Chuyện những bông hoa Quyết thắng
300 điển hình ưu tú về dự Đại hội Thi đua Quyết thắng (TĐQT) toàn quân lần thứ X được ví như những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thi đua của Quân đội 5 năm qua. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các tập thể, cá nhân điển hình đã góp phần tỏa sáng hình ảnh 'Bộ đội Cụ Hồ' thời bình.
Còn người, còn biển, đảo
Thay mặt cho tất cả cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân, Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy Vùng 4 Hải quân chia sẻ với các đại biểu dự Đại hội nhiều câu chuyện về lòng quả cảm, sự dấn thân và nghĩa đồng bào của những người lính đang trấn giữ một vùng biển đảo rộng lớn, có các mục tiêu trọng yếu là quần đảo Trường Sa và căn cứ quân sự Cam Ranh.
Những năm gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp, nhất là trên vùng biển, đảo thuộc Vùng 4 quản lý. Nước ngoài tăng cường các hoạt động trên thực địa, thường xuyên đưa tàu hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, ngăn cản việc thăm dò, khai thác dầu khí và hoạt động kinh tế biển của ta…
Để hoàn thành tốt trọng trách được giao phó, 5 năm qua, đơn vị đã tổ chức hàng trăm chuyến tàu, hành trình hàng trăm ngàn phải lý với hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt từ tháng 7 đến10/2019 và từ đầu năm 2020 đến nay, nước ngoài tiếp tục có những hành động ngang ngược xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của ta.
“Biết rằng, sẽ vô cùng nguy hiểm, có thể phải hi sinh nhưng cán bộ, chiến sĩ của Vùng vẫn không hề nao núng, quyết tâm còn người còn biển, đảo. Trong thực hiện nhiệm vụ, có những con tàu hoạt động trên biển liên tục 100 ngày đêm, trở về trên mình đầy vết đâm va; có những cán bộ, chiến sĩ nhận được tin bố mất, mẹ ốm nặng, vợ sinh con đầu lòng vẫn gác lại việc gia đình để nhận nhiệm vụ mà không hề đắn đo, suy tính; có người vừa về đến đơn vị, khi có tình huống lại xung phong tiếp tục lên đường ra thực địa”, Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân nói.
Vừa dũng cảm đấu tranh giữ từng “tấc đảo, sải biển”, mỗi đảo, điểm đảo, mỗi con tàu Vùng 4 Hải quân còn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc để ngư dân ta vươn khơi, bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng. Bất kể thời tiết mưa bão hay ở vùng biển xa, mỗi khi tàu thuyền ngư dân có sự cố, những con tàu ở Vùng 4 lập tức nhổ neo.
Tự hào hai chữ Việt Nam
Đại diện cho những chiến binh mũ nồi xanh về dự Đại hội, trung úy Sa Minh Ngọc, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam chia sẻ hành trình đến với màu áo lính và kỷ niệm khó quên của chị khi thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan.
Minh Ngọc cho biết, trở về nước ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Malaysia, chị nộp hồ sơ tuyển dụng vào Cục GGHB Việt Nam. Ước mơ trở thành hiện thực khi chị chính thức được lựa chọn vào lực lượng GGHB từ năm 2015. Cuối tháng 10/2016, chị tham gia đội hình Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) đang tập kết tại Bệnh viện Quân y 175 ở TPHCM và đảm nhận vị trí Trợ lý hành chính - tài chính.
Tháng 10/2018, khi Việt Nam chính thức triển khai thành công BVDC 2.1 tới Bentiu thuộc Nam Sudan, Minh Ngọc và các đồng đội bắt đầu hành trình 14 tháng tại châu Phi xa xôi. “Nhiệm kỳ công tác của chúng tôi tuy chưa phải là dài, nhưng có rất nhiều thử thách mà chúng tôi phải vượt qua, đặc biệt là nữ quân nhân thì khó khăn, vất vả đó lại nhân lên gấp bội”, trung úy Ngọc nói.
Có những thời điểm BVDC 2.1 triển khai công việc cũng là đúng giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng sắc tộc và nội chiến giữa các phe phái. Có những lần, Minh Ngọc và đồng đội phải đến những nơi không có bất cứ thứ gì ngoài bụi, đất và cây khô; hay những địa điểm do giao tranh, đường thông tin liên lạc, cung ứng lương thực, thực phẩm bị cắt đứt. Vào đỉnh điểm mùa mưa, chị và đồng đội phải đối mặt với các loại bệnh dịch.
“Ở Bentiu có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, nước sạch rất khan hiếm và lúc đó mỗi người trong đơn vị chỉ được cấp 5 lít nước/ngày để phục vụ sinh hoạt. Chúng tôi phải tiết kiệm, tái sử dụng nhiều lần, như vừa tắm giặt, vừa vệ sinh và tưới rau. Nhiều nam đồng đội có ngày đã phải nhường cơ bản phần nước sinh hoạt của mình cho chị em chúng tôi, chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ thấm ướt khăn để lau mặt và một phần cơ thể”, trung úy Ngọc kể.
Theo trung úy Minh Ngọc, 14 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan là những ký ức mà chị và đồng đội sẽ không bao giờ quên trong hành trình binh nghiệp. Và càng xúc động, tự hào hơn khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời đất nước châu Phi xa xôi này. Các em nhỏ tại khu vực bảo vệ thường dân của Liên Hợp Quốc chạy đến thi nhau chạm vào quốc kỳ Việt Nam. Các em cố gắng đánh vần hai chữ “Việt Nam” rồi đồng thanh hô to: Việt Nam,
Việt Nam…
Trong 5 năm gần đây, các đơn vị thuộc Vùng 4 Hải quân đã tổ chức cứu nạn thành công gần 100 phương tiện cùng 468 ngư dân và thuyền viên bị nạn trên biển đưa về bờ an toàn. Mới đây nhất là ngày 27/2, Vùng 4 đã cứu vớt an toàn 33 ngư dân tàu cá QNa - 94899 TS bị lật chìm do lốc lớn bất ngờ xảy ra.
“Bên cạnh sự đoàn kết và tinh thần đồng đội, chúng tôi rất may mắn khi có hậu phương vững chắc ở quê nhà. Người thân và đồng đội đã luôn tin tưởng và tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi vượt qua những khó khăn, thử thách nơi tiền tuyến”. Trung úy SA MINH NGỌC.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/chuyen-nhung-bong-hoa-quyet-thang-1677682.tpo