Chuyện nữ hoàng nước Anh biến tính nữ thành sức mạnh

Với bài diễn văn của mình, Elizabeth Đệ Nhất biến tính nữ của mình thành sức mạnh bằng việc thể hiện khả năng chối bỏ nó.

 Hình tượng nữ hoàng Elizabeth trong bộ phim cùng tên. Ảnh: Remi Adefarasin.

Hình tượng nữ hoàng Elizabeth trong bộ phim cùng tên. Ảnh: Remi Adefarasin.

Bài diễn văn của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất trước quân đội ở Tilbury là một trong những bài diễn văn đầu tiên mà tôi đọc. Đó là vào Lễ kỉ niệm 25 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, ngôi trường tiểu học tỉnh lẻ của chúng tôi kỉ niệm tất cả mọi thứ liên quan đến thời Elizabeth từ thế kỉ 16 tới thế kỉ 20. Trong thư viện trường có một cuốn sách cũ của nhà xuất bản Ladybird về Nữ hoàng Elizabeth I, tôi đã tìm thấy bài diễn văn này ở đó. Tôi yêu nó - yêu giai điệu, chất thơ cũng như cảm xúc tinh tế và câu chuyện của nó - và tôi đã thuộc nằm lòng.

Khi đọc bài diễn văn này vào năm 1588, Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất đã tại vị được 30 năm, thế nhưng nước Anh vẫn còn chia cách, không yên bình và sống trong mối lo sợ sẽ bị hạm đội Tây Ban Nha hùng mạnh xâm lược. Khi nữ hoàng tới được Tilbury, thì hạm đội Tây Ban Nha đã bị đánh lui sau một trận giằng co với hải quân Anh và mối đe dọa xâm lăng dần bị đẩy lùi. Nhưng việc Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất quyết định xuất hiện trên lưng ngựa và nói chuyện với nghìn quân là một hành động khôn ngoan và trọng đại.

Sự kiện đánh bại hạm đội Tây Ban Nha đã trở thành một bước ngoặt đối với lòng tự tin của đất nước, và nâng cao hình ảnh nước Anh với sức mạnh quân sự nổi bật. Bài diễn văn của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất đầy hào sảng và đúng thời điểm. Sức mạnh của nó nằm ở chỗ đã gắn chặt sức mạnh chiến thắng của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất và nước Anh cho đến mãi mãi về sau.

Bài diễn văn của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất còn vang vọng tiếng dội từ bài diễn văn của Nữ hoàng Boudica từ 1.500 năm trước: một nữ hoàng đang tìm cách khơi dậy chí sĩ để cứu lấy đất nước và người dân của mình trước họa xâm lăng; một người phụ nữ cần phải chứng minh uy quyền của mình trước một đội quân toàn những người đàn ông; một bài diễn văn, một tinh thần và một hình tượng đã tồn tại qua nhiều thế kỉ, nhưng được ghi chép lại bằng ngòi bút của một người đàn ông sau nhiều năm.

Cũng như Boudica, ngay từ đầu Elizabeth đã thuyết phục rằng bà lên tiếng đại diện cho quân đội, đồng thời trò chuyện cùng quân sĩ - Boudica nói rằng bà cũng là “một người dân”, Elizabeth thì cam kết “sẽ sống và chết cùng tất cả các ngươi”. Giống như Boudica, bà cũng khơi dậy hình ảnh sau khi đất nước bị xâm lăng, về nỗi hổ thẹn - Boudica kêu gọi báo thù vì “cơ thể ta bị đánh đập, lòng trinh bạch của các con gái ta bị lăng nhục”, còn Elizabeth thì thể hiện khinh miệt đối với “sự hổ thẹn” và với bất cứ tên quân vương nào “dám xâm lăng biên giới tổ quốc”.

Với Boudica, việc xâm phạm nữ hoàng cũng chính là xâm phạm bộ lạc Iceni; còn với Elizabeth, hành động xâm lăng đất nước cũng chính là xâm phạm đến Nữ hoàng Trinh nữ (Một danh hiệu của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất, do bà không lấy chồng).

Nhưng trong khi Boudica sử dụng tính nữ của mình làm sức mạnh, “đây chính là lòng quyết chí của một người phụ nữ”, thì Elizabeth biến tính nữ của mình thành sức mạnh bằng việc thể hiện khả năng chối bỏ nó, trong câu nói nổi tiếng nhất của bà: “Ta chỉ có cơ thể của một người phụ nữ yếu ớt và mong manh; nhưng ta có trái tim và lòng gan dạ của một vị vua”.

Ghi chép về bài diễn văn này của bà xuất hiện trong một bức thư do Leonel Sharp gửi tới Công tước xứ Buckingham vào 60 năm sau. Sharp cam đoan rằng đó chính là lời của nữ hoàng, ông ta đã được lệnh nói lại trước quân sĩ vào thời gian đó. Nhưng dẫu cho những lời đó không đáng tin đi nữa, thì bài diễn văn và những truyền thuyết được dựng nên quanh nó cũng đã cho thấy tài lãnh đạo xuất sắc của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất.

Đây là một trong những bài diễn thuyết hùng hồn đầu tiên của phụ nữ trước công chúng được ghi lại và là tiếng gầm đầy phẫn nộ chống lại sự xâm lăng.

Yvette Cooper/NXB Dân trí & Tân Việt Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-nu-hoang-nuoc-anh-bien-tinh-nu-thanh-suc-manh-post1409480.html