Chuyện nọ xọ chuyện kia…
Nhìn thấy cái mặt chụ ụ buồn rầu trong ngày oi bức, vợ thương tình nấu cho món cháo ám, tức cá lóc còn để nguyên con, không xắt khúc, nấu không đậy vung. Do không đậy nắp vung nên mới gọi cháo ám chăng?
Thì đại khái thế, khi ăn cháo cá lại nhớ ngày xửa ngày xưa thường về chơi Hội An, một nét đặc thù khó quên vẫn là trước nhà ở phố cổ hầu hết có vẽ hình con mắt gọi “thần cửa/ mắt cửa” với nhiều hình tròn được cách điệu. Không rõ có liên quan gì đến… con mắt cá?
Lý giải thế nào đây ta?
Thì đây, trong Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn ở phần Phẩm vật loại, có đoạn: “Sách Loại tụ nói: “Cái khóa cửa, tất phải làm hình con cá, lấy nghĩa con cá không nhắm mắt, để giữ đêm”. Lại nói rằng: “Ở biển Đông, có loài cá, đuôi như đuôi chim cắt, hễ nó phun sóng thì trời mưa; cho nên đời Đường đến nay, hễ làm nhà thì đắp hình con cá ở nóc nhà để trấn hỏa tai”. Tóm lại, y hiểu nôm na rằng, con cá liên quan rất gần trong đời sống con người. Gần đến độ, tục ngữ có câu Con nạ cá nước.
Nạ là gì thế?
Một điều lý thú là Từ điển Việt - Bồ - La (1651) của Alexandre de Rhodes đã ghi nhận từ áng ná. Áng ná là cha mẹ. Nói cách khác, một khi ta hiểu nạ có nghĩa là mẹ thì thuở xa xưa ấy người Việt gọi là ná, sau chuyển qua nạ và dần dà mất hút. Con nạ cá nước, có thể hiểu con có mẹ như cá có nước. Một sự kết hợp hoàn hảo. Trên cả tuyệt vời. Không lệch mảy may. “Chuẩn cơm mẹ nấu”.
Sống trên đời, lúc nào cũng có mẹ cận kề bên cạnh, thử hỏi niềm vui nào có thể sánh nổi? Từ nạ hầu như nay không còn phổ biến nữa, chỉ còn có thể tìm thấy dấu vết trong lời ăn tiếng nói thuở xa xưa, chẳng hạn Chờ được nạ má đã sưng, Đòng đòng theo nạ quạ theo gà con, Quen việc nhà nạ lạ việc nhà chồng, Con có nạ như thiên hạ có vua, Lấy con xem nạ lấy gái góa xem đời chồng xưa…
Từ nạ hiểu theo nghĩa này, vẫn còn trong nạ dòng. Chinh phụ ngâm có câu: “Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa/ Gái tơ mấy chốc đã ra nạ dòng”, từ một người con gái mới lớn chưa chồng, chỉ nháy mắt trở thành người đàn bà có con, đứng tuổi, ý nói thời gian trôi cái vèo. Thế thì, từ “nạ” này có liên quan, có dây mơ rễ má trong tổ hợp “nạ dòng”? Tại sao lại không?
Trai tân gái góa thì chơi
Đừng nơi có vợ, chớ nơi có chồng.
Câu ca dao này, có nhiều bản lại ghi “hóa/ quả/ quá” cùng nghĩa, tùy phát âm vùng miền. Thông thường, góa dùng chỉ những ai rơi vào trường hợp chồng (hay vợ) đã mất lúc còn trẻ. Góa bụa là góa chồng, sống trong tình cảnh cô đơn, “Mẹ góa con côi” nói chung. Thế thì, câu trên với từ góa là hàm nghĩa như ta đã hiểu?
Y nghĩ là… không.
Đơn giản, trai tân tức trai tơ, chưa một lần “bước lên xe hoa” cơn cớ làm sao phải “mắt liếc tình đưa” với người đàn bà đã chết chồng? Ơ hay, trái tim có lý lẽ riêng của nó, khó có thể can thiệp bằng lý trí.
Đúng là thế. Dù cô ấy đã một/ hai đời chồng, chẳng may chồng mất nhưng vẫn còn xuân sắc, còn “ngọt nước”, có thể “đi bước nữa”, thế mà miệng đời lại mai mỉa: “Trai tơ lấy gái góa chồng/ Như mua nồi đồng đem nấu cám heo”. Nồi đồng mà dùng để nấu cám heo, xét ra tréo ngoe quá, đúng là ngớ ngẩn, dại dột.
Cái nồi đồng sáng giá ấy phải là “Nồi đồng thổi gạo tám xoan/ Mở ra cơm trắng thơm vang cả nhà”. Nay, đem nấu cám heo, còn gì để nói nữa? Cái miệng thiên hạ kể ra cũng độc địa thiệt. Bình luận đến cỡ này, ai chịu cho thấu?
Nếu chỉ quan sát bằng lý trí, nhìn những gì diễn ra rất logic khoa học, có lẽ sẽ không thể giải đáp được câu loại “trầm trọng” cỡ như: “Chà, tay tiến sĩ kia có ăn học đàng hoàng, chữ nghĩa một bồ nhưng sao lại se duyên với cô nàng có nhan sắc thuộc hạng “cùi bắp”? Hoặc thiên hạ xì xào: “Cô đó khùng rồi, du học ở nước ngoài đậu thủ khoa nhưng lại “nâng khăn sửa túi” cho tay ất ơ!”.
Hoặc nhiều bậc phụ huynh đã dậm chân kêu trời: “Ủa, bộ hết người yêu sao con lại vớ phải cô nạ dòng kia?”. Nghĩa là, có nhiều, rất nhiều trường hợp đã xảy ra mà người ngoài không thể lý giải nổi. Còn người trong cuộc chẳng việc gì phải giải thích, chỉ trả lời qua loa ra làm sao?
“Nạ dòng” là từ chỉ người đàn bà đã từng có chồng và đứng tuổi - như Đại từ điển tiếng Việt đã giải thích; và dẫn chứng bằng câu minh họa: “Trai tơ mà lấy nạ dòng/ Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”. Nước mắm thối à? Thế thì làm sao có thể bật lên tiếng cười mỉa mai, chua chát? Phải là nước mắm “nhất”, nước mắm nhĩ, nước mắm hảo hạng mới đúng.
Câu lục bát này sử dụng thể tỷ, cho thấy sự trái nghịch không thể chấp nhận. Ai đời loại nước mắm “ngon lành cành đào” lại cặp kè với “lòng lợn thiu”? Chẳng khác gì cách so sánh “Bầu dục chấm mắm cáy”, tức là cái ngon nhất gắn liền với cái bét nhất để nói lên sự “sánh duyên” cực kỳ khập khễnh.
Lại còn có câu cũng hàm nghĩa tương tự: “Trai tân lấy gái nạ dòng/ Cơm chan nước lạnh, mặn nồng gì đâu”. Thậm chí, “Cưới gái nạ dòng như mang gông vào cổ”. Nói chung, trong suy nghĩ của rất nhiều người, yêu ai cứ việc, cứ việc há mồm ra song ca “như chim liền cánh, như cây liền cành”, chẳng ai “ngăn sông cấm chợ” nhưng chớ léng phéng với nạ dòng/ gái góa/ góa chồng.
Vậy mà trên đời lại có những chàng trai mới lớn, “Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ” (Huy Cận) lại si mê, đắm đuối nạ dòng. Nói theo kiểu thời thượng là “phi công trẻ lái máy bay bà già” - điều từ thuở xa xưa, hầu như chẳng ai tán thành. Thế mới có câu dặn dò: “Gái khôn tránh khỏi đò đưa/ Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta”. Chưa hết, miệng lưỡi thế gian còn chì chiết: “Trai tơ thì lấy gái tơ/ Đi đâu lật đật mà vơ lại dòng/ Lại dòng là lại dòng non/ Trai tơ chết hụt vì con lại dòng”.
Thế nhưng xin hỏi một cách nghiêm túc, nạ dòng có gì mà lại quyến rũ, hấp dẫn trai tơ?
Chị bạn y là một doanh nhân giàu có, thành đạt; do ly hôn nên thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, chị thường tổ chức tiệc tùng tại nhà với quý bà, quý cô cùng cảnh ngộ. Trong những dịp như thế, cậu con trai mới lớn của chị cũng chung vui.
Điều đáng chú ý là trong số những người “bạn của mẹ”, có dăm cô chỉ nhỉnh hơn cậu năm, bảy tuổi. Và rồi “cậu ấm” đã mê tít một cô bạn của mẹ. “Cậu chịu khó thăm dò thằng nhỏ rồi tìm cách gỡ giúp chị với”.
Nghe chị nói cùng gương mặt mếu máo, dù động lòng, y vẫn thấy khó. Sau một thời gian dài lân la tìm hiểu, y mới biết rằng, nhiều chàng trai mê đắm những người đàn bà từng trải vì tò mò lẫn ngưỡng mộ.
Cậu ấm này kể, có một lần, gặp chuyện không ưng ý, cậu ta tâm sự với bạn gái, nhưng chẳng giải quyết được gì.
Trong khi, cũng câu chuyện đó đem nói với bạn của mẹ lại khác hẳn - cậu được chỉ dẫn cách xử lý, được góp ý cách giải quyết. Những chuyện tưởng như lặt vặt ấy dần dà trở thành dấu ấn khó phai trong tình cảm của chàng trai mới lớn. Chưa kể, từ cách ăn nói, trang điểm, trang phục đến loại nước hoa bạn của mẹ sử dụng cũng hơn hẳn những cô bạn gái cùng trang lứa với chàng.
Từ đó, cậu ta đâm ra mê tít thò lò. Không phải ngẫu nhiên, dù đã từng “một lửa”, “hai lửa”, nhiều cô vẫn đầy kiêu hãnh:
Cau già dao sắc lại non
Nạ dòng trang điểm lại giòn như xưa.
Vì biết rõ lợi thế của mình, họ tuyên bố: “Nạ dòng như gỗ ngâm ao/ Vớt lên sáng chói như sao trên trời”. Thậm chí, khi chàng trai mới lớn còn lơ mơ chăn gối nọ kia thì nạ dòng đã thừa kinh nghiệm. Nếu không, sức mấy họ dám táo tợn tán tỉnh: “Mạ úa cấy lúa chóng xanh/ Gái dòng chóng đẻ sao anh hững hờ?”. Các chàng trai mới lớn trong trường hợp ấy sẽ từ chối hay lao tới? Không chỉ trai mới lớn, những người đã “già đầu”, trong lúc “kén cá chọn canh”, cũng có thể đụng vào nạ dòng.
“Mình nói với ta mình hãy còn son/ Ta đi qua ngõ thấy con mình bò/ Con mình những trấu cùng tro/ Ta đi gánh nước tắm cho con mình”. Gọi cô ấy bằng “mình”, nghe ra thân mật lắm. Mà “con mình” cũng có thể ỡm ờ hiểu là “con của mình”, vì đã trót mê nên chàng không ngại quả quyết: “Con mình vừa đẹp vừa xinh/ Một nửa giống mình nửa lại giống ta”. Ơ hay, con của người chồng trước hoặc của ai đấy, tự dưng lại nhận “con mình”? Thiệt oái oăm.
Thế mà câu ca dao trên lại khuyên:
Trai tân gái góa thì chơi
Đừng nơi có vợ, chớ nơi có chồng.
Vậy mâu thuẫn quá chứ gì? Mâu thuẫn với những gì thuộc về quan niệm (thời trước) của người Việt còn lưu giữ trong lời ăn tiếng nói. Nay, đã có cái nhìn “thoáng” hơn nhiều. Thật ra, chẳng gì mâu thuẫn cả, chỉ do ta… hiểu không đúng về từ “gái góa” đấy thôi.
Đại Nam quấc âm tự vị (1895) cho biết: “Gái góa: Gái còn son, chưa chồng”. Rõ ràng câu ca dao này cũng thuộc thể tỷ, chuẩn xác như cách so sánh trong thành ngữ “Trai son gái góa”. Hiểu theo nghĩa này, Từ điển Việt - Pháp của J.f.M Génibrel (1898) cũng ghi nhận tương tự là fille - từ điển của Đào Duy Anh giải thích: con gái, con gái chưa chồng, thiếu nữ.
Thế thì tự bao giờ, “gái góa” không còn hiểu theo nghĩa trên? Tức là chỉ hiểu theo cái nghĩa mà Từ điển tiếng Việt (1977) của Văn Tân chủ biên giải thích: “Gái góa (như gái hóa): người đàn bà chết chồng”. Hiện nay, không chỉ Đại từ điển tiếng Việt mà các tự điển khác cũng giải thích như vậy.
Theo y, cách hiểu này, ít nhất đã xuất hiện từ thập niên 1930, bằng chứng Tự điển Việt - Hoa - Pháp (1937) của Gustave Hue đã giải thích: “gái góa/ gái hóa: veuve, tức góa chồng, quả phụ. Thành ngữ có câu “Gái góa lo việc triều đình”, hiểu nghĩa bóng là nhằm chỉ những ai ôm đồm, cáng đáng, lo lắng đến những việc quá lớn so với khả năng, phận sự của mình. Vậy, gái góa ở đây là nhằm chỉ theo nghĩa nào vừa nêu trên? Xin nhường lời cho bạn đọc suy luận.
Đọc một bài báo đã cà kê dê ngỗng, chuyện nọ xọ chuyện kia, mệt cả đầu, lại còn buộc người ta suy luận thêm, có phải quá đáng lắm không? Tất nhiên rồi, đã quá đáng thì quá đáng luôn thể, vậy xin hỏi thêm hình ảnh con mắt trước cửa nhà phố cổ ở Hội An có liên quan gì đến con cá theo cách giải thích của nhà bác học Lê Quý Đôn?
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/chuyen-no-xo-chuyen-kia-595715/