Chuyên nghiệp phải khác
Ngày 19/12, tại nhà hàng Thanh Niên, TP Hồ Chí Minh, một cuộc họp báo đã được tổ chức và lập tức nó làm bùng lên một scandal trong giới làm phim. Đơn vị tổ chức họp báo là Công ty TNHH Vùng Trời Mơ Ước D.B.S và nội dung cuộc họp báo xoay quanh việc diễn viên Dustin Nguyễn bị cắt vai trong một bộ phim dự kiến được khởi quay trong tháng 12 này.
Sau khi thông tin được tung ra, nhiều người trong giới giải trí đã có ý kiến bênh vực Dustin Nguyễn và chỉ trích đối tượng chính mà phía Dustin Nguyễn có bức xúc là CGV (thuộc Tập đoàn CJ của Hàn Quốc). Đa số thông tin chỉ trích dựa trên cơ sở “đạo lý làm nghề” và phần bực bội được nhân lên rất nhiều bởi lẽ từ lâu nay đã âm ỉ chuyện Tập đoàn CJ thao túng thị trường điện ảnh Việt Nam thông qua mạng lưới rạp chiếu và cả những đầu tư tay trong vào các hãng phim tư nhân nội địa.
Thực sự, việc cắt vai diễn một diễn viên chính của phim sau khi đã có những thương thảo kéo dài và diễn viên đã có những ngày lao động thực tế cùng êkip sản xuất là một điều khó hiểu. Hành động ấy, đối với một nghệ sỹ, có tổn hại tới danh dự rất nhiều.
Phía Dustin Nguyễn đã có những bức xúc lên tới đỉnh điểm, phải tổ chức một cuộc họp. Một người cũng bị cắt vai trò trong phim là chủ nhiệm phim Minh Đô, một người giàu kinh nghiệm, giàu nhiệt huyết và đã gắn bó với điện ảnh Việt Nam qua nhiều tác phẩm. Dustin Nguyễn và Minh Đô sẽ theo đuổi vụ tranh chấp này tới cùng, tuyên bố chấp nhận mất thời gian và tiền bạc để đáo pháp đình.
Điều đó không có nghĩa là Dustin Nguyễn và Minh Đô có thể sẽ thắng kiện vụ này. Trước pháp luật, chỉ có bằng chứng và lý lẽ chứ không có chỗ cho cảm tính. Vụ việc cho thấy Dustin Nguyễn nói riêng cũng như nhiều nghệ sỹ Việt Nam nói chung đang quá chủ quan dẫn đến sơ hở, có thể mang lại nhiều rủi ro cho mình.
Thứ nhất, việc ký kết hợp đồng giữa Dustin Nguyễn và pháp nhân chịu trách nhiệm sản xuất bộ phim chưa hề được hoàn tất. Ba bản hợp đồng mà Dustin Nguyễn được nhận, và ký, mới chỉ có đơn phương chữ ký của Dustin Nguyễn mà thôi. Chưa có chữ ký và con dấu của đối tác, Dustin Nguyễn thiếu cơ sở pháp lý hoàn toàn nếu vụ kiện xảy ra. Thất bại nằm trong tay Dustin Nguyễn là phần chắc chắn.
Thứ nhì, pháp nhân chịu trách nhiệm sản xuất bộ phim này và tiến hành đàm phán với Dustin Nguyễn là New Arena. Nhưng qua những thông tin bên lề (mà chưa thể được xác nhận bằng bất kỳ văn bản nào), phía Dustin Nguyễn được biết CGV có tham gia đầu tư vào phim.
Dustin Nguyễn cho rằng CGV chính là đối tượng quyết định việc cắt vai của anh. Thông tin này có thể đúng song để minh chứng nó trước tòa với bằng chứng hợp pháp thì lại vô cùng khó, nếu không nói là bất khả. Khi Dustin Nguyễn tố CGV, anh đã sơ hở bởi mối quan hệ dân sự có thể minh chứng (bằng tin nhắn, email) mà anh có thể có được chỉ đơn thuần là giữa Dustin Nguyễn và New Arena. Việc kết tội một cái tên khác mối quan hệ dân sự này là thiếu cơ sở pháp lý.
Thực sự đáng tiếc cho Dustin Nguyễn và cũng đáng trách cho nhà sản xuất phim. Chính họ đã tìm đến Dustin Nguyễn với thái độ rất nghiêm túc. Đáp lại sự nghiêm túc ấy là thái độ cộng tác nhiệt tình của Dustin Nguyễn. Nhưng cuối cùng, cái cách cắt vai của nhà sản xuất là rất bất nhẫn mà nếu nói về tình, nó là bội ước.
Cái đúng về lý khi chưa có hợp đồng hoàn tất việc ký kết và cũng đã trả cho Dustin Nguyễn 80 triệu tiền công làm việc 6 ngày chỉ có thể giúp nhà sản xuất thắng về lý mà thôi. Còn lại, họ thất bại hoàn toàn trong lòng những người làm nghề và có thể là cả trong lòng khán giả.
Người Việt quen làm việc nể nả vị tình mà bỏ qua khía cạnh pháp lý. Chuyện nể nả ấy lại càng phổ biến trong giới giải trí, nghệ thuật. Sau vụ việc này, có lẽ các nghệ sỹ cũng nên chuyên nghiệp hơn bằng cách “chưa hoàn tất ký kết hợp đồng, chưa bắt tay vào việc”. Làm như vậy, có thể bị chê là khó tính nhưng nó là cái khó tính đúng bởi nó hoàn toàn có khả năng ngăn chặn những rủi ro sau này.
Văn Đoàn
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/chuyen-nghiep-phai-khac-575577/