Chuyện những người 'di dời' đất

Dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong những dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội. Hiểu được tầm quan trọng và lợi ích mà dự án mang lại, nhiều người dân đã tự nguyện di dời để chủ đầu tư thực hiện dự án.

Từ tiên phong di dời mộ tổ

Những ngày cuối năm 2023, dòng họ Phùng, Lê, Nguyễn có hơn 300 ngôi mộ đã được người thân tiếp nhận vị trí phần mộ để thực hiện nghi lễ tâm linh, di chuyển mộ theo phong tục, tập quán của địa phương, đưa tro cốt của người thân về “nơi ở mới”, bàn giao đất nghĩa trang cũ cho việc thực hiện dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô...

Mộ tổ hàng trăm tuổi của gia đình ông Bùi Văn Trọng được di dời về nghĩa trang nhân dân sạch đẹp.

Mộ tổ hàng trăm tuổi của gia đình ông Bùi Văn Trọng được di dời về nghĩa trang nhân dân sạch đẹp.

Theo tìm hiểu, nghĩa trang nhân dân thôn 5, 6 là nghĩa trang lâu năm, trước kia thuộc địa phận làng An Định, nay là tổ dân phố 5, 6 phường Yên Nghĩa. Đây là nơi an nghỉ của khoảng 13 dòng họ lớn, trong đó có những mộ đã có đến 13 đời yên nghỉ tại nơi này.

Trước việc phải di chuyển mồ mả để nhường lại đất thực hiện dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, không ít dòng tộc, gia đình băn khoăn, trăn trở. Bởi, di chuyển mồ mả là vấn đề hệ trọng, đặc biệt với những ngôi mộ tổ. Chưa kể, nghĩa trang nhân dân mới để di chuyển mộ lại cách xa nghĩa trang cũ, thuộc địa phận tổ dân phố khác (tổ 9) nên càng khiến người dân đắn đo, suy nghĩ...

Là người đại diện cho dòng họ Nguyễn Bá có đến 150 ngôi mộ phải di chuyển, trong đó có những ngôi mộ đã tồn tại từ khoảng năm 1700, ông Nguyễn Bá Kiên, ở tổ dân phố 9 chia sẻ: “Di chuyển mồ mả là công việc lớn, hệ trọng của dòng họ Nguyễn Bá. Nói không trăn trở, băn khoăn thì không phải, nhưng sau nhiều lần được dự các hội nghị tuyên truyền, được nghe tuyên truyền viên của quận Hà Đông, của phường Yên Nghĩa giải thích, 100% thành viên trong gia tộc chúng tôi đã xác định tinh thần ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, bởi Đường vành đai 4 là dự án mang lại lợi ích thiết thân cho người dân địa phương”.

Lê khởi công dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại xã Song Phương huyện Hoài Đức.

Lê khởi công dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại xã Song Phương huyện Hoài Đức.

Còn tại phường Phú Lãm, ngay khi nắm được chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án Đường vành đai 4 của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, xác định đây là chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển giao thông đô thị của Thủ đô, ông Bùi Văn Trọng (Tổ dân phố 7, phường Phú Lãm, quận Hà Đông) đã tổ chức nhiều cuộc họp dòng họ, do gia đình có mộ tổ hơn trăm năm tuổi nằm trên diện tích đất phải bàn giao.

“Di dời mộ tổ là việc tâm linh, cực kỳ quan trọng. Hơn nữa, con cháu trong dòng họ đều đang khỏe mạnh, học tập, làm ăn tốt. Vì vậy, việc di dời mộ tổ cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Sau khi được các cấp chính quyền quận Hà Đông, phường Phú Lãm tuyên truyền, đồng thời các thành viên trong dòng họ tự đả thông tư tưởng cho nhau, gia đình chúng tôi đã quyết định di dời mộ tổ về nghĩa trang nhân dân Mả Chài. Khu vực nghĩa trang rộng rãi, sạch sẽ, thuận tiện cho việc con cháu thăm viếng, tu bổ. Đến nay, gia đình tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương này”, ông Trọng chia sẻ.

Đến sẵn sàng nhường đất

Cùng với việc tiên phong di dời mộ tổ, sau khi nắm bắt được được chủ trương của Thành phố, người dân tại nhiều địa phương đã tình nguyện hiến đất, chấp nhận đền bù để dự án Đường vành đai 4 được thực hiện đúng tiến độ.

3 xã Chu Phan, Thanh Lâm, Đại Thịnh huyện Mê Linh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích.

3 xã Chu Phan, Thanh Lâm, Đại Thịnh huyện Mê Linh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích.

Gia đình ông Ngô Văn Thuận, xã La Phù (huyện Hoài Đức) có gần 700 m2 để trồng hoa màu. Đây vốn là thu nhập chính của của cả gia đình, tuy nhiên, sau khi dự án được triển khai, gia đình ông là một trong những hộ thuộc diện thu hồi đất để phục vụ giải phóng mặt bằng. Dù còn nhiều băn khoăn, luyến tiếc nhưng ông vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ chủ trương của Thành phố. Theo ông, việc giải phóng mặt bằng và đền bù ruộng đất, phục vụ thi công Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ chính trị không phải chỉ riêng của thành phố Hà Nội, mà của cả đất nước.

“Nói không luyến tiếc, không băn khoăn là không đúng, nhưng tuyến đường này đi vào khai thác sẽ phát huy vai trò phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, phục vụ dân sinh là chủ yếu, nên các hộ dân tại địa phương đều hài lòng, đồng tình ủng hộ và tôi cũng vậy”, ông Thuận tâm sự.

Còn bà Lê Thị Hòa, xóm 4 thôn Văn Nội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín thì cho rằng, việc Nhà nước thu hồi đất để mở đường là đúng đắn. Gia đình bà và các hộ khác trong thôn nhận được các thông tin liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng từ các cấp chính quyền đầy đủ, rõ ràng và sẵn sàng phối hợp triển khai. “Tôi bị thu hồi hơn 600m2 đất nông nghiệp, nhận đền bù hơn 500 triệu đồng. Tiếc đất đấy, nhưng việc của Nhà nước thì phải chấp hành, không có gì phải bàn cãi. Hơn nữa, được các đồng chí ở xã, ở huyện tuyên truyền, giải thích nên dân cũng hiểu và vui khi xã mình có đường lớn chạy qua”, bà Lê Thị Hòa vui vẻ cho biết.

Dự án đường Vành đai 4 đoạn đi qua huyện Mê Linh.

Dự án đường Vành đai 4 đoạn đi qua huyện Mê Linh.

Tương tự, Bà Đỗ Thị Thuần, thôn Ngự Tiền, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) cũng chia sẻ, gia đình bà có hơn 200m2 đất nông nghiệp vào chỉ giới Đường vành đai 4. Sau khi được các cấp, các ngành, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường, gia đình đã sớm di dời toàn bộ cây trồng, bàn giao đất cho Nhà nước và có đơn xin nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng trong đợt đầu tiên.

Qua những câu chuyện trên có thể thấy, sự đồng thuận cao của nhân dân về việc sẵn sàng hiến đất, di chuyển mồ mả trong phạm vi thực hiện dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô là yếu tố quan trọng để công tác giải phóng mặt bằng hanh thông, đạt hiệu quả và tiến độ nhanh nhất. Đây chính là “mắt xích” trọng yếu để dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô sớm về đích, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-nhung-nguoi-di-doi-dat-166251.html