Chuyện những người trẻ sợ Tết
Cứ mỗi dịp cuối năm, trong khi nhiều người háo hức chuẩn bị đón Tết, thì không ít người trẻ lại cảm thấy căng thẳng, thậm chí lo sợ khi phải đối mặt với áp lực tài chính, sự kỳ vọng từ gia đình và những câu hỏi kém duyên về cuộc sống, đời tư.
Tết lo nhiều hơn vui
Đêm Hà Nội cuối năm se lạnh. Phan Khánh Chi (26 tuổi, nhân viên ngân hàng) chậm rãi bước về căn hộ của mình trên phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng. Tiếng rao của những người bán hàng rong hòa lẫn tiếng nhạc chào mừng năm 2025 từ cửa hàng gần đó khiến cô nàng bất giác thở dài. Hằng biết mùa Tết đang đến rất gần. Dịp Tết với nhiều người là niềm vui sum họp, nhưng với Chi, đó lại là mùa của những lo toan, áp lực.
Cô nàng rút trong ví 2 triệu đồng, khoản tiền cuối cùng còn lại trước khi nhận lương tháng. “Mình đã dự trù được tháng này sẽ chi bao nhiêu cho Tết, nhưng mới đây, mẹ gọi điện nhắc mình mua quà biếu họ hàng. Chưa kể lì xì cho mấy đứa em, đứa cháu ở quê, chưa kể chi phí đi lại, mình thực sự mệt mỏi, chán nản”, cô nàng nói.
Nguyễn Minh Hà (28 tuổi, nhân viên kinh doanh tại TP.HCM) vừa trải qua một biến cố lớn trong sự nghiệp. Vào đầu tháng 12, công ty cô thông báo cắt giảm nhân sự, và Hà không may nằm trong danh sách đó. Với khoản lương trợ cấp chỉ đủ trang trải sinh hoạt trong hai tháng, cô gái trẻ rơi vào cảnh thất nghiệp ngay trước thềm năm mới.
“Đây là năm đầu tiên tôi không có thưởng Tết, thậm chí còn phải cân nhắc về quê hay không vì chi phí đi lại quá đắt đỏ. Mỗi lần nghĩ đến vé máy bay, quà Tết, lì xì... tôi chỉ thấy ngán ngẩm,” Hà chia sẻ.
Để tiết kiệm, Hà quyết định không về quê mà dành thời gian nghỉ ngơi tại TP.HCM. Cô dự định dành khoản tiền tiết kiệm ít ỏi để ổn định lại cuộc sống sau Tết. “Gia đình tôi ở Đồng Tháp cũng hiểu và không ép buộc. Nhưng không thể phủ nhận rằng việc không về nhà làm tôi cảm thấy hụt hẫng,” Hà nói thêm.
Kể từ khi bắt đầu đi làm, Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, kỹ sư xây dựng tại TP.HCM) đã cảm thấy mỗi dịp Tết ngày càng áp lực. Năm nay, do công ty không có thưởng Tết, Nam phải trích khoản tiết kiệm 15 triệu đồng để chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ dài.
“Mình quê Nghệ An, đi làm ở Hà Nội, mỗi lần về nhà là phải tính đủ chi phí: vé xe hơn 2 triệu đồng, biếu bố mẹ 7 triệu đồng, phần còn lại để lì xì và mua quà biếu bà con họ hàng, xóm giềng. Năm nay kinh tế khó khăn, mình phải tiết kiệm từng chút. Nhưng người thân không biết, họ chỉ nghĩ mình sống ở thành phố lớn thì dư dả,” Nam chia sẻ.
Dù đã cẩn thận lên kế hoạch, Nam vẫn cảm thấy bất an khi nghĩ đến Tết. “Với mình, Tết giờ không còn là niềm vui. Mình sợ những lời so sánh giữa mình và con cái nhà khác. Nhiều người chỉ nhìn vào số tiền mình mang về mà không hiểu những khó khăn mình đang đối mặt,” anh nói.
Không chỉ những vấn đề về tài chính, nhiều người trẻ như Khánh Chi còn "ngán đến tận cổ" khi luôn phải "gồng mình" đối diện với những câu hỏi kém duyên từ họ hàng.
Chi kể, vào dịp Tết năm ngoái, khi vừa trở về nhà sau chuyến bay dài từ Hà Nội về quê, người thân đã liên tục hỏi: “Bao giờ lấy chồng?”, “Có định mua nhà chưa?”. Những câu hỏi tưởng chừng quan tâm này khiến cô nàng mệt mỏi, chỉ muốn ở lì trong phong để tránh mặt họ hàng, người thân trong suốt ba ngày Tết.
“Mình đã giải thích rằng muốn tập trung vào sự nghiệp trước, nhưng họ hàng không chấp nhận. Lúc nào cũng có người khuyên nhủ, thậm chí còn có người phàn nàn rằng mình quá ích kỷ, không thèm nghĩ tới gia đình, chồng con.” Chi tâm sự.
Không chỉ Chi, nhiều người trẻ cũng rơi vào tình huống tương tự. Trần Thu Phương (26 tuổi, nhân viên marketing tại Hà Nội) chia sẻ, cô nàng thường bị "chỉ điểm" chuyện cân nặng, ngoại hình mỗi dịp về quê ăn Tết.
“Năm nào họ hàng cũng nói: ‘Sao gầy thế? Ăn uống kiểu gì mà không béo được?’. Mình biết họ không ác ý, nhưng việc nghe đi nghe lại khiến mình stress và tự ti rất nhiều. Thậm chí, mình còn không dám diện quần áo mới vì những lời chê bai về ngoại hình?” cô nàng bức xúc.
Cần làm gì để Tết bớt áp lực?
Theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, chuyên gia tâm lý và khoa học thần kinh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, áp lực Tết mà người trẻ đối mặt ngày nay không chỉ đến từ tài chính mà còn xuất phát từ sự khác biệt trong suy nghĩ giữa các thế hệ. Với mức lương khởi điểm không cao, nhiều người trẻ khó có thể đáp ứng những kỳ vọng tài chính của gia đình. Đồng thời, việc phải đối diện với những câu hỏi khá "nhạy cảm" từ họ hàng cũng khiến không ít bạn trẻ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu.
Để giảm bớt gánh nặng, ông khuyến nghị người trẻ nên lập kế hoạch tài chính từ sớm và xem xét lại các giá trị của ngày Tết. “Thay vì chạy theo hình thức hay những áp lực xã hội, các bạn trẻ nên tập trung vào những giá trị cốt lõi như tình thân và sự kết nối gia đình. Việc chi tiêu vừa đủ và biết cách cân đối sẽ giúp Tết trở nên ý nghĩa hơn,” ông chia sẻ.
Tuy nhiên, sự thay đổi không chỉ đến từ người trẻ mà còn cần cả sự thấu hiểu từ gia đình. Thạc sĩ Nam Anh nhận định: “Phụ huynh nên tập trung hơn vào ý nghĩa tinh thần của ngày Tết, tránh đặt nặng vấn đề quà cáp, tiền bạc hay những thủ tục cầu kỳ, rườm rà, chỉ mang tính hình thức. Việc so sánh con cái với người khác không chỉ tạo áp lực mà còn làm giảm giá trị của tình thân trong ngày lễ truyền thống.”
Minh Hằng hy vọng rằng trong tương lai, Tết sẽ bớt đi những gánh nặng và trở lại là khoảng thời gian để gắn kết gia đình, để yêu thương và sẻ chia. Với cô, Tết không cần phải thật hoàn hảo, chỉ cần là những giây phút ấm áp bên người thân mà không bị áp lực hay những định kiến xã hội chi phối. Tết, dù là truyền thống hay hiện đại, vẫn sẽ giữ trọn vẹn giá trị khi chúng ta cùng nhau thay đổi để hiểu và cảm thông nhiều hơn.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chuyen-nhung-nguoi-tre-so-tet-post1706183.tpo