Chuyện ở bản Tả Phìn

ĐBP - Bản Tả Phìn trông xa như chiếc bánh chưng xanh. Một cạnh gối đầu lên con đường, cạnh kia là đường xuống suối. Chỉ nhìn vào ruộng, nương, nghề nghiệp đã thấy sự no nê sung túc. Con gái thì làm ruộng, nương, chuẩn bị tết đến là se lanh, dệt vải. Con trai làm thợ hồ vào những ngày nông nhàn, tháng ba, ngày tám lại làm rèn.

Ở bản Tả Phìn có ông Phượng. Hôm nay con gái ông sửa soạn đi lấy chồng. Ông bà thông gia bên ở bản Phố làm nghề nấu rượu. Những chum lớn, chum nhỏ cứ phơi đầy khoảng sân trước nhà. Một loại men bắc cứ rắc đều trên tấm ni lông xanh đựng ngô bung. Mùi của ngô, của men bốc khói nghi ngút say nồng cay cay.

***

Xã có chương trình xây dựng nông thôn mới. Con đường dân sinh đã đưa vào quy hoạch từ những năm trước. Nhưng thiếu tiền, thiếu vốn, phải dừng lại. Có đường liên xã, người dân đi chợ nhanh hơn, ngô, chở mận tiêu thụ cũng đảm bảo. Cán bộ địa chính cùng phòng quản lý quy hoạch huyện đo đạc và phân mốc giới. Phía bản Phố làm 420m, bên Tả Phìn làm 329m. Con đường một phần vắt qua khu rừng, một phần lại xéo sang phía đất của dân bản Phố là chính. Phía Tả Phìn khởi công trước. Họ căn cứ theo số khẩu để phân chia số mét. Tả Phìn làm về trước tiến độ. Bản Phố về đúng thời hạn, nhưng còn để chừa 30m, nơi tiếp giáp chung. Cán bộ kiểm tra huyện xuống thấy khoảng đất trũng còn nguyên sơ đất đá. Nơi tiếp giáp còn bỏ trống. Trải bản đồ ra, định vị mốc giới, cái vạch đỏ còn nguyên sơn trên cọc gỗ. Gọi hai trưởng bản tới, cho biết lý do. Trưởng bản bên bản Phố có ý kiến:

- Đường là đường chung, đất là đất riêng. Ngày trước có sự tranh chấp đất đai, chưa phân giải thực hư. Trước đất này là đất ông cha họ Giàng để lại. Sau lại phân tách về phía Tả Phìn. Tiếng là ruộng nương họ Giàng. Họ Giàng trồng cấy nhưng bản đồ thì lại là của Tả Phìn. Bên tôi họp đã bản hai lần, dân vẫn biểu quyết là nếu đất Tả Phìn thì cứ để Tả Phìn làm.

Cán bộ quy hoạch sốt sắng:

- Đường là đường chung. Xây dựng nông thôn mới là hợp sức. Sức là dân và của là nhà nước. Chưa mở đường thì họ Giàng vẫn trồng cấy. Khi mở đường, họ Giàng mất đất lại trả lại cho Tả Phìn. Đổ lỗi cho Tả Phìn là được quy hoạch, là phải làm. Tôi hỏi thực nhá: Nếu bây giờ những hộ mất đất, do công trình phúc lợi mà nhà nước vẫn có quỹ đất đền bù. Bản Phố mất nhiều đất, đồng ý là đóng góp nhiều, vậy thì bên bản Phố có lấy đất đền bù hay không?

Trưởng bản Pao im bặt. Ông Phượng cũng biết điều ấy. Dân làm sai thì dân phải sửa. Một tuần sau, lại có ý kiến bên bản Phố là phía Tả Phìn mở đường giải phóng mặt bằng khu rừng cấm đã chặt mất 3 cây sến đất. Rừng là của chung, làm như vậy là không được. Là mất thiêng. Phía Tả Phìn phải làm lễ tạ tội núi rừng. Có vậy thì bản Phố mới tiếp tục làm đường, khơi thông tuyến.

Chắp tay ra sau, ông Phượng đi đi lại lại bên kênh mương. Dòng nước tưới tiêu hối hả chảy, nó chảy từ phía Tả Phìn sang bản Phố. Điều kiện bên kia nặng về lý, yếu về tình. Nhưng nếu ta cứ căng, con đường thông sang bản Phố sẽ bị tắc, xe máy không thể qua được. Lại còn liên quan đến thời gian nghiệm thu nữa chứ. Ông tức tốc gặp trưởng thôn Tả Phìn, vào ra câu chuyện.

Hôm sau, ông cùng cán bộ đến nhà trưởng bản Giàng A Pao.

Bà vợ ông Pao đến gần:

- Này ông! Ông đi suốt ngày cúng con ma nhà người ta. Con ma nhà mình thì chẳng cúng. Thằng Sình bản bên nó chặt cây sến đất rồi?

Ông Phượng giờ thì nhúc nhắc vào nhà:

- Để tôi đến ngay nhà thằng Sình. Còn có chuyện khác bàn với nhà nó.

Phó chủ tịch xã Vàng Oanh quay sang địa chính:

- Giữ rừng, hiến đất cũng là xây dựng nông thôn mới. Chặt cây là phải trồng, mà chặt trộm còn phải phạt. Nhà nước ban hành tiêu chí, hỗ trợ và hướng dẫn. Nhân dân bàn bạc góp công, góp của. Của là đất, là rừng, là suối, là cây ấy. Để làm cho bản sạch, đẹp hơn trước.

Từ nãy, đầu cuối câu chuyện, ông Phượng nghe. Trầm ngâm. Cái sai của bản mình là nhiều. Ông cười ngượng:

- Phó chủ tịch xã à! Làm đường, giữ rừng, đều nằm trong các tiêu chí nông thôn mới ấy. Lý dân, hương ước đều nằm trong dân, nó phải cúng, phải đền. Chiều, tôi đi thực địa, ngày mai cùng cán bộ xuống lập biên bản bên nó. Cán bộ kiểm lâm cũng phải đến. Ông đến mở hương ước cho nó xem.

Chiều chạng vạng. Ông Phượng đảo chân sang khu rừng cấm. Cây sến bị chặt thật. Bản mình sai. Sai nhiều hơn bản Phố. Như vậy làm lễ là phải.

Nhưng ông đắn đo vì Sình còn nghèo. Hai mươi năm cái nhà vẫn rách. Ông tự nghĩ: Rượu và thức nhắm thì nhà mình và ông thông gia có sẵn đó, bằng ấy thứ là giải quyết được. Ông đã bàn với thông gia rằng hôm nay mừng đón xuân kết hợp giữa cúng rừng với tổ chức ra mắt hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm. Ông tự nguyện góp con lợn cắp nách. Lần này làm con lợn nhỉnh hơn.

Cả bản Tả Phìn và bản Phố có một bãi đất bằng nằm cạnh khu rừng cấm. Hôm nay, Tả Phìn làm lễ cúng rừng, mừng đón xuân. Ông Phượng mời cả bên bản Phố cùng vui. Thế là trở thành cộng đồng. Hôm đó, ông Phượng ngồi tại bàn đại diện, cạnh là trưởng bản Pao.

Đến màn chào hỏi, đối đáp cả bãi đất tưng bừng. Kẻ ra câu này, người đối câu nọ.

Anh ở Tả Phìn, em ở bản Phố

Thương nhau như kéo sợi bạc không rời.

Bên kia đáp lại:

Nước bản Phố nấu rượu làm em say

Lò lửa Tả Phìn ấp ủ tình yêu nồng cháy...

Truyện ngắn của Đỗ VĂN DINH

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/194083/chuyen-o-ban-ta-phin