Chuyện nhói lòng trong ngôi nhà giữa cánh đồng Long An
Chồng bà mất đi để lại cho bà đứa con khờ khạo. Một mình bà hàng ngày bán vé số nuôi con. Cuộc sống khổ cực nhưng cũng không đến nỗi nào nếu không có chuyện chẳng lành xảy ra.
Chúng tôi gặp bà ở chợ Sò Đo (thị trấn Hậu Nghĩa, H. Đức Hòa, Long An). Bà tuổi cao nhưng gương mặt khờ khạo. Quần áo lam lũ, tay chân khẳng khiu, bà cầm xấp vé số mời chúng tôi mua. Những người xung quanh lên tiếng: 'Mua giùm bà đi anh. Bà bị chứng khờ khạo giờ phải nuôi con và cháu ngoại nữa...'.
Ngôi nhà giữa cánh đồng
Vé số của bà không còn nhiều. Chúng tôi mua hết rồi nói bà lên xe tôi chở về. Bà ngập ngừng. Bà con ở chợ xúm vào nói, 'Trưa rồi bà lên xe đi ông ấy đưa về'.
Bà chỉ đường. Vượt qua một đoạn đường nhựa khá dài, chúng tôi rẽ vào đường đất. Con đường đất thẳng nhưng cũng đầy đá sỏi. Hết đường đất, trước mắt chúng tôi là một cánh đồng bát ngát. Nhà bà ở đâu? Bà đưa tay chỉ về phía xa: 'Kia kìa'. Thì ra, lẫn khuất trong bụi tre giữa cánh đồng có thấp thoáng một ngôi nhà.
Xe không thể chạy trên bờ ruộng. Chúng tôi cùng bà xuống xe, rảo bước về nhà. Bà đi thật nhanh và bỏ chúng tôi khá xa. Còn cách nhà chừng hơn 100m, 2 đứa trẻ từ trong chạy nhanh ra ôm lấy bà rồi ba bà cháu nắm tay nhau vào nhà.
Chúng tôi mò mẫm từng bước đi, khá lâu mới đến. Trước mắt chúng tôi, ngôi nhà cấp 4 khoảng 20m2 xuống cấp nặng. Bên cạnh, một ngôi nhà khác cũng rộng chừng ấy mới hơn với tấm biển nhà tình thương do một đơn vị may mặc tài trợ.
Chúng tôi vào nhà cũ. Một phụ nữ với gương mặt thất thần bước ra. Chị cao dong dỏng. Giọng nói thánh thót nhưng rất cục mịch. Quần áo chị mặc cũ kỹ bó gọn tấm thân gầy guộc. Chị nhìn chúng tôi, không nói.
'Nó là con tôi đó', bà bán vé số nói với chúng tôi. Rồi 2 đứa trẻ tung tăng chạy ra. Chúng cười. Nụ cười rất hồn nhiên của tuổi thơ. Cả 4 người ngồi bệt xuống đất...
Bà là Hoa Thị Đẹp, 52 tuổi. Bà bị chứng khờ nhưng cũng còn đủ trí nhớ. Bà kể lại, do bị bệnh như thế nên không ai muốn lấy bà. Mãi cho đến năm 25 tuổi nhiều người mai mối bà mới lấy chồng.
Bà hạ sinh được 2 người con gái. Đứa con đầu tên Hoa Thị Thúy An nay đã 26 tuổi mang bệnh như bà. Đứa con gái thứ 2 bình thường như bao người khác nhưng chẳng may đến 12 tuổi ngã bệnh rồi chết.
Chồng bà sau đó mất đi để lại cho bà bé Thúy An khờ khạo, tay chân lóng ngóng. Một mình bà hàng ngày bán vé số nuôi con. Cuộc sống của 2 mẹ con tuy có thiếu thốn khổ cực nhưng cũng không đến nỗi nào nếu không có chuyện chẳng lành xảy ra.
Tai họa giáng xuống gia đình bà Đẹp khi Thúy An vừa 14 tuổi. Bà kể lại: 'Lúc ấy tôi thấy nó có nhiều triệu chứng khác thường nhưng do quá nghèo tôi cũng không quan tâm sát sao. Rồi, bụng nó càng ngày càng lớn. Tôi hỏi, nó nói một người đàn ông trong làng dụ dỗ nó làm vợ với những lời ngon ngọt. Đến khi biết nó có thai thì không đoái hoài gì tới nó'.
'Mong được nuôi mẹ nuôi ngoại'
Câu chuyện kể đến đây thì từ trong nhà một đứa bé sà vào lòng bà với những cử chỉ thương yêu. Một đứa bé khác nhỏ hơn, cũng chạy ra ôm lấy Thúy An. Chừng vài phút sau, cả hai đứa trẻ cùng xúm xít quanh Thúy An chơi trò nấu cơm. Một chiếc nồi đất nhỏ như quả cam được đặt trên 2 viên gạch. Một bé lấy đất bỏ vào nồi giả làm gạo. Bé lớn lấy nước đổ vào rồi đậy nắp. Lửa không có nhưng Thúy An vẫn cầm chiếc que đưa vào lò để chỉnh lửa. Cuộc chơi vẫn tiếp tục...
Bà Đẹp chỉ đứa lớn nói: 'Nó là Hoa Thị Thanh Trúc Linh, năm nay 12 tuổi. Đây là hậu quả của mối tình đầu của mẹ nó. Cha nó làm nghề bỏ mối nước đá, thường xuyên lêu lổng. Do uống rượu quá nhiều nên bị bệnh và đã chết. Nó không nhận con nhưng ngày đưa tang nó tôi có đến.
Khi Trúc Linh 7 tuổi, Thúy An lại một lần nữa mang thai. Lần này cũng người địa phương hứa hẹn đủ điều với Thúy An. Nó có biết gì đâu, ai nói sao nó tin vậy'. Bà Đẹp nói với chúng tôi: 'Thế là con bé Hoa Thị Thanh Tú Tiên ra đời. Thấm thoát Tú Tiên đã 5 tuổi. Cha nó không một lần bén mảng đến thăm con'.
Ba mẹ con 'nấu cơm' đã chín. Hai đứa bé đứng lên. Trúc Linh vào trong góc nhà lấy ra chiếc giỏ. 'Ông ơi' - nó nói với chúng tôi. 'Sáng nay con với mẹ con đi bắt cua nè', nó cầm trên tay con cua rồi nói tiếp: 'Cua đồng ở trong hang nên con và mẹ phải thò tay vào bắt'.
Con không sợ nó kẹp tay con sao? - 'Dạ không. Nó kẹp đau một chút nhưng con cũng phải ráng để cho cả nhà có bữa ăn ngon'.
Trúc Linh và em không như mẹ và ngoại. Hai cháu bình thường. Trúc Linh đang học lớp 4 trường Tiểu học Sò Đo, nơi cách nhà gần 5km.
Hỏi thăm về việc học, Trúc Linh cho biết: 'Năm nay con được học sinh giỏi nhưng bằng khen cô giáo giữ vì nhà con dột sợ sẽ làm hư. Con rất thích học và em con cũng vậy. Hàng ngày con đến trường bằng chiếc xe đạp do mẹ của bạn con cho. Chút nữa ông về con sẽ đạp xe đưa ông đi một quãng đường'.
Mẹ và ngoại không bình thường và tỉnh táo. Hai cha, một đã chết và một người không nhận con. Nhìn 2 đứa bé, nhìn ngôi nhà dột nát, nhìn cảnh nghèo nàn cơ cực chúng tôi chưa thể hình dung được tương lai của hai bé sẽ ra sao.
2 bé thỏ thẻ với chúng tôi: 'Con thương ngoại, thương mẹ lắm. Con rất muốn được học như bao người khác để sau này đi làm nuôi mẹ nuôi ngoại ...'. Chúng tôi cũng chỉ biết mong như thế.
Chúng tôi ra về. Trúc Linh đẩy xe ra. 'Con đưa ông về một đoạn nhé', cô bé nói.
Nhìn con bé mạnh mẽ đạp xe trên cánh đồng, chúng tôi tin một ngày mai tươi sáng sẽ đến với cháu.
Hình ảnh 2 đứa bé hồn nhiên trong cuộc sống đầy vất vả gian truân đã ám ảnh chúng tôi suốt đường về.