Chuyện nuôi lợn Tết ngày xưa
BHG - Xuất phát từ điều kiện kinh tế trước đây rất khó khăn, chợ chưa phát triển ở vùng nông thôn miền núi và để giải quyết nhu cầu thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán và cả năm, người dân vùng này buộc phải nuôi lợn Tết theo hướng tự sản, tự tiêu là chính. Ngay từ năm trước, người ta đã đi tìm mua lợn nái về gây giống, phải là lợn đen thân dài, mõm dài có bố mẹ là những con khỏe mạnh mắn đẻ, ăn xốc và chịu kham khổ… tùy theo kinh nghiệm của người chọn. Lợn gây nái phải nuôi riêng cho đến khi đủ tuổi phối giống thì đi mượn đực giống đủ tiêu chuẩn của nhà khác về phối. Khi lợn nái sắp đẻ thì kết hợp nuôi nhốt với chăn thả, lợn có thể đẻ gần nhà nếu người nuôi chuẩn bị ổ đẻ mà nó ưng ý, nếu không nó có thể tự tìm chỗ làm ổ. Lợn thường tìm đến chỗ đất cao ráo hơi dốc, nơi xung quanh có nhiều cây Sẹ và cây Sa nhân, đây là những loài cây có mùi thơm vừa có tác dụng như cây thuốc vừa có bản lá to chống được nắng mưa; mùi của cây làm xua đuổi bớt côn trùng và các loài động vật hoang dã gây hại cho đàn con. Lợn mẹ gặm đứt các cây này tha về chất thành đống cao hơn 1 m, đường kính khoảng 3 m, rồi mới đẻ. Sau 3 ngày không thấy lợn về, gia chủ mới đi tìm, thấy có tiếng gọi quen, lợn mẹ chui ra và có cả đàn con, lúc đó mới nhặt lợn con vào thúng mang về và mang một bó lá Sẹ, Sa nhân ở ổ cũ mang về phủ lên ổ mới; thấy chủ mang đàn con về thì lợn mẹ cũng về theo. Trước khi thả đàn con phải lấy lá chuối khô đắp thành đống to rồi phủ lá Sẹ, Sa nhân vào để lợn mẹ quen mùi; gia chủ bới ổ tạo thành hang rồi thả đàn con vào, lúc lợn mẹ mới chui vào cho con bú và không quay về ổ cũ.
Việc chăm sóc lợn đẻ khá công phu, gia chủ phải lên rừng tìm lá Dưỡng, lá Sung, lá Mít non và Đu đủ về nấu chín cùng với cám cho ăn để lợn mẹ có nhiều sữa; lợn con phải cho tập ăn cám ngô, cám gạo, uống nước sạch; không cho lợn mẹ ăn rau lang và lá Dâu tằm, không làm ổ lợn bằng rơm rạ để lợn mẹ không bị cạn sữa, lợn con không bị tiêu chảy và bị ghẻ. Hàng ngày khi có nắng sớm và chiều tà phải thả cho mẹ con lợn ra tắm nắng. Khi lợn con được 1 tháng tuổi mới dọn ổ đem đốt và vệ sinh hàng ngày bảo đảm nền chuồng luôn khô. Khi lợn con được 2 tháng tuổi phải thiến hết lợn đực để tránh giao phối cận huyết. Những con cái trong đàn, khi được 3 tháng tuổi thì chọn con đủ tiêu chuẩn để làm nái bán giống, số còn lại phải thiến để nuôi lợn thịt.
Người ta chọn lợn con trong đàn để nuôi làm lợn Tết. Lợn Tết thường được chọn nuôi theo đôi 2 đực hoặc 1 đực 1 cái đã thiến, cùng bố mẹ, cùng độ tuổi và trọng lượng như nhau để chúng tranh nhau ăn theo quan niệm “Của không ngon nhà đông con cũng hết”. Lợn Tết phải nhốt riêng, kết hợp chăn thả tự nhiên có quản lý; ở thời kỳ lợn choai cho ăn bình thường và cho ăn thêm nhiều rau xanh, thân cây chuối để phát triển bộ khung. Trước Tết 3 tháng chuyển dần sang chế độ vỗ béo, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp nấu cùng cây Mon, cây Dáy để lợn mượt lông, hồng da. Cho ăn tăng dần tinh bột như cám, bột ngô, bột sắn; cho ăn rau xanh và cho vận động tự do trong 2 tháng đầu. Đến tháng cuối trước khi mổ phải nuôi nhốt giảm dần chế độ vân động, ưu tiên cho ăn nhiều tinh bột, chuồng nuôi khô ráo, hơi tối để tránh tiêu hao năng lượng.
Tuy nuôi như vậy, nhưng đến lúc xuất chuồng vẫn có sự khác nhau về thể chất và trọng lượng, do mức độ hấp thu của từng con khác nhau, nên mới có “con trứng gà, con trứng vịt”. Tết đến người ta thường mổ 1 con, cũng có thể chung đụng với nhà khác; còn 1 con có thể bán để giải quyết các nhu cầu chi tiêu khác hoặc cho anh em hàng xóm vay mượn làm đám cưới, làm nhà, sau này có thể trả bằng lợn cùng chất lượng hoặc bằng tiền theo giá thị trường trong thời điểm trả. Nhà nông xưa kia lúc nào cũng lo mất mùa về lương thực và dịch bệnh gia súc, gia cầm nên người ta thường tích trữ thóc đến 3 năm, luân phiên đưa thóc mới vào dự trữ và ăn dần thóc cũ, còn thực phẩm dự trữ chỉ có thịt lợn Tết, được chế biến thành thịt hun khói treo gác bếp và làm mắm chua ăn cả năm.
Nuôi lợn Tết kiểu ngày xưa, tuy năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng chất lượng sản sản phẩm thì không có gì sánh được và đã trở thành đặc sản. Do lợn có bộ da dầy, thịt mỡ săn chắc thơm ngon, ít nước, làm thịt treo không bị hỏng, mỡ ngậy không ngấy để được lâu; thịt sào để nguội mà không dính nhau.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202402/chuyen-nuoi-lon-tet-ngay-xua-ff114d2/