Chuyện ở bản: Cảnh giác để không bị lừa
Cả tuần nay, bà Phỏng chộn rộn niềm vui. Chẳng phải riêng bà mà những người cao tuổi trong bản cũng vậy, vui ra mặt, đi đâu cũng râm ran tiếng bàn tán. Chuyện là mọi người sắp được đi tham quan.
Nghe nói có một doanh nghiệp đến địa phương tổ chức chuyến tham quan thực tế tại nhiều địa điểm nổi tiếng. Mừng hơn là chuyến du lịch này được tổ chức để tri ân người cao tuổi và hoàn toàn miễn phí. Nghe thông tin đó, nhiều người đã đăng ký tham gia.
Bà Phỏng thì mất cả tuần để chuẩn bị tinh thần. Đã lâu rồi bà chẳng đi đâu. Không phải do thiếu thốn mà bà hay bị say xe, nên cứ nghĩ đến việc phải đi xa bằng ô tô là bà lại ngại. Dịp này đông người trong bản cùng đi, rồi lại nghe người của doanh nghiệp tư vấn, thế nên bà vững dạ quyết đi một chuyến cho biết đó biết đây. Khi bà nói chuyện với cả nhà, cậu con trai liền bảo:
- Thời buổi khó khăn mà lại có doanh nghiệp mời đi du lịch miễn phí hả mẹ?
- Ờ, mẹ nghe nói doanh nghiệp hỗ trợ người cao tuổi đi tham quan các điểm du lịch và giới thiệu quy mô làm ăn của công ty.
Nghe thấy thế, chồng bà Phỏng liền trêu:
- Các bà đi không cẩn thận, họ bán ra nước ngoài thì khổ!
- Ôi dào, toàn các ông, bà già chân yếu, răng rụng thế này thì có cho cũng chẳng ai lấy. Thôi cứ đi một chuyến cho biết đó biết đây, cứ loanh quanh ở bản mãi cũng chán cái chân, buồn con mắt.
Đến ngày theo kế hoạch đã định, 3 chiếc xe khách tới đầu bản từ sớm. Bà Phỏng cùng những người cao tuổi trong bản nô nức như đi trẩy hội. Tiếng nói cười râm ran. Xe lăn bánh đưa mọi người đến mấy địa điểm ở tỉnh bên. Gần trưa, cả đoàn dừng nghỉ ở một nhà hàng. Toàn bộ cơm trưa được mời ăn miễn phí. Khi ăn uống xong xuôi, bỗng một nhân viên của doanh nghiệp ra tư vấn sức khỏe, các biện pháp nhằm chống bệnh tuổi già. Để tăng cường sức khỏe, nhân viên này khuyên bà con nên dùng sản phẩm sữa do công ty giới thiệu. Theo đó, các sản phẩm sẽ được hỗ trợ giá, đồng thời ai mua nhiều còn được tặng quà. Đánh trúng tâm lý người cao tuổi, mặc dù mỗi sản phẩm có giá vài trăm nghìn đồng nhưng thấy người này mua, người khác cũng mua theo, người mang ít tiền thì vay người nhiều tiền, ai cũng cố mua cho bằng được một vài sản phẩm.
Buổi chiều, về đến bản, trên tay bà Phỏng lỉnh kỉnh mấy túi to đựng sữa. Vừa vào đến nhà, bà đã hồ hởi nói với các con:
- Đúng là có đi ra ngoài mới biết được nhiều thứ, lại còn có cả sữa mang về uống cho khỏe nữa.
Nghe mẹ nói vậy, cậu con trai liền xem sản phẩm rồi lên mạng internet kiểm tra thông tin, thương hiệu thì tìm mãi không thấy, chỉ thấy những lời cảnh báo mua phải sản phẩm sữa giả, kém chất lượng, thủ đoạn lừa đảo qua những chuyến "du lịch 0 đồng". Lúc này bà Phỏng mới nhận ra mình đã mua phải hàng đa cấp. Lợi dụng tâm lý người già lo cho sức khỏe, lại ở vùng cao không nắm được thông tin nên những kẻ bán hàng đa cấp đã tổ chức chuyến tham quan "miễn phí" nhằm bán sản phẩm không rõ nguồn gốc với giá cao. Bà Phỏng chẳng rõ thực hư chất lượng sữa ra sao, lại lo uống vào không khéo sinh bệnh nên đành bỏ đi. Bà tự nhủ từ nay sẽ nêu cao cảnh giác, không để rơi vào bẫy lừa lần nữa...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chuyen-o-ban-canh-giac-de-khong-bi-lua-780340