Chuyện ở biên giới những ngày đầu xuân
Vì dịch Covid-19 nên thời gian qua, người dân hai bên biên giới ít được gặp nhau. Dù vậy, tình cảm dành cho nhau vẫn không hề phai nhạt mà luôn thắm thiết nghĩa tình Long An.
Vì bình yên biên giới, hạnh phúc của nhân dân
Long An có đường biên giới dài hơn 134km, đi qua 20 xã biên giới thuộc các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, chúng tôi trở lại thăm vùng đất biên giới Long An. Các chốt, trạm gác biên phòng vẫn còn đó. Những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thay nhau thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Như những lần trước, dọc tuyến biên giới, chúng tôi nhận được nhiều lời hỏi thăm, chia sẻ của người dân và CBCS. "Gia đình khỏe cả chứ, đầu năm có gì mới chưa...?".
Những câu hỏi cứ thế mở ra nhiều câu chuyện ấm áp, tình cảm ngày đầu xuân. Đó là chuyện về sự thay đổi của quê hương, chuyện sản xuất nông nghiệp, chuyện con em học hành, chuyện ngăn chặn, đấu tranh với buôn lậu, tội phạm, phòng, chống dịch Covid-19, chuyện người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và đối ngoại với các cấp chính quyền, lực lượng, nhân dân bên nước bạn Campuchia,...
Trên tuyến biên giới qua địa bàn xã Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, người dân vẫn râm ran những câu chuyện nghĩa tình, tử tế trong ngày tết, nghĩa cử của mạnh thường quân dành cho vùng đất này. Trong đó, không thể thiếu những lời chia sẻ, cảm ơn CBCS ngày, đêm bám chốt, vùng biên để ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ bình yên cuộc sống, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
“Năm nay, CBCS đón tết an toàn, đầm ấm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các chế độ, chính sách và các hoạt động chăm lo, thăm hỏi, động viên anh em làm nhiệm vụ đều được thực hiện chu đáo. Ngoài nguồn thực phẩm mua từ chợ, đơn vị còn tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn với những thực phẩm sạch cho CBCS. Theo đó, sức khỏe của CBCS luôn bảo đảm" - Trung tá Lê Trọng Tình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, tâm sự.
Đặc biệt, tết năm nay, CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây có thêm niềm vui khi trụ sở đơn vị được xây mới khang trang, sạch đẹp và đưa vào sử dụng. Trước, trong tết, đơn vị đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, quân đội và cơ quan, tổ chức, đoàn thể đến thăm hỏi, tặng quà, động viên. Đó là nguồn động viên tinh thần để CBCS càng thêm an tâm công tác.
Trò chuyện cùng chúng tôi, người chỉ huy đơn vị vui vẻ nói, cứ mỗi độ tết đến, xuân về thì như bao người khác, CBCS cũng nhớ gia đình, quê hương, người thân và bạn bè. Nhưng vì công việc, nhiệm vụ, những người lính đã gác lại nỗi niềm riêng để vững vàng, kiên cường bám chốt, địa bàn. Niềm vui và hạnh phúc nào hơn khi vinh dự được góp sức mình bảo vệ sự bình yên của đất nước, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, người dân đón tết bình yên.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hô cho biết, CBCS công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây có quê ở mọi miền đất nước nhưng rất đoàn kết, thương yêu, hỗ trợ nhau. Sống và làm việc cùng nhau trong một mái nhà biên phòng nên anh em luôn thân thiết, hiểu nhau, coi nhau như người thân ruột thịt.
Câu "Samaki" ở biên giới trước khi chưa xuất hiện dịch
Covid-19, trên tuyến biên giới tỉnh Long An tấp nập người dân hai bên qua lại giao lưu, trao đổi hàng hóa. Trong quán nhỏven đường tại 20 xã biên giới của tỉnh, vẫn thường bắt gặp hình ảnh những người bạn Campuchia uống trà, cà phê. Ngày trước, khi dịch bệnh chưa xảy ra, hầu như tuần nào, ông Lê Văn Lâm (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) cũng gặp những người bạn Campuchia để chuyện trò. Nhà ai có chuyện vui thì đến chung vui, có hữu sự thì đến chia buồn; còn vào dịp lễ, tết cũng sang thăm hỏi, chúc mừng nhau. Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động qua lại biên giới đối với người dân hai bên biên giới giáp Campuchia đã tạm thời ngừng lại. Như ông Lâm, nhiều người dân ở biên giới đều có chung cảm giác nhớ những người bạn Campuchia. Một thời gian dài không được gặp nhau thì buồn và nhớ lắm! Ông kể, mùng 1 tết vừa rồi, mấy người bạn bên Campuchia điện thoại chúc tết. Trong cuộc gọi, mấy người bạn vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu "Samaki". Câu nói Samaki, dịch ra tiếng Việt nghĩa là "đoàn kết".
Cũng từ mối quan hệ gắn kết đó, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, dịch Covid-19 đạt nhiều kết quả tích cực. Từ sự giúp sức của người dân, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ việc, không để xảy ra phức tạp. Thời gian qua, trên tuyến biên giới của tỉnh, nhờ sự chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa người dân và các cấp chính quyền, lực lượng nên nhiều vụ trộm cắp, buôn lậu, xâm nhập biên giới trái phép đã được phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng vi phạm.
Xa mặt nhưng không cách lòng
Về công tác tại biên giới Long An đã gần 20 năm, hiện nay, Thượng tá Phạm Thành Trung là Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. Từng đó thời gian cũng đủ để anh hiểu và cảm nhận khá rõ về tình cảm, nghĩa tình mà người dân 2 bên biên giới dành cho nhau.
Khi chưa có dịch Covid-19, người dân hai bên thường gặp nhau chia sẻ kỹ thuật sản xuất. Các bạn bên đó hay hỏi về kiến thức, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Có nhiều lần, bên bạn còn tổ chức các đoàn sang bên mình tham quan các mô hình sản xuất để tìm hiểu thực tế,...
Người dân bên mình cũng rất nhiệt tình và thật thà, biết gì đều chia sẻ hết với bạn. Còn các bạn thì chăm chú lắng nghe, ghi chép đầy đủ để về áp dụng. Vào mỗi vụ mùa sản xuất, người dân hai bên biên giới còn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thiếu nợ cho nhau. Người dân luôn giữ chữ tín, cứ đến kỳ hạn sau thu hoạch lúa là tự tìm đến thanh toán đầy đủ cho nhau và hầu như chẳng xảy ra tranh cãi, va chạm.
Ngoài ra, ở các xã biên giới, có một ít người Campuchia về làm dâu, chung sống hòa thuận với gia đình và bà con lối xóm. Thi thoảng ở biên giới lại có đám cưới xuyên quốc gia. Ấn tượng về những đám cưới này rất khó quên bởi nét văn hóa riêng của mỗi bên, càng thú vị khi được nghe những bài hát có 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Campuchia do những "ca sĩ" nông dân đến từ hai bên thể hiện.
“Thời gian qua, do dịch Covid-19 xảy ra phức tạp, người dân hai bên tạm thời giữ khoảng cách, không gặp nhau nhưng không vì vậy mà tình cảm nhạt đi. Ngược lại, tình cảm thắm thiết, nghĩa tình vẫn được vun đắp, xây dựng ngày càng gắn kết, bền chặt” - Thượng tá Phạm Thành Trung nhấn mạnh.
Trong lúc khó khăn, người dân và các cấp chính quyền, lực lượng 2 bên biên giới có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau chống dịch, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, trao tặng vật tư y tế,... Khi không gặp trực tiếp, những người bạn xuyên quốc gia vẫn thường gọi điện thoại hỏi thăm, trao đổi với nhau. Khi ra ruộng, thấy nhau qua đường biên giới, người dân đứng từ xa hỏi thăm đủ chuyện và vẫn truyền tải cho nhau thông điệp “Samaki” để cùng nhau bảo vệ bình yên biên giới.
"Xa mặt nhưng người dân hai bên biên giới không bao giờ cách lòng. Ranh giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia đã có đường biên giới, cột mốc phân định và người dân hai bên phải có chung trách nhiệm cùng nhau giữ gìn, bảo vệ. Người dân hai bên vẫn nhắc nhở nhau phải có trách nhiệm, làm nhiều việc tốt, hữu ích để xây đắp thêm tình cảm đoàn kết, hữu nghị vững bền giữa 2 nước” - ông Nguyễn Văn Phương (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) bày tỏ./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-o-bien-gioi-nhung-ngay-dau-xuan-a130719.html