Chuyện những người coi việc của dân như của mình
Việc sắp xếp khu phố, ấp là việc phải làm nhằm phù hợp với thực tiễn một đô thị hiện đại như TP.HCM để có một bộ máy gọn nhẹ nhưng vẫn có tính chuyên nghiệp, hiệu quả cao.
Việc ra mắt mô hình tổ chức mới theo Nghị quyết 11 của HĐND TPHCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn đến nay đã cơ bản hoàn thành. Sau khi sắp xếp, 27.377 tổ chức dưới phường, xã, thị trấn TP.HCM sẽ được tinh gọn lại còn 4.861 khu phố, ấp; không còn cấp tổ dân phố. Số nhân sự được tinh giản từ 64.293 người xuống còn 43.749 người.
Hình ảnh những cô chú tổ trưởng tổ dân phố đến từng nhà tìm hiểu tâm tư, tình cảm, đời sống của người dân để kịp thời phản ánh lên cấp trên; giải quyết những mâu thuẫn nhỏ phát sinh xảy ra hằng ngày giữa hàng xóm với nhau hay đơn giản chỉ là hỏi thăm em bé mới sinh ở nhà kế bên… sẽ mãi là những hình ảnh khó quên trong lòng người dân TP về những người làm công tác cơ sở, ở tổ dân phố suốt mấy mươi năm qua.
Lãnh đạo TP.HCM đã nhiều lần nhấn mạnh hoạt động của mô hình hai cấp tổ chức dưới phường, xã, thị trấn của TP có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Những giá trị, hiệu quả mà mô hình này mang lại là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt, thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra, lực lượng tổ dân phố, tổ nhân dân đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm chung tay cùng TP thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Dù vậy, với thực tiễn một đô thị hiện đại như TP.HCM thì việc sắp xếp này là việc phải làm để có một bộ máy gọn nhẹ nhưng phải có tính chuyên nghiệp, hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử - điều mà TP đang rất quan tâm, hướng tới. Và quan trọng hơn cả là ngày càng phát huy tính làm chủ của người dân, các hoạt động của khu phố, ấp mới phải ngày càng sát sao với đời sống của người dân hơn.
Trong chỉ đạo mới nhất, Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu trong quá trình sắp xếp, các địa phương tránh gây xáo trộn, không làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân và tránh gây lãng phí.
Khi các khu phố mới đi vào vận hành, những cán bộ khu phố tiếp tục đảm nhiệm công việc cũng đã sẵn sàng. Dù vậy sẽ không tránh khỏi những khó khăn, phát sinh về áp lực công việc, thiếu trụ sở sinh hoạt hay ứng dụng công nghệ vào hoạt động điều hành khu phố… thời gian đầu chuyển giao.
Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ nhân sự mới bày tỏ sẽ làm việc hết sức, có trách nhiệm hơn để xứng đáng với sự tin tưởng của người dân. Họ cũng đặt chính tâm tư, tình cảm của mình vào công việc hằng ngày, coi việc của người dân như việc nhà mình để giải quyết một cách thấu đáo. Cũng chính vì vậy, những cán bộ khu phố rất cần sự chung sức, đồng lòng, sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của cấp trên, cùng sự đồng thuận của người dân.
Ngay từ khi công bố việc sắp xếp, nhiều phường cũng đã chuẩn bị chương trình, định hướng hoạt động cho từng khu phố thuộc địa bàn quản lý. Đây là bước đi ban đầu rất cần thiết giúp các khu phố nhìn thấy rõ cần tập trung vào các đầu công việc cụ thể ra sao, cũng là một cách để cùng đồng hành, động viên đội ngũ nhân sự tự tin để điều hành hoạt động cấp khu phố, ấp. Việc tiếp theo là làm, làm có hiệu quả, có sự đồng bộ ngay từ đầu để cấp khu phố thực sự là địa chỉ đáng tin cậy trong lòng dân.
THANH TUYỀN
Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-nhung-nguoi-coi-viec-cua-dan-nhu-cua-minh-post785635.html