Chuyện những người lính Đoàn 500 đi lấn biển (kỳ 4)

Bộ đội Biên phòng cùng người dân trồng cây lấn biển trên vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn.

Vùng đất mở hôm nay.

Năm 1985, ông Phạm Trọng Lực, Chủ nhiệm Hậu cần Đoàn 500 nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá. Ông Lực chia sẻ: Là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, sau đó lại là một trong những người đầu tiên về đây khai hoang, mở đất; mồ hôi và công sức bỏ ra không ít, phải chịu nhiều gian khổ, hiểm nguy, thành ra yêu mảnh đất này không nỡ rời xa, tôi quyết định ở lại.

Với bản tính cần cù, chịu khó lại năng động, ông Lực động viên gia đình tích cực tăng gia sản xuất. Năm 1987, ông là người đầu tiên làm nhà mái bằng trên đất mới Kim Đông - là nơi trú chân cho bà con mỗi khi mưa bão. Năm 1997, xã Kim Đông được thành lập, ông Phạm Trọng Lực được cử làm Bí thư Đảng ủy xã. Trong vai trò người đứng đầu cấp ủy, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và có nhiều sáng tạo trong phương thức lãnh đạo, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Ông Lực chia sẻ cùng đồng đội những gian khó ngày đầu đến Kim Đông khai cơ, lập nghiệp.

Ông Lực chia sẻ cùng đồng đội những gian khó ngày đầu đến Kim Đông khai cơ, lập nghiệp.

Ông Lực nhớ lại: Những năm đầu, người dân Kim Đông chủ yếu trồng cói và lúa. Nhưng do đất bị xâm nhập mặn và năng suất cây trồng đã kịch trần nên việc trồng cấy không hiệu quả. Đến năm 2001, khi Chính phủ phê duyệt phương án của Đoàn 500 về việc bổ sung chuyển đổi mục tiêu Dự án lấn biển Bình Minh III từ trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản, xã Kim Đông đã vận động nhân dân chuyển đổi. Tuy vậy, việc vận động chuyển đổi rất khó khăn bởi phương thức sản xuất "Sú, vẹt lấn biển, cói lấn sú, lúa lấn cói" đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Nhưng với quyết tâm cao, cùng niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động và đặc biệt là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Khi có được 80% ý kiến người dân ủng hộ, xã đã tiến hành chuyển diện tích trồng cói sang nuôi trồng thủy sản và đến năm 2004, 100% diện tích đã được chuyển đổi (431ha), con nuôi chính là cua rèm xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng cói, lúa.

Nhiều hộ dân ở Kim Sơn giàu lên nhờ nuôi tôm công nghiệp cao.

Nhiều hộ dân ở Kim Sơn giàu lên nhờ nuôi tôm công nghiệp cao.

Cũng như ông Lực, ông Trần Dình sau khi "hạ sao" đã quyết định chọn Kim Đông là nơi sinh cơ lập nghiệp. Ông Dình tâm sự: Khi tôi quyết định chọn Kim Đông là nơi lập nghiệp, nhiều người ái ngại. Nhưng tôi thấy đất đai ở đây màu mỡ, khí hậu ôn hòa, con người lại thủy chung, đôn hậu nên đã thuyết phục gia đình chọn Kim Đông làm quê hương thứ hai.

Thời gian đầu khi Kim Đông chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, tôm, cua ở cửa biển nhiều vô kể, nhờ vậy mà nhiều hộ giàu lên rất nhanh. Nhưng do việc quy hoạch đầm nuôi chưa hợp lý, hệ thống cấp thoát nước chưa phù hợp, trong khi đó nhiều nông dân lại thiếu kiến thức nhất định về việc nuôi trồng thủy sản… nên tôm, cua bị dịch bệnh, mùa màng thất thu. Nhiều hộ trắng tay, cuộc sống khốn khó, còn Kim Đông thì bị "liệt" vào hàng những xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Sơn. Ông Trần Dình là một trong những hộ từng gặp thất bại sau một số năm nuôi tôm, cua thành công.

Cùng với nuôi tôm, ông Dình còn trồng cây ăn trái, góp phần tăng thu nhập.

Cùng với nuôi tôm, ông Dình còn trồng cây ăn trái, góp phần tăng thu nhập.

Thất bại của nghề nuôi trồng thủy sản đã giúp ông Dình nhận ra một điều, làm kinh tế chỉ chịu thương, chịu khó thôi chưa đủ mà cần phải có kiến thức, khoa học. Bản chất người lính đi mở đất đã không cho phép ông Dình chùn bước trước gian khó. Một lần nữa ông bắt tay vào công cuộc cải tạo ao đầm, thau chua, rửa mặn, khử trùng và cẩn trọng hơn trong lựa chọn con giống. Ngoài nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh, ông còn đưa các loại cây ăn trái vào trồng khảo nghiệm. Sau nhiều năm kiên trì, hiện nay ông Dình đã sở hữu gần 1 ha với nhiều loại cây ăn trái cho thu nhập cao như: Hồng xiêm, bưởi diễn, xoài, ổi... và 2 đầm nuôi tôm, cua, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đồng chí Trần Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Kim Đông cho biết: Những người lính quai đê lấn biển năm xưa đã kinh qua môi trường thử thách rất lớn về lòng kiên trì, tính kỷ luật nên trở về địa phương họ rất tự tin, năng động, dám nghĩ, dám làm, thực sự là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Hiện toàn xã có gần 800 hộ làm đầm, trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong số đó có nhiều người từng là cán bộ, chiến sĩ Đoàn 500 như: ông Trần Dình, Nguyễn Xuân Quang, Phạm Trọng Lực, Nguyễn Xuân Quyết… Họ chính là những người đã và đang "truyền lửa" cho cộng đồng dân cư khát vọng và tinh thần "vươn ra biển Đông, làm giàu đánh thắng".

Những người lính Đoàn 500 thăm lại vùng lấn biển năm xưa.

Những người lính Đoàn 500 thăm lại vùng lấn biển năm xưa.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-chuyen-nhung-nguoi-linh-doan-500-di-lan-bien-ky-4/d2022120908436596.htm