Chuyện nhà nông: Cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt
Gia Lai có điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn thức ăn phong phú để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, nhất là cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt.
Thực hiện chương trình khuyến nông, trong năm 2018 và 2019, huyện Kông Chro đã xuất ngân sách hơn 1,5 tỷ đồng để triển khai mô hình lai cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò. Theo đó, huyện đã cấp 42 con bò đực giống cho 42 hộ ở 6 xã gồm: Yang Trung, Đak Song, Sró, Chư Krêy, Đak Kơ Ning và Đak Pling. Anh Đinh Nech (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) cho biết: Năm 2016, anh được các đoàn thể trong xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Sau đó, anh vay 40 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua 2 con bò cái. Đến năm 2018, anh được huyện cấp cho 1 con bò đực giống để lai cải tạo đàn bò. “Đến nay, gia đình tôi đã phát triển đàn bò lên 10 con và vươn lên thoát nghèo. Hàng năm, thu nhập từ đàn bò và 3 ha mì cũng được khoảng 80 triệu đồng. Ngoài việc phối giống cho đàn bò của nhà, bò đực của nhà tôi còn phối giống cho những con bò khác ở trong làng”-anh Nech chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro-cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi thì huyện còn lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ bò đực giống cho những hộ dân tộc thiểu số nhằm lai cải tạo đàn bò. Phần lớn các hộ này chưa quen với việc thụ tinh nhân tạo nên mô hình hỗ trợ bò đực giống là rất phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực. Con bò lai sinh ra có giá trị cao hơn 10-15 triệu đồng so với bò cỏ địa phương.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tổng đàn bò của tỉnh hiện có trên 400 ngàn con nhưng tỷ lệ bò lai mới chỉ chiếm hơn 30%. Ngày 21-12-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung ứng liều tinh bò và các vật tư đi kèm để hỗ trợ phối giống bò nhân tạo. Hiện Trung tâm đã cấp 5.975 liều tinh bò, 6.890 lít Nitơ, 5.950 bộ dụng cụ hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho 8 huyện, thị xã gồm: Kông Chro, Đak Đoa, Đak Pơ, Chư Prông, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê và An Khê.
Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 30 dẫn tinh viên bò, mỗi năm có thể thụ tinh nhân tạo cho trên 10 ngàn con bò cái sinh sản. Ông Đào Viết Khả-dẫn tinh viên của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông-cho hay: Thông qua việc thụ tinh nhân tạo giúp người chăn nuôi có được những con bò lai có giá trị kinh tế cao hơn. Người nuôi bò trên địa bàn huyện hiện rất chuộng giống bò lai BBB (Blanc Bleu Belge). Đây là giống bò có trọng lượng lớn, giá bán cao hơn nhiều so với bò cỏ và rất phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ bò lai của huyện vẫn còn thấp. Nguyên nhân do người dân, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa tiếp cận được với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan chuyên môn và các ban, ngành của tỉnh, huyện có giải pháp hỗ trợ để người chăn nuôi tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, chủ động trong việc lai cải tạo đàn bò.
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: Thực hiện Quyết định số 879/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Trung tâm đã cung ứng đầy đủ liều tinh bò và các vật tư đi kèm để các địa phương triển khai phối giống nhân tạo cho bò. Theo nhu cầu của các địa phương, Trung tâm đã cấp tinh các giống bò lai, gồm: Brahman, Angus, Droughtmaster, BBB, Charolais. Đây là những giống bò lai đã được nuôi khảo nghiệm rất thích hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh và có giá trị kinh tế cao. Đàn bò lai sinh ra do phối giống nhân tạo có chất lượng tốt, giá bán khá cao. Đó là động lực để người chăn nuôi phát triển bò lai hướng chuyên thịt. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, việc phát triển đàn bò thịt chất lượng cao là thực sự cần thiết.
Cũng theo ông Việt, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục cấp tinh bò đực Brahman để phối với bò cái nền địa phương nhằm tạo ra đàn bò nền có tầm vóc lớn hơn, năng suất cao hơn. Sau đó sử dụng tinh các giống bò chuyên thịt như BBB, Charolais, Angus phối với bò nền Brahman để tạo ra con bò lai nuôi thịt có năng suất cao. Ngoài ra, Trung tâm cũng tiến tới việc lai với giống bò Kobe để có sản phẩm thịt cao cấp hơn; đồng thời, xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ thịt bò để có đầu ra ổn định, giúp ngành chăn nuôi bò thịt phát triển.