Chuyện những 'bà đỡ' cho đồng bào dân tộc thiểu số 'khát' dòng vốn rẻ
Mô hình HTX được ví như 'bà đỡ' giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế của địa phương hiệu quả, từ đó thoát nghèo bền vững. Tuy vậy, nhiều HTX cho biết khó khăn lớn nhất để họ mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm mới… là tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như các nguồn lực khác.
HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là một trong những đơn vị điển hình về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. HTX có 49 thành viên (90% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số) và liên kết khoảng 150 hộ dân, canh tác hơn 220 ha (chủ yếu là cà phê), với sản lượng đạt 500 tấn/năm.
Khó mở rộng sản xuất vì thiếu nguồn lực
Thời gian qua, HTX đã đầu tư mua đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất rộng 500 m2 và thuê khu vực sân phơi với diện tích 1.000 m2, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, với kinh phí 2 tỷ đồng để tập trung sản xuất cà phê nhân và liên kết với Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam để tạo đầu ra ổn định.
Ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Ea Tu cho biết, HTX đã liên kết với bà con nông dân tại 5 thôn bao gồm: thôn 12, thôn Eanao A, thôn Prông B, Buôn Ju và Buôn KôTam xã Ea Tu – Tp. Buôn Ma Thuột, sản xuất, thu mua và chế biến cà phê theo theo tiêu chuẩn Thương mại công bằng Fairtrade được tổ chức chứng nhận quốc tế Fairtrade Standards and Flocert công nhận từ năm 2016 đến nay. Sản phẩm được chứng nhận, có chất lượng tốt nên cà phê của HTX dễ dàng tiếp cận với thị trường các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức… thông qua nhà xuất khẩu.
Đến nay, trung bình mỗi năm HTX tiêu thụ 200 tấn cà phê nhân có chứng nhận (RA) liên kết với Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam và 229 tấn cà phê nhân có chứng nhận Thương mại công bằng. Bên cạnh đó, từ năm 2019, HTX tiếp tục phát triển thêm các dòng cà phê bột cung cấp cho thị trường trong nước và xây dựng 3 sản phẩm cà phê bột đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020 là cà phê đặc sản, Robusta và Honey. Trong năm 2023, HTX Ea Tu dự kiến sẽ có doanh thu đạt khoảng 12 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2022, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Tuy vậy, trong cuộc trò chuyện với VnBusiness, Chủ tịch HTX Trần Đình Trọng băn khoăn về tương lai phát triển của HTX khi muốn nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mở rộng quy mô. Một trong những khó khăn lớn nhất là tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi khi thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA) và châu Âu (EU) tại xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Được biết, giữa tháng 4 vừa qua, HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu đã có công văn gửi lãnh đạo các cấp trong về nguyện vọng phát triển dự án trên. “Với vai trò là HTX tiên phong trong chuỗi giá trị sản xuất cà phê tiêu chuẩn Thương mại công bằng Fairtrade tại địa bàn của tỉnh, HTX Ea Tu mong muốn tiếp tục xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cà phê địa phương theo tiêu chuẩn và có chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn Mỹ (USDA) và châu Âu (EU) với diện tích khoảng 60 héc ta để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất hạt cà phê - một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển nông thôn tại tỉnh nhà”, ông Trọng bày tỏ.
Theo đó, HTX Ea Tu mong cơ quan chức năng hỗ trợ để thực hiện dự án trên với chi phí đầu tư trong 3 năm đầu là 1 tỷ đồng và phát sinh cho những năm sau tái đánh giá cấp chứng nhận là 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm. Thời gian thực hiện từ tháng 5/2023, dự kiến có chứng nhận hữu cơ trong quý IV/2023.
HTX Ea Tu cũng mong UBND TP.Buôn Ma Thuột, Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT Đắk Lắk hướng dẫn HTX làm hồ sơ đề xuất dự án và trình UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt danh mục dự án phù hợp, hỗ trợ thuê đất và chế biến. Đồng thời xem xét hỗ trợ một phần tài chính để HTX thực hiện dự án trong 3 năm đầu, cụ thể năm 2023: 400 triệu đồng; năm 2024: 300 triệu đồng; năm 2025: 300 triệu đồng.
Nhiều HTX khó tiếp cận vốn vay ưu đãi
Thực tế, tình trạng “khát vốn” cũng đang xảy ra với nhiều HTX, trong đó có các HTX đồng bào dân tộc thiểu số - đang đóng góp lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương vùng đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, tận dụng tiềm năng, lợi thế địa phương về sản xuất nông nghiệp, với vùng nguyên liệu nông nghiệp đa dạng, phong phú đã giúp cho HTX nông nghiệp Tân Thành (xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn) khẳng định vị thế về sản xuất nông nghiệp về nghệ, đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương. Năm 2017, HTX được thành lập với 9 thành viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù vậy, nguồn vốn vẫn là rào cản khiến HTX khó mở rộng sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành, thông tin: “Chúng tôi chưa thể vay theo tên HTX vì địa bàn hoạt động ở vùng đặc biệt khó khăn nên đất đai và tài sản có giá trị vô cùng thấp, vay ít không đủ mua nguyên liệu và quay vòng sản xuất, chủ yếu nhờ vào thành viên HTX đứng ra vay vốn để mở rộng sản xuất”.
Do thiếu vốn nên việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm mới… của nhiều HTX ở tỉnh Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân khó tiếp cận vốn là do HTX không phải là DN nên tài sản không lớn để thế chấp.
Vì vậy, bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) mong muốn, đối tượng được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội không chỉ thông qua thành viên HTX mà chủ thể vay là HTX giống như ngân hàng thương mại, ngân hàng nông nghiệp. HTX có thể vay qua phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch, nguồn hình thành tài sản. Như vậy, HTX có phương án vay vốn dài hạn, hiệu quả hơn.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển Kinh tế tập thể, HTX mới đây cũng cho thấy cơ chế, chính sách và nguồn vốn hỗ trợ khu vực HTX nói chung, trong đó có HTX đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa hợp lý so với tính chất của mô hình HTX; bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX còn thiếu gây khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ ở các cấp.
Cụ thể, số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước còn hạn chế, đặc biệt chính sách hỗ trợ tín dụng, chính sách giao đất, cho thuê đất (địa phương hết quỹ đất công); chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các HTX
Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng nguồn vốn cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn và khu vực kinh tế tập thể; đổi mới và đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng.
Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, các chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh vai trò của kinh tế tập thể, HTX nhưng thể chế của chúng ta thiết kế chưa thực sự tạo ra được động lực cho HTX phát triển.
Đơn cử, HTX rất khó tiếp cận vốn, do không có tài sản chung để thế chấp vay vốn. HTX cũng rất khó tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân cũng chưa phát huy hết vai trò của mình…
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) lần này, ông Dũng nhấn mạnh cần phải cố gắng cập nhật cơ bản các chính sách mới, đột phá, phù hợp với thực tiễn, sát với nhu cầu của chủ thể để khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững..
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX yêu cầu, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX; trọng tâm là dự án Luật HTX (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cho vay nội bộ trong quá trình sửa đổi Luật HTX. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn Ngân sách Nhà nước và đôn đốc Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với các HTX để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng cho vay các mô hình HTX kiểu mới tham gia chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có thế mạnh, có giá trị thương mại cao, tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân.