Chuyện những người trồng cây không đất
Họ không có đất, cũng không có vườn, nhưng bằng tình yêu cây, bằng mong muốn trả lại cho ngôi nhà chung màu xanh vững bền, họ đã có những khu rừng rộng lớn.
Vườn ở khắp nơi
Chiếc xe tải dừng lại cạnh căn nhà nhỏ xinh trên đường Ma Trang Sơn, TP Đà Lạt. Đó là một buổi sáng có chút đặc biệt vì đã có nhiều người đứng trước nhà, chờ chuyến xe tải ấy, trên tay cầm sẵn túi, giỏ để… xin cây, mang về vườn trồng. Chị Phan Diệu Linh, chủ nhà, luôn miệng nói: “Mọi người cứ lấy thoải mái nghen, bao nhiêu cũng được”.
Đó không phải là lần đầu và cũng không phải lần duy nhất chị Diệu Linh tặng cây xanh. Nhiều năm qua, năm nào cũng có hơn chục đợt chị tặng cây như vậy. Ít thì hơn trăm cây, nhiều có đến 10.000 cây xanh được trao tặng để bất cứ ai có đất, có vườn đều có thể trồng. Chị Linh vốn mê cây, nhưng nhà nhỏ, cũng không có vườn nên chẳng thể trồng nhiều. Trong khi đó, ngày ngày chị vẫn đọc thấy, chứng kiến cảnh những vạt rừng dần biến mất theo cơn lốc đô thị hóa.
Cũng mất một khoảng thời gian đau đáu trong bế tắc, chị mới chợt ngộ ra rằng mình hoàn toàn có thể có nhiều và rất nhiều khu vườn đầy cây xanh bóng mát mà không cần sở hữu đất, cũng không cần phải trực tiếp trồng cây. Chị chọn cách tặng cây con cho những người có đất, có vườn và yêu màu xanh, nhờ họ thay chị trồng và chăm sóc, bảo vệ chúng.
Tiếng lành đồn xa, bạn bè ủng hộ chị, góp cây con để chị trao gởi về các vườn. Chị gọi dự án của mình là “Vườn ở khắp nơi”, vì bất cứ đâu cần cây xanh đều có thể gọi chị, dù đó là Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Thuận hay Đồng Nai…, và vườn rộng bao nhiêu cứ trồng bấy nhiêu, không hạn chế số lượng.
Những loại cây chị tặng hầu hết đều “không có giá trị kinh tế”, vì đều là cây gỗ rừng, hoa - những loại cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, bộ rễ lớn để giúp giữ đất, giữ nước, góp phần bảo vệ hệ sinh thái. Vì mục đích là cây được lớn lên nên chị Linh cũng ưu tiên tặng cây vào mùa mưa, nhằm tận dụng nguồn “nước trời” thay vì người trồng cây phải tốn kém nhiều chi phí cho khâu nước tưới. Khi nước ta đang hướng tới mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 thì cách trồng cây rất truyền thống và “lười biếng” từ ngàn xưa lại trở nên cực kỳ hiệu quả.
Chị Linh nói mình không có khu vườn nào, nhưng bạn bè vẫn gọi khu vườn họ trồng là “vườn của Linh”, bởi hầu hết cây ở đó đều từ Linh tặng. Nở nụ cười thật tươi, chị nói: “Mình không phải trồng, không phải chăm gì hết mà tự nhiên có quá chừng vườn. Vậy là lời quá rồi”.
Người ý thức về môi trường, trồng cây hôm nay hẳn nhiên quan trọng, nhưng thế hệ tiếp nối gìn giữ cây còn quan trọng hơn nhiều lần. Thế nên mỗi mùa tết, chị Diệu Linh lại làm chương trình tặng cây con cho thiếu nhi. Những chậu sen đá nho nhỏ, xinh xinh được gởi đến cho các em, để ươm mầm tình yêu cây nơi con trẻ.
Những “shipper” cây
Ở TPHCM, chị Kim Thùy trồng cây theo kiểu khác. Chị “phục kích” trên các hội nhóm trồng cây và mỗi khi có ai tặng cây gì là chị xin, xong lại gởi tặng bè bạn có vườn. Ngày ngày chị xách xe máy rong ruổi khắp nẻo đường thành phố, nhận cây từ chỗ này chuyển đến chỗ kia. Với những vườn xa, chị lại đóng gói cây cẩn thận, gởi theo xe khách hoặc xe tải. Nhiều người biết chị nên thay vì rao tặng cây đã gọi thẳng chị, rồi chị lại gọi bạn bè hỏi họ có ưng trồng các loại cây ấy không, chị sẽ trung chuyển tới; kể cả đó là ngôi chùa ở Bình Thuận hay khu vườn ở Gia Lai.
Chủ trương cứ có cây là trồng nên cây từ chị Kim Thùy khá đa loài. Cây kiểng, bon sai, hoa, thậm chí đủ thứ rau. Mùa mưa vừa rồi, chị đi quét, gom hạt sao đen, dầu rụng từ những hàng cây cổ thụ của thành phố được hẳn mấy bao, gởi về rừng, nhờ bạn ươm để trao tặng các dự án phủ xanh đồi trọc. Nhiều khi chạy mãi cũng mệt, chị tự hứa với mình là “tặng xong đợt cây này rồi thôi, còn làm việc khác” (tham gia nhiều dự án thiện nguyện, phục vụ bếp ăn 0 đồng), nhưng rồi mỗi khi có ai kêu tặng cây, chị lại phóng xe đi…
Về tận cùng đất phương Nam, nơi “nghe nói Cà Mau xa lắm”, Nguyễn Thị Ngọc Đang có khu vườn nhỏ trồng đủ loại rau và niềm vui của bạn là ngày ngày cùng các bé hàng xóm thu hoạch hạt giống, ghi chú từng loại, gởi tặng người cần.
Theo trào lưu bỏ phố về rừng, nhiều người đã mang theo tình yêu cây cối và đã chọn lan tỏa màu xanh bằng cách chia sẻ nguồn cây giống từ vườn mình. Trên các nhóm Facebook như Thích trồng cây, Người yêu rừng…, chỉ cần ta bày tỏ ý muốn có loại cây nào đó, nhất là cây bản địa, chắc chắn sẽ có người sẵn lòng trao tặng. Họ không đơn giản là tặng một cái cây, túi hạt giống mà gởi theo đó là ước mong lan tỏa màu xanh. Những người được nhận cây, sau đó cũng sẵn sàng tặng lại cho người khác, như một cách trả nợ ân tình.
Tết này, thay vì đi hái lộc tức bẻ cây bẻ cành, bạn hãy thử đăng một status “xin lộc”, tin rằng bạn sẽ nhận được nhiều cây con xinh xinh để chưng. Và nếu sau ba ngày tết, bạn mang cây con ấy đi trồng, những người yêu màu xanh sẽ rất cảm kích.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-nhung-nguoi-trong-cay-khong-dat-post725437.html