Chuyện nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Một tay vỗ không kêu
Phải chăng chỉ có MC Cát Tường đáng bị lên án? Và chuyện nghệ sĩ quảng cáo dừng lại ở mức 'câu chuyện' hay đã đến hồi báo động như một vấn nạn?
Mới đây, MC Cát Tường gặp gỡ báo chí, đưa ra lời xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Tất nhiên, nghệ sĩ này phải chịu trách nhiệm trước công chúng. Nhưng, phải chăng chỉ có MC Cát Tường đáng bị lên án? Và việc nghệ sĩ quảng cáo chỉ dừng lại ở mức “câu chuyện” hay đã đến hồi báo động như một vấn nạn trong giới showbiz?
Về tình, chúng ta có thể cảm thông cho MC Cát Tường và các nghệ sĩ đóng quảng cáo bởi họ cũng cần phải có thu nhập để lo cho cuộc sống. Hơn nữa, nghệ sĩ không có đủ chuyên môn để thẩm định tiêu chuẩn sản phẩm. Có lẽ, điều mà họ quan tâm là thù lao và một chút cả tin với sản phẩm mình cầm trên tay.
Nhưng về tổng thể, chúng ta không thể bênh cho việc quảng cáo bất chấp bởi đó là vấn đề về đạo đức. Nếu không kiểm tra được sản phẩm có thực sự tốt (qua trải nghiệm bản thân hay kiểm tra chuyên môn), đừng vì lợi ích cá nhân (thù lao) mà bất chấp thổi phồng công dụng sản phẩm.
Đó có thể quy về tội lừa gạt khi đưa ra thông tin sai sự thật. Đây là vấn đề đạo đức bởi không ai biết việc dùng các sản phẩm về lâu dài sẽ có hậu quả ra sao. Nếu người dùng phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”, trách nhiệm của MC Cát Tường và những nghệ sĩ quảng cáo khác không chỉ dừng ở mức “lời xin lỗi là xong”.
Trong thời đại công nghệ thông tin, việc mua bán hàng online thịnh hành, chuyện vàng thau lẫn lộn khó tránh khỏi nên người mua phải cân nhắc chi tiền cho sản phẩm nào đó. Chẳng phải tự nhiên mà cụm từ “người tiêu dùng thông minh” ra đời. Không thiếu những trường hợp người tiêu dùng mua thuốc, thực phẩm chức năng… vì nghệ sĩ yêu thích quảng cáo, còn sản phẩm đáng tin cậy hay không thì… mù tịt.
Trong hoàn cảnh này, việc “tin” vào nghệ sĩ còn cao hơn là tin vào chất lượng hàng hóa. Đó là lý do nhiều nhãn hàng chọn các nghệ sĩ nổi tiếng, có sức ảnh hưởng để quảng bá. Hãy là người tiêu dùng thông minh để bảo vệ bản thân, nhất là khi quyết định dùng những sản phẩm liên quan tới sức khỏe.
Các đơn vị quản lý trên không gian mạng cũng cần có trách nhiệm trong vấn đề này. Những video quảng cáo liệu đã được kiểm duyệt đầy đủ?
Khi MC Cát Tường bị lên án cẩu thả khi chọn quảng cáo, việc các video quảng cáo sai sự thật bị phát tán cũng cần phải có người chịu trách nhiệm.
Những nhà sản xuất tất nhiên phải chịu trách nhiệm cao nhất. Với những sản phẩm về sức khỏe, sự trung thực và đạo đức nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Trong kinh doanh, lợi nhuận là cần thiết nhưng còn tùy vào mặt hàng và mức độ ảnh hưởng.
Trong thời đại thông tin như hiện nay, việc quảng cáo sản phẩm là cần thiết nhưng những thông tin truyền tải cần ở mức cho phép và đúng đắn, không thể vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức.
Việc các nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm chỉ là bề nổi của hệ thống quản lý còn khá lỏng lẻo, khi chưa có nhiều quy chuẩn và biện pháp xử lý đủ sức nặng. Nhiều vi phạm thiếu cơ sở pháp lý để xử lý nên ''vấn nạn'' này ngày càng gây bức xúc. Nhiều nghệ sĩ đã xin lỗi nhưng mọi chuyện lại đâu vào đó.
Để làm "trong sạch" việc nghệ sĩ quảng bá các sản phẩm về sức khỏe, cần sự chung tay của mọi tầng lớp. Khi tất cả cùng đặt “chữ tâm” lên cao hơn “chữ tiền”, gốc rễ của vấn đề sẽ phần nào được giải quyết.