Chuyện những 'chiến sĩ' tuyến đầu...

Khác với những lần chống dịch trước, trong cuộc chiến với 'giặc' Covid-19 lần thứ 4 này, các 'chiến sĩ' nơi tuyến đầu không có nhiều ngày ở bên gia đình sau khi kết thúc mỗi đợt công tác. Đa số các anh, chị trở về cách ly tại nhà từ 7-14 ngày, sau đó lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Cuộc sống hậu cách ly của họ lại chính là… một đợt cách ly tiếp. Những câu chuyện về họ luôn khiến chúng ta xúc động...

Chị Đặng Thanh (bên phải) tác nghiệp, truyền tải tin tức về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh).

Lời hiệu triệu từ trái tim

Vừa trở về từ tâm dịch tỉnh Bắc Giang, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, đây là lần thứ 4 liên tiếp bác sĩ thực hiện nhiệm vụ ở tâm dịch, từ Bệnh viện Bạch Mai, Đà Nẵng, Hải Dương, đến Bắc Giang. Giữa mỗi đợt công tác, thời gian được gần gũi gia đình chính là thời gian bác sĩ phải cách ly y tế. Lần này trở về Hà Nội cũng vậy, tuy gần gia đình, đồng nghiệp nhưng vẫn phải thực hiện những biện pháp cách ly y tế theo quy định. Trong thời gian ở nhà cách ly, do yêu cầu công việc cấp bách, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn vẫn làm việc qua điện thoại, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi cách xử lý các tình huống với đồng nghiệp.

Vinh dự và tự hào là ngày 16-6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có tên bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, người “kiến trúc sư” trưởng của những bệnh viện dã chiến và trung tâm hồi sức tích cực nơi "tuyến lửa" chống dịch.

Còn bác sĩ chuyên khoa II Trương Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai - người trực tiếp cùng các sinh viên tham gia chiến dịch tiêm vắc xin tại tâm dịch Bắc Giang kể lại: "Sau khi nghe lời kêu gọi của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, cả nghìn sinh viên đăng ký tình nguyện tham gia vào tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng như Hội đồng Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã khẩn cấp tổ chức tập huấn nhằm trang bị đầy đủ, chi tiết các kỹ năng công tác, phòng ngừa lây nhiễm".

Kết thúc chiến dịch, đoàn chi viện của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 191 giảng viên, sinh viên đã trở về Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tỉnh Hà Nam) để thực hiện cách ly y tế theo quy định. Tại đây, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tổ chức chương trình “Phục hồi sức khỏe Thân - Tâm” cho các giảng viên, sinh viên vừa trở về từ vùng dịch. "Đây là đợt hậu cách ly ý nghĩa, vừa là thời gian để thầy, trò gắn kết tình cảm, cùng chia sẻ kinh nghiệm về nghề, đồng thời động viên nhau sẵn sàng “chia lửa” với tuyến đầu chống dịch khi cần...", bác sĩ Trương Thị Thu Hương chia sẻ.

Sức mạnh từ hậu phương vững chắc

Sau 50 ngày liên tục chỉ huy trực tiếp tại khu cách ly tập trung Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai), Trung tá Nguyễn Đình Chiến, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai được trở về nhà. Những tưởng hoàn thành cách ly y tế 7 ngày tại gia đình sẽ được trở lại làm việc tại Ban Chỉ huy quân sự quận như các đồng đội khác, nhưng do diễn biến dịch phức tạp, vừa hết cách ly, Trung tá Nguyễn Đình Chiến lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ chống dịch...

"Các thành viên trong gia đình rất thấu hiểu, nén nỗi lo lắng, luôn động viên tôi giữ gìn sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm trở về đoàn tụ. Với vị trí là người “đứng mũi chịu sào” tại khu cách ly, sự vất vả tăng lên gấp bội, nhưng đó chính là công việc cao cả của một người chiến sĩ, tôi rất tự hào về điều đó", Trung tá Nguyễn Đình Chiến bộc bạch.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) có những câu chuyện đặc biệt khiến nhiều cán bộ, y, bác sĩ không cầm nổi nước mắt. Đáng nhớ nhất là những buổi giao ban bệnh viện, với 2 lần liên tiếp trong một tuần (ngày 15-5 và 22-5), các cán bộ, nhân viên y tế phải tiến hành nghi thức dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ người thân của hai nhân viên qua đời mà họ không thể về tiễn đưa lần cuối.

Một trong hai người đó là chị Đặng Thanh, cán bộ Phòng Công tác xã hội của bệnh viện, thường xuyên ở trong tâm dịch để tác nghiệp, truyền tải tin tức, hình ảnh về công tác chống dịch, chia sẻ: “Cuộc chiến với dịch Covid-19 còn dài và mỗi ngày lại có những câu chuyện chúng tôi chưa thể kể hết. Những ngày này, mặc dù chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình nhưng tôi biết “hậu phương” của mình luôn thông cảm, thấu hiểu và sẽ yêu thương thật nhiều để những người con, người vợ, người mẹ nơi tuyến đầu chống dịch yên tâm góp công sức cho nhiệm vụ chung”.

Còn rất nhiều những câu chuyện xúc động phía sau mỗi đợt cách ly của các “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch. Điểm chung của những câu chuyện đó là tất cả các "chiến sĩ" đều quyết tâm gác nỗi niềm riêng để hành động vì sự nghiệp chung. Điều đặc biệt là họ có những "hậu phương" vững chắc, luôn động viên, sẻ chia để yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Dung - Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1003588/chuyen-nhung-chien-si-tuyen-dau