Chuyện người dân thi đua thoát nghèo ở Chiêm Hóa

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Chiêm Hóa có hơn 12.110 hộ nghèo, chiếm 36,21%, trong đó có 10 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, có thôn 100% hộ nghèo. Thực hiện công tác giảm nghèo, song song với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân Chiêm Hóa luôn ý thức học hỏi, tích cực phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhìn căn nhà khang trang, nền lát đá hoa bóng loáng, đầy đủ tiện nghi, ít ai biết gia đình ông Phượng Quầy Quyên, thôn Khuôn Nhòa, xã Trung Hà từng là 1 hộ nghèo. Ông Quyên bảo, đấy là tiền từ con trai ông chịu khó làm lụng mà nên. Anh Phượng Tà Chiều, con trai ông Quyên nhỏ nhẹ, có được thành quả như hôm nay đều là công lao của cha mẹ định hướng con cái vươn lên. Nhà anh ít ruộng, muốn thoát nghèo, cha mẹ anh bảo phải bám lấy đồi núi mà sống. Anh trồng cam, quýt, hiện có hơn 300 gốc cam quýt, trong đó có hơn 100 gốc đã cho thu quả, mỗi vụ gia đình có khoản thu 30 - 40 triệu đồng. Ngoài chăm sóc vườn cam của gia đình, vợ chồng anh Chiều đi làm cỏ, cắt cam cho các gia đình trong thôn, ngoài xã. Bình quân một ngày đi cắt cam thuê vợ chồng anh Chiều thu được 500 - 600 nghìn đồng. Ở quê hết việc, anh lại đi làm ở các khu công nghiệp. Cứ thế mà ăn thôi, việc gì mang lại thu nhập chính đáng thì anh không nề hà. Vậy nên thoát nghèo, có nhà cao cửa rộng là phải. Đấy là bà con trong thôn nói về anh như vậy.

Bà Hà Thị Xây, thôn Khun Trại, xã Phú Bình là một phụ nữ đơn thân. Dù năm nay đã bước sang 60 tuổi, nhưng bà Xây chưa cho phép mình ngơi nghỉ. Ngày ngày bà tất bật làm hơn 1.200 m2 đất ruộng, hết 2 vụ lúa, bà tiếp tục cấy ngô, đậu vụ 3. Ngoài ra, bà chăn nuôi thêm 3 con trâu, 2 con lợn sinh sản, gà thịt và 1 ao cá. Anh Triệu Văn Thức, Trưởng thôn Khun Trại cho biết, trước đây gia đình bà Xây rất khó khăn, một mình bà nuôi bố mẹ già, ba đứa cháu và một đứa con của bà. Bà Xây đã được vay vốn ngân hàng chăn nuôi trâu. Nhờ tận dụng diện tích đất thừa đuôi thẹo bờ suối, vườn nhà trồng cỏ nuôi trâu nên mấy năm gần đây bà duy trì 2 trâu sinh sản. Gia đình bà Xây đã thoát nghèo bền vững từ năm 2018. Bà Xây còn tiên phong xin thoát nghèo ở thôn Khun Trại. Bà Xây cho biết, các con, các cháu lớn đều đã lập gia đình có cuộc sống ổn định, nhà chỉ còn lại một mình, sức còn, bà tự lo được cho bản thân, mong muốn sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho người khác để quê mình không còn nghèo đói nữa.

Anh Hứa Văn Dương, thôn Làng Đài 1, xã Kiên Đài được nhiều người nể phục bởi sự vươn lên nhờ chăm chỉ lao động. Gia đình anh Dương có 15 con trâu bò, cấy lúa và trồng rừng... mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Dương cho biết, để có thành quả như ngày hôm nay, anh tích cóp từng cái nhỏ để thành cái lớn. Muốn thoát nghèo, ngoài chăm chỉ thôi chưa đủ mà cần phải chịu khó học hỏi. Bởi vậy, xã tổ chức lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, anh đều tham gia đầy đủ. Nhờ chăm chỉ lao động, học hỏi, đàn trâu bò của gia đình anh phát triển tốt. Từ 1, 2 con ban đầu, đến nay đã nhân lên 15 con, trong đó duy trì thường xuyên 11 con trâu bò sinh sản. Gia đình anh Dương thoát nghèo, đây cũng là hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Kiên Đài.

Phần lớn các hộ nghèo trên địa bàn Chiêm Hóa đã thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, biết phát huy tinh thần vượt khó, ý chí tự vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Chiêm Hóa đã có hơn 7.860 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36,21% xuống còn 12,29%. Đời sống nhân dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Tính đến thời điểm này, huyện đã đạt 12 mục tiêu/14 mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/chuyen-nguoi-dan-thi-dua-thoat-ngheo-o-chiem-hoa-139709.html