Chuyện ở bệnh viện điều trị COVID-19: F0 cũ chăm lo F0 mới

Biết người nhiễm COVID-19 mới nhập viện hoang mang, lo lắng, đội ngũ y tế, các F0 cũ đã động viên, chia sẻ giúp họ vượt qua.

Trong thời gian điều trị COVID-19 tại hai bệnh viện (BV), anh Phạm Quyết Th (ngụ phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) đã cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ tận tình từ các y bác sĩ (BS) và giữa các bệnh nhân (BN) với nhau.

Anh Th lúc đang trên xe chờ nhập viện điều trị COVID-19. Ảnh: NVCC

Anh Th lúc đang trên xe chờ nhập viện điều trị COVID-19. Ảnh: NVCC

Hai tháng rồi chưa được về thăm con

Anh Th cho biết một lần đi thu tiền trọ tại phường 2, quận Tân Bình, theo thói quen khi gặp người quen, anh Th kéo khẩu trang xuống nói chuyện. Sau 20 giây bất cẩn, anh vội vàng kéo khẩu trang lên nhưng đã không còn kịp nữa. Ba ngày sau, anh sốt cao, đầu đau như búa bổ…

Ngày 16-7, anh nhập viện ở khu cách ly tạm thời của BV Tâm Anh, quận Tân Bình. Bốn ngày sau, anh được chuyển đến BV điều trị COVID-19 Hóc Môn (BV Hóc Môn).

“Lúc còn ở BV Tâm Anh, tôi được đo huyết áp, đo nồng độ ôxy, BS thăm khám tận tình. Tôi nói đau họng thì BS lấy thuốc đưa tận tay, rồi dặn dù cổ họng có đau đến mấy cũng phải ráng ăn” - anh Th nhớ lại.

Trên xe cấp cứu chuyển đến BV Hóc Môn, anh Th nghe hai tài xế tâm sự mấy ngày qua đều đi suốt, cả đêm lẫn ngày đều chạy như con thoi. Dù BN làm thủ tục nhập viện hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng các anh vẫn ngồi chờ. Khi nào người bệnh chắc chắn được nhận, các anh mới yên tâm rời đi. Trước khi quay xe, các anh còn căn dặn: “Cứ coi như một chuyến nghỉ dưỡng, sống chậm lại, nghỉ ngơi và chờ hết bệnh thôi, không có gì phải lo”.

Cũng theo anh Th, ở cả hai BV, nhiều BN chưa trở nặng thường la ó y BS. Họ quát tháo đủ thứ, nào là có bị bệnh đâu mà bắt vào đây, rồi tại sao bắt họ ở chung với mấy người ho sù sụ, thở ôxy…

Những lúc nhiều BN cùng trở nặng, đội ngũ y BS chạy cấp cứu không kịp thở. Vài người có triệu chứng nhẹ như đau họng, đau nhức cơ gọi mà BS không đến kịp là lại la lên: “Điều dưỡng, y tá gì mà gọi hoài không tới…”.

Nhiều người mới đến, chưa nắm hết tình hình thực tế trong BV nên hạch sách đội ngũ y tế đủ thứ.

Phần nhiều đội ngũ y tế chỉ lặng im, không nói gì cả nhưng có những BS bức xúc quá phải trả lời: “Mấy anh chị ở trong đây là sướng lắm rồi. Bây giờ các BV đang quá tải, nhiều người muốn vào mà không được”.

Khi gặp quá nhiều BN than phiền, một chị điều dưỡng đã nhẹ nhàng nói với các BN trong nước mắt: “Các anh chị, cô chú ở đây chỉ có 14-21 ngày, khỏi bệnh là được về, còn các y BS chúng tôi đã hai tháng ở đây chưa được về nhà, chưa được thăm con”.

Không ngại thay tã, giặt khăn

Nghe đội ngũ y tế bày tỏ, chia sẻ, nhiều BN có thái độ chưa đúng mực cảm thấy hối hận, lặng lẽ trở về giường bệnh. Những ngày sau đó, họ tuân thủ từng yêu cầu nhỏ của nhân viên y tế và còn hỗ trợ, giúp đỡ những F0 mới đến.

Anh Th kể: “Tôi nhớ có một bạn nam F0 quê Khánh Hòa rất đáng thương. Hai vợ chồng bạn đưa con nhỏ vào TP.HCM để chữa bệnh vàng da. Lúc ra sân bay về, cả hai xét nghiệm COVID-19 thì phát hiện dương tính. Thế là vợ con ở một nơi, chồng đi một nẻo. Khi vào BV ở Hóc Môn, bạn này khóc rất nhiều vì lo sợ vợ con gặp bất trắc. Nhiều người đã đến động viên, an ủi, tặng quà… nên người này sau đó cũng đã ổn định tâm lý để quá trình điều trị được tốt hơn”.

Phòng bệnh nơi anh Th điều trị có khoảng 20 người, hễ có người xuất viện thì người khác vào thế chỗ. Những chiếc giường trống được lấp đầy liên tục. F0 cũ dần khỏi bệnh thì thay phiên chăm sóc những F0 đang trở nặng, khó đi lại. Họ cũng không ngại thay tã, giặt khăn, mang cơm nước, dọn rác… cho F0 đang phải nằm một chỗ, thở ôxy.

Buồn vui ở phòng bệnh thì nhiều vô kể nhưng anh Th nhớ nhất bà cụ 84 tuổi. Anh gọi bà cụ là bà ngoại dí dỏm. Bà cụ vào BV điều trị COVID-19 mà vui tươi đến lạ thường.

Bà cụ thường kể với anh và mọi người ở phòng bệnh rằng BS ở BV kỳ lắm, bà cụ không có bệnh mà cứ chăm sóc như em bé, hết kêu ăn uống rồi lại bắt uống thuốc.

“Ngoại ăn khỏe lắm, ngày ba bữa không bỏ bữa nào. Ăn xong còn chê cơm, canh nhạt nhẽo, chắc ngoại không hiểu chuyện mất vị giác. Hễ thấy y tá, điều dưỡng nào đi ngang, ngoại cũng gọi đùa: “Mấy cô cho tôi về đi, tôi có bệnh gì đâu”. Mỗi lần ngoại “quậy” là cả phòng được dịp cười ra nước mắt” - anh Th kể.

Thương bà cụ, mọi người thay nhau chăm sóc, giặt quần áo, thay tã, lấy cơm… Ngày bà cụ xuất viện, cả phòng hơi buồn nhưng bù lại ai cũng có thêm động lực chiến đấu với dịch bệnh để mong đến ngày được xuất viện như bà cụ.•

Thói quen chết người: “Kéo khẩu trang xuống để nói chuyện”

Hiện tại, tôi đã được xuất viện và cách ly tại nhà. Sức khỏe cũng đã dần bình thường, chỉ còn hơi ho chút, chắc vài ngày sẽ khỏi. Khi về nhà, tôi thấy vẫn còn rất nhiều người bên ngoài lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh. Họ vẫn vô tư gặp gỡ, nói chuyện và có thói quen nguy hiểm chết người mà tôi đã mắc phải là kéo khẩu trang xuống để nói chuyện.

Mọi người cần biết một người trong nhà mắc bệnh thì gần như cả nhà cũng sẽ bị theo, trong đó những người già, người có bệnh nền rất khó qua khỏi. Mọi người hãy cẩn thận, tuân thủ quy định 5K để bảo vệ bản thân và gia đình mình.

Anh PHẠM QUYẾT TH, ngụ phường 2, quận Tân Bình

NGỌC LÀI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/chuyen-o-benh-vien-dieu-tri-covid19-f0-cu-cham-lo-f0-moi-1009078.html