làm công tác từ thiện xã hội, kêu gọi sự ủng hộ, giúp các xã vùng III, vùng đặc biệt khó khăn xóa nhà tạm, xây trường học, nhà bán trú; hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, với tổng trị giá trên 1,5 tỷ đồng.

Với sự trách nhiệm, tâm huyết và yêu nghề, các phóng viên thường trú đang góp sức cùng với phóng viên báo chí Sơn La trở thành cầu nối phản ánh tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến với Đảng, Nhà nước và góp phần lan tỏa, quảng bá những hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của quê hương Sơn La đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/chuyen-nghe-cua-nhung-phong-vien-cac-co-quan-thuong-tru-5LOAff8SR.html