Chuyện 'ngôi làng nguyên thủy' ở Mộc Châu
Làng Hang Táu nằm sâu trong một thung lũng nhỏ ở xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Nơi đây khung cảnh thật tuyệt vời và đặc biệt không bao giờ có tiếng cãi vã.
Chốn bình yên trong Hang Táu
Từ Quốc lộ 6, chúng tôi vượt qua con đường rừng cheo leo để vào bản Tà Số, xã Chiềng Hắc. Từ ngã ba chợ Tà Số, đi thêm chỉ khoảng 2km nữa, nhưng đó là đoạn đường khó khăn nhất, với dặm dài dốc cao dựng đứng, lởm chởm đá. Cuối cùng chiếc xe bán tải cũng đến cổng làng Hang Táu. Nhìn vào màn hình điện thoại, biểu tượng sóng điện thoại đã “lặn” mất từ bao giờ.
Vừa bước qua cánh cổng làng dựng bằng 2 cây gỗ mộc đơn sơ, Hang Táu hiện ra bằng trảng cỏ xanh trải khắp làng. Hơn 20 nóc nhà nằm rải rác sát chân núi, tạo khoảng không gian rộng rãi phía trước cho lũ trẻ nô đùa, đàn gia súc tha thẩn kiếm ăn trên trảng cỏ. Khung cảnh hệt như những thước phim về một thảo nguyên êm dịu nào đó trên phim ảnh.
Nhưng thảo nguyên ở Hang Táu không rộng như những nơi khác, bởi diện tích của cả bản chỉ khoảng 1ha, bao quanh là núi đá và rừng cây nguyên sinh che phủ. Chính vì môi trường địa lý như vậy mà Hang Táu như một thế giới riêng biệt, khác hẳn với sự ồn ào của phố thị Mộc Châu cách đó hơn 10km.
Mọi thứ ở Hang Táu đều mang dáng vẻ nguyên sơ. Từ những căn nhà gỗ đến những dụng cụ sinh hoạt trong gia đình; từ cánh rừng già mọc chen với núi đá, hay bầy gia súc hồn nhiên ngủ trên thảm cỏ… Chính vẻ đẹp nguyên sơ và nhịp sống yên bình của người dân ở đây khiến Hang Táu trở thành địa điểm thu hút du khách đến trải nghiệm vùng đất ấn tượng ở cao nguyên Mộc Châu này.
Nếu một ngày nào đó bạn muốn ngắm nhìn không gian xanh và nhịp sống chậm rãi, yên bình, lắng nghe tiếng động thiên nhiên bằng đôi tai, hít bầu không khí trong lành để vẻ đẹp nơi đây ngập tràn trong tâm hồn. Thì chắc chắn Hang Táu sẽ là điểm đến hữu hiệu”.
Chuyện ở "làng nguyên thủy"
Cái tên “làng nguyên thủy” được khách du lịch trải nghiệm đặt sau khi đến và cảm nhận. Đến với Hang Táu như một chuyến hành trình “đi ngược thời gian”.
Ông Mùa A Lự năm nay 60 tuổi, nhưng được phong là già làng của bản Hang Táu, khuôn mặt lúc nào cũng rạng nét tươi cười. Ông Lự cho biết: “Hang Táu có 20 hộ, đều là những người anh em họ Mùa sinh ra, lớn lên tại đây. Con trai, con gái lớn lên đều sang làng khác lấy vợ, lấy chồng”.
Ông Lự không nhớ tuổi người cha đã mất của mình, nhưng ông được nghe cha kể rằng, từ những năm 1940, cha ông và một số người anh em khác đã di cư từ bản Song Quyên về Hang Táu. Tại đây, những người họ Mùa đầu tiên đến Hang Táu đã dựng nhà, từ bỏ thói quen trồng cây thuốc phiện để chuyển sang trồng ngô trên nương rẫy. Gần một thế kỷ đã trôi qua, đến nay họ Mùa ở Hang Táu vẫn chỉ có 20 hộ, nghề chính vẫn là trồng ngô nương để đổi gạo, trồng mận để có tiền tích lũy, chăn nuôi chủ yếu để tự cấp thực phẩm cho gia đình.
“Ở Hang Táu không có chuyện làng xóm cãi nhau, vợ chồng cũng không bao giờ đánh chửi nhau, không có chuyện bỏ vợ, bỏ chồng. Người nào bỏ, người đấy bị đuổi ra khỏi làng” - ông Lự quả quyết.
Khi lớp trẻ lớn lên, được dựng vợ gả chồng, nếu muốn ở Hang Táu thì những người có chức sắc trong dòng họ sẽ quyết định vị trí dựng nhà cho đôi vợ chồng đó. Đã mấy chục năm qua, lớp trẻ Hang Táu lớn lên, học hành và những chân trời dài rộng mở ra.
Chúng tôi đến nhà chị Vàng Thị May. Bữa trưa có gà đen luộc chấm chẩm chéo (một loại gia vị của người Tây Bắc), thêm cả xôi nếp nương, ngồi bên hiên gió lộng. Tôi hỏi chị May hết bao nhiêu tiền, chị bảo gà 200 nghìn đồng còn lại là gia đình mời. Người Hang Táu dễ thương vậy đó, hiền lành và chất phác với đời sống. Chia tay Hang Táu, chỉ mong sao có dịp quay lại.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chuyen-ngoi-lang-nguyen-thuy-o-moc-chau-5717281.html