Chuyện người thương binh 'tàn mà không phế'!
Phục vụ quân đội từ năm 1974, sau khi xuất ngũ, ông Hà Văn Mạnh về với cuộc sống đời thường. Mang theo thương tật trên đôi chân, sức khỏe cũng yếu dần, thế nhưng với tinh thần thép của người lính bộ đội cụ Hồ, ông đã cùng vợ tạo dựng thương hiệu đặc sản bánh mì Bảo Yên.
Thương binh tàn nhưng không phế!
Chúng tôi tìm tới xưởng bánh mì Mạnh Giới trong một chiều tháng 6, xưởng bánh của ông Mạnh nằm gần trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, cách nhà văn hóa huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai chừng 1 km. Xưởng bánh của ông được dựng từ lâu nên cũng đã nhuốm màu thời gian, phía trên cửa chính có treo chiếc biển cũ có ghi “Bánh mì Mạnh Giới”. Tấm biển nhỏ trông chẳng có gì nổi bật ấy lại là địa chỉ quen thuộc với nhiều khách buôn bánh mì.
Từ bên ngoài nhìn vào chúng tôi thấy một người đàn ông dáng vẻ gầy gò, nước da nâu đang xếp từng chiếc bánh nóng hổi vào trong các thùng xốp cho khách. Người đàn ông nhỏ nhắn đó không ai khác chính là ông Hà Văn Mạnh, người đã dùng hơn nửa cuộc đời để phát triển tiệm bánh gia truyền của gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, ông Mạnh cho biết, ngày trước sau khi xuất ngũ, ông bị thương nặng khiến sức khỏe suy giảm, đôi chân của ông giờ phải đi khập khiễng, mỗi khi trái gió trở trời đều đau buốt rất khó chịu.
Dù nhận được trợ cấp thương binh mỗi tháng 3 triệu đồng, thế nhưng trong lòng ông vẫn nuôi mơ ước sẽ có được công việc ổn định, giúp gia đình phát triển kinh tế. Và rồi, như một cái duyên, sau khi học được cách làm bánh mì, năm 1992, ông cùng vợ bắt đầu mở tiệm bánh mì trong khu cây xăng thương nghiệp, đồng thời đặt tên xưởng là tên 2 vợ chồng.
Những tưởng với kinh nghiệm học được ông sẽ thành công, thế nhưng, việc kinh doanh bánh mì của ông bà Mạnh Giới cũng gặp nhiều gian nan, thử thách. Công việc làm bánh đòi hỏi sự kiên trì và sức khỏe. Ngày nào cũng vậy, khi trời bắt đầu mờ sáng, hàng xóm còn đang say giấc thì những tiếng lạch cạch đã phát ra từ trong xưởng bánh của ông bà. Dù mệt mỏi, vất vả, thế nhưng nghĩ tới cuộc sống sau này sẽ gian nan nếu bỏ giữa chừng, ông bà lại động viên nhau cùng cố gắng.
Chia sẻ về công thức tạo ra đặc sản bánh mì Bảo Yên, ông Hà Văn Mạnh cho hay: “Cũng giống như các loại bánh mì khác, bánh của gia đình cũng sử dụng các nguyên liệu như bột mì, bột nở, đường, muối. Do gắn bó lâu với nghề làm bánh nên tôi biết cách để pha trộn các nguyên liệu sao cho hợp lý. Để tạo độ mịn, dẻo cho bánh, tôi phải dậy thật sớm để trộn bột và để bột nghỉ lên men trong vòng 1 tiếng trước khi tạo hình cho bánh và đưa vào lò nướng”.
Tuy nhiên, theo ông Mạnh, điểm khác biệt lớn nhất của bánh mì Bảo Yên có lẽ là bánh được nướng hoàn toàn bằng than củi. Mỗi khi lò bánh mì của ông Mạnh Giới đốt lên hay dỡ bánh là cả khu đều biết. Ngày nay công nghệ hiện đại, các loại máy móc được sinh ra để tiết kiệm sức lực cho con người. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn sử dụng than củi vì khi nướng than củi, bánh sẽ dậy mùi, xốp bánh, độ kết dính cao, khác hẳn so với bánh mì nướng bằng điện.
Hiện tại, bánh mì xưởng Mạnh Giới đã trở thành một món ăn đặc sản của vùng quê Bảo Yên. Mỗi ngày, xưởng bánh mì của ông bà cung cấp ra thị trường hàng nghìn chiếc bánh với đủ chủng loại, kích cỡ; bánh nhỏ được bán ra thị trường với giá buôn: 17 nghìn đồng/ chục; bánh to được bán với giá 30 nghìn đồng/ chục. Khách muốn mua lẻ thì phải đi thật sớm vì thường tới 16h chiều nhà ông đã hết mọi loại bánh. Với số lượng bánh mì bán ra đều đặn hàng ngày, mỗi năm, vợ chồng ông đưa về thu nhập vài trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Thương nhớ hương vị đặc sản bánh mì Bảo Yên
Có lẽ, với những người sinh ra tại thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, ai cũng đã có một lần nghe thấy tiếng rao của ông Hà Văn Mạnh vào những buổi sáng sớm. “Bánh mì Bảo Yên đây! Ai bánh mì Bảo Yên nóng giòn nào”. Chưa đăng kí thương hiệu, thế nhưng cách làm thương hiệu từ những tiếng rao của ông cũng khiến khách hàng phải nhớ mãi.
Sinh ra tại huyện Bảo Yên, chị Lương Thị Hồng giờ đã có gia đình, thế nhưng chị vẫn nhớ rõ hương vị đặc biệt bánh mì quê nhà. Chị Hồng kể, ngày trước, khi còn học tiểu học, sáng nào chị cũng dậy thật sớm chờ ông Mạnh rao bánh qua để đòi bố mẹ mua bánh mì nóng. Loại bánh mấy chị em hay ăn là loại bánh ngọt; bánh có kích thước chừng bằng 1 găng tay của người lớn. Lần nào được mẹ mua bánh mỳ chấm sữa ông Thọ, mỗi chị em cũng phải ăn 2 chiếc mới đủ.
Có lẽ, do đã thưởng thức quen bánh mì nhà Mạnh Giới nên thực khách dễ dàng phân biệt được với bánh của các xưởng khác. Cách đây hơn chục năm về trước, cũng có những người từ Nam Định, Thái Bình lên lập nghiệp bắt chước làm theo bánh nhà ông, thế nhưng không được bao lâu thì đành phải đóng cửa vì người dân chỉ ăn bánh mì nhà ông Mạnh. Cũng chính bởi vậy mà tới hiện tại, ở Bảo Yên chỉ tồn tại duy nhất một xưởng bánh mì nướng củi nhà Mạnh Giới.
Không phải tự dưng bánh mì nhà ông Mạnh được coi là đặc sản của huyện Bảo Yên. Bánh mì Mạnh Giới ngoài việc ăn liền thì còn được làm thành món bánh mì Pa tê ngon hảo hạng. Nguyên liệu để làm bánh mì Pa tê gồm có thịt nạc băm nấu nhuyễn; chân nấm hương xào; các loại rau thơm…tùy theo sở thích của mỗi người mà có thể cho thêm xúc xích, trứng, chả…
Bánh mì sau khi lấy về sẽ được đánh dấu 2 vị mặn ngọt bằng cách cắt một đầu bánh. Tiếp đó, bánh được đưa vào chảo sâu lòng chứa đầy dầu ăn đã sôi già. Lưu ý khi rán bánh phải rán lửa vừa phải, nếu rán lửa to bánh dễ bị cháy khét, lớp vỏ bánh sẽ không được giòn.
Khi bánh đã vàng đều, người làm bánh nhanh tay cầm chiếc bánh cắt một đường ở sườn bánh rồi cho nhân vào bên trong. Không thể thiếu với tín đồ ăn cay là một lớp mỏng tương ớt Bắc Hà được phết lên phần nhân bánh. Bánh mì Pa tê ngon nhất khi thưởng thức vào mùa đông, cầm trên tay chiếc bánh nóng hổi, thực khách sẽ không quên được lớp vỏ bánh giòn rụm, vị ngọt của thịt băm và vị thơm của chân nấm,.. tất cả hòa quyện tạo nên một loại bánh đặc sản mà chỉ khi tới Bảo Yên, du khách mới được thưởng thức.
Chia sẻ với chúng tôi, bạn Đào Thùy Dương (thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cho biết, Dương bắt đầu khởi nghiệp bởi cô vốn có sở thích bán hàng, làm bánh. Nhận thấy mặt hàng bánh mỳ ba tê Bảo Yên khác biệt hoàn toàn so với các loại bánh khác nên Dương bắt đầu thử nghiệm làm những mẻ bánh đầu tiên.
“Bánh mỳ mà mình sử dụng là của nhà Mạnh Giới, có lẽ do có công thức độc quyền nên bánh mỳ khi rán lên rất mềm, không bị khô lại đặc ruột. Hiện tại, mình đang bán bánh online trên trang facebook và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khách hàng.”- Dương cho hay.
Với nhiều người, bánh mì Bảo Yên đã trở thành thứ quà đặc biệt, nó không đơn thuần chỉ là một món ăn đơn thuần mà còn là thứ quà tinh thần cho nhiều người. Ở phương xa, chỉ cần được cầm trên tay một chiếc bánh mì quê cũng là cả niềm động viên tinh thần lớn lao, giúp chúng ta thêm yêu quê hương, trân trọng những gì mình đã có.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-nguoi-thuong-binh-tan-ma-khong-phe-111523.html