Chuyện người cựu chiến binh trên tuyến 500 kV- mạch 3

31 năm rồi, giờ tôi lại đi với đường dây 500 KV. Đến thời điểm này, đã rất cận gần cái dấu mốc son của lịch sử đường dây tải điện 500 KV. Hệ thống truyền tải điện mạch 3 dài hơn 500 km từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) chỉ qua thời gian thi công mấy tháng ngắn ngủi với tổng kinh phí gần 1 tỷ USD đã sắp hoàn thành. Công trình đã khắc phục cơ bản nạn thiếu điện trầm trọng.

Làm nên công trình kỳ vĩ này, ngoài cái tâm cái tài của công nhân ngành truyền tải xây lắp điện còn có sự góp công góp của của người dân các địa phương có đường dây đi qua.

…Trưa ấy, tổ công tác chúng tôi ghé qua Hồ Kẻ Gỗ thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Địa bàn này có hàng chục hố móng thời điểm đó đang được khẩn trương dựng cột để chuẩn bị kéo dây.

Ông Hậu bên cơ ngơi sắp phải di dời.

Ông Hậu bên cơ ngơi sắp phải di dời.

Bên cầu Rào Trạ của xã Cẩm Mỹ ngay sát đường là cơ ngơi của nhà ông Trần Văn Hậu kề bên hai hố móng ngất nghểu, “mọc” trên đó là hai cây cột điện khổng lồ.

Bây giờ thì xã Cẩm Mỹ của Cẩm Xuyên mướt mát một màu xanh trù phú do nguồn lợi Hồ Kẻ Gỗ mang lại. Chứ cái thời anh thanh niên Trần Văn Hậu của làng Mỹ Trung này - như bao thanh niên trai tráng của làng - xung phong đi bộ đội năm 1968 thì cả vùng trơ quạch xám ngoét vì bom đạn. Đây là vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.

Sau ít tháng luyện quân, đơn vị Trần Văn Hậu bắt đầu leo Trường Sơn. Sáu, bảy tháng vượt núi rừng, bom đạn là liên miên những trận đánh ác liệt ở chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Từ một chiến sĩ, do nhiều thành tích trận mạc, Trần Văn Hậu được đề bạt làm chính trị viên đại đội rồi chính trị viên phó Tiểu đoàn cấp bậc thượng úy.

Rồi những tháng ngày yên hàn sau 1975. Dự định của cựu binh kiêm thương binh Trần Văn Hậu là trở về quê nhà Cẩm Xuyên. Những lá thư từ quê nhà như chắp thêm quyết tâm ra quân của anh là địa phương Cẩm Xuyên đang xây dựng một công trình thủy lợi tầm cỡ, hồ Kẻ Gỗ. Đùng cái cuối năm 1977, thượng úy Trần Văn Hậu chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của cấp trên, là điều động một số cán bộ quân đội tăng cường xây dựng cấp huyện cho các tỉnh phía Nam.

Trần Văn Hậu được phân công về Ban tổ chức huyện ủy Hàm Tân tỉnh Bình Thuận. Một thời gian sau lại được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc tại Thủ Đức.

Tốt nghiệp năm 1979 lại trở về Hàm Tân lăn lộn với cơ sở và phong trào. Rồi ông Hậu được bầu vào BCH huyện ủy. Do uy tín, Trần Văn Hậu liên tục trúng cử BCH 3 khóa liền.

Rôì̀ ông được điều về làm Bí thư Đảng bộ xã Tân Hà của Hàm Tân. Không chỉ bí thư của một xã Tân Hà mà liên tiếp làm Bí thư Đảng bộ các xã Tân Minh rồi Bí thư Thị xã La Gi. Một thời gian sau Trần Văn Hậu được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch huyện Hàm Tân.

Một thời gian sau, vết thương cũ tái phát. Sức khỏe giảm sút. Đùng cái lại thêm cú đánh của số phận. Gia đình bé nhỏ của ông có nguy cơ tan vỡ. Nguyện vọng nghỉ hưu của Trần Văn Hậu được chấp thuận. Cố níu kéo hạnh phúc mong manh, Trần Văn Hậu đưa vợ con về địa bàn công tác cũ là Tân Minh. Ở đó mặc dù sức khỏe giảm sút nhưng Hậu vẫn chăm chút làm kinh tế. Lại tích cực tham gia công tác ở địa phương. Người ta vẫn nhớ đến những nhiệt tình của ông Bí thư xã năm nao. Ông được bầu là Trưởng Ban thanh tra xã, rồi Phó chủ tịch Hội nông dân. Phó chủ tịch MTTQ xã Tân Minh. Rồi chức cuối cùng là Ban chấp hành Hội làm vườn (VAC) của tỉnh Bình Thuận.

Hai cột trụ điện 500 kV bên nhà ông Hậu sắp kéo dây.

Hai cột trụ điện 500 kV bên nhà ông Hậu sắp kéo dây.

Quê hương bao năm vời vợi thoắt trở nên gụi gần với người thương binh tay trắng sau khi ly hôn. Không gia đình. Có thể do tính cách hoặc lý do nào đó, ông đã rời đất Bình Thuận mà không chút tài sản lận lưng. Trần Văn Hậu quyết tâm trở về Cẩm Xuyên.

Cha mất từ lâu, chỉ còn người mẹ già ở với chú em út.

Cựu binh Trần Văn Hậu nộp đơn lên Ủy ban xã xin mua đất ở. Những quày quả ngược xuôi lên xuống… Những là gặp công an, địa chính… Có 30 triệu giắt dưới yên chiếc xe máy tàng dần dà tiêu hết. Có mẹ và chú em hỗ trợ chút ít, năm 2005 nhân xã đấu giá đất, may mắn ông trúng được lô đất hơn 200 mét vuông. Nói là lô nhưng kỳ thực nó là cái hố sâu người ta đã đào đất bán. Ông Hậu đôn đáo vay tiền khắp. Những ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng hưu trí, vay cả cá nhân các mức lãi thấp thì 0,8%, 1,5% cao tới 14%. Tiền ấy để thuê công hoàn thổ tôn nền. Để dựng nên gian mái bằng và ngôi nhà gỗ 2 gian. Suốt 18 năm ròng rã. Thời điểm chúng tôi gặp, ông Hậu còn số nợ 161 triệu. Tiền lương hưu chỉ đủ trả lãi. Mỗi tháng hai bố con ông chỉ còn 280 ngàn để sinh sống qua ngày. May mà ông chăn nuôi được gà trồng thêm rau màu.

Đang nói đến hai bố con. Con nào? Cũng phải mở thêm cái ngoặc. Ròng rã bao năm bới đất lật cỏ chú tâm vào việc đào… đất. Nhưng cái số ông Hậu cũng có tí đào… hoa. Hình như thời gian gia đình tan vỡ, ông cũng có tí tình vắt vai rổ rá cạp lại ở một tỉnh miền Trung. Nhưng khốn nỗi, lại không được bền. Người vợ mới bỏ đi để lại cho ông đứa con mới tí hin năm tuổi. Ông đưa con gái về quê Cẩm Xuyên. Hai bố con rau cháo nuôi nhau. Cảm thương hoàn cảnh hai bố con, một bà quá lứa nhỡ thì ở làng đã đến tình nguyện đào đất với ông. Hai ông bà ăn chắt nhịn thèm miệt mài khai phá dựng xây. Đến nay ngoài gian nhà mái bằng và 2 gian nhà gỗ, họ đã có cơ ngơi hơn 500 m2 đất ngay bên cạnh đường 8C kề cây cầu Rào Trạ!

Đùng cái như tiếng sét giữa trời quang mây tạnh, áp Tết Giáp Thìn các nhà chức việc đến - không phải để chúc Tết gia đình cựu binh Trần Văn Hậu, mà để truyền đạt thông báo khẩn của trên rằng toàn bộ ngôi nhà vườn tược của ông nằm trong diện phải di dời! Nhà ông ngay sát cạnh cụm cột tải điện khổng lồ sẽ được thi công ít bữa nữa.

Nhà ông Hậu như không có cái Tết bởi những đêm mất ngủ và vô số những toan tính, lo nghĩ ập đến…

Cũng nhanh, các bộ phận chức việc đã giúp gia đình ông áp các mức giá đền bù. Ông Hậu như chết đứng, như trời trồng khi toàn bộ gia sản đất vườn đất ở của ông theo giá thị trường là hơn 5 tỷ. Giờ đây ông chỉ được đền bù tất tật các khoản là 1 tỷ hai trăm lẻ tám triệu!

Bây giờ cụm cột đôi cao gần 70 mét đã song song sừng sững vững chãi. Chỉ ít bữa nữa là những đường dây tải điện cỡ bằng cổ tay sẽ vắt qua. Rồi thời khắc đóng điện. Cách gần 100 mét xung quanh đường dây theo quy định an toàn không được sinh vật nào lai vãng. Gia đình ông Hậu nằm trong từ trường có hại này phải di dời!

Trong lúc đợi các đồng nghiệp tất bật với những hỏi han ghi chép ghi hình công việc của đội thợ đang thi công cây cột điện khổng lồ, tôi sải những bước quanh nhà ông Hậu. Ngó những hàng cây ăn quả rau màu xanh tốt nay mai sẽ bằng địa. Đành một nhẽ, nhà ông sẽ di dời đến nơi ở mới. Và may mắn bên ông vẫn có một người đàn bà để mà chung lưng đấu cật… Nhưng phải bắt đầu, phải giở dói cái việc làm nhà ở tuổi 78 (như ông nói là lần làm nhà thứ… 4 trong đời) của một kiếp người chả còn mấy hột thời gian. Lại trong một tâm trạng lo lắng nợ nần và những bức xúc, ấm ức việc đền bù chưa thỏa đáng…

Quay trở vào nhà lại bắt gặp khuôn mặt hom hem của chủ nhân cùng cái thở dài thườn thượt. Ông Hậu băn khoăn rằng cái mức đền bù ấy không hợp lý, không công bằng. Bởi cũng là công trình trọng điểm Quốc gia, việc đền bù cho những hộ phải giải tỏa để làm đường cao tốc ở thôn bên cách nhà ông gần 1 km làm rất công bằng thỏa đáng. Nhưng với công trình đường điện Mạch 3 chỗ nhà ông lại không được vậy? Nhất bên trọng nhất bên khinh là như nào?

Một đồng nghiệp hỏi ông đã đơn thư như nào chưa thì bất ngờ, chất giọng ông bỗng như đanh lên. Rằng với tư cách một công dân một cựu binh một huyện ủy viên… ông tán thành và ủng hộ chủ trương công nghiệp hóa của Nhà nước. Nhưng phải làm sao đó tránh để cho dân cụ thể là gia đình ông chịu thiệt thòi.

Rồi chất giọng ông như dịu như chùng lại… Ông cho biết mình chưa đơn thư kêu cứu khiếu kiện lên cấp nào cả, mà kiên nhẫn trình bày với các nhà chức việc địa phương. Nói đến đây ông trở vào buồng quay ra đưa chúng tôi hai tờ giấy đánh máy vi tính.

Như ông nói đây không phải là đơn khiếu kiện gửi cơ quan chức năng nào cả. Mà chỉ là lá thư gửi ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

“Bác quen ông Chủ tịch tỉnh à?”. Đáp lại câu hỏi bất ngờ của một đồng nghiệp, ông Hậu cười, thẳng thắn “Tôi không quen. Nhưng với tư cách một quân nhân một nguyên huyện ủy viên và nguyên Phó chủ tịch huyện, tôi muốn trình bày trung thực thẳng thắn rằng việc đền bù cho gia đình tôi còn nhiều điều không công bằng, thiếu minh bạch, không thỏa đáng. Tôi tin ở vị thế chủ tịch của một tỉnh, ông ấy sẽ công tâm hơn”.

Trong thư, ông Hậu có 2 cái “tóm lại”. Một, ông xin được hỗ trợ phần đất ngoài đất ở (ít nhất cũng được hỗ trợ 50-70% so với giá đền bù đất ở). Hai,xin được giảm giá tiền mua đất tái định cư.

“Kính thưa đồng chí chủ tịch. Đường điện đã bắt đầu kéo dây. Đất ở, đất tái định cư của tôi chưa được giải quyết. Khi đóng điện gia đình tôi phải dời đi không nơi ở. Đi đâu về đâu?”.

Lá thư của ông Trần Văn Hậu ở thôn Mỹ Trung, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên gửi ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề ngày 1/6/2024.

Nhẩm tính, vậy là đã gần tròn tháng rồi! Chẳng hay ông Chủ tịch tỉnh đã nhận được thư chưa?

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-nguoi-cuu-chien-binh-tren-tuyen-500-kv-mach-3-post1648574.tpo