Chuyện ở khu cách ly tập trung

Trước khi chúng tôi đến đây, mọi thứ đã được thu xếp gọn gàng, chu đáo. Trong chúng ta có ai đã từng đặt câu hỏi: Ai là người chuẩn bị chu đáo đến vậy? Tất cả chúng tôi không chứng kiến, nhưng tôi đoán chính là họ - những anh chị dân quân và cán bộ cơ sở ở địa phương.

Khi chúng tôi đến, việc đầu tiên là khử trùng người và hành lý. Cực nhất là việc mang vác hành lý cho người có tuổi, phụ nữ, một số bạn nữ mang giày cao gót lên các tầng trên. Giả sử như 50% số người có thể tự mang hành lý thì 50% còn lại sẽ nhờ các lực lượng này giúp đỡ vì có người mang rất nhiều hành lý.

Sau khi ổn định. Các anh chị phục vụ khu cách ly phải chuẩn bị khẩu phần ăn, nước uống cho hàng trăm con người, mỗi người một khẩu vị không ai giống ai, bởi lẽ vậy mà đã có những người cáu bẳn, chê cơm không ngon, canh không ngọt. Đã thế, đâu cứ phải xong việc trong ngày là họ nhẹ nhõm ra về. Hầu như các anh chị ấy thường trực 24/24, ngủ trễ hơn chúng tôi, tạm bợ trên các giường xếp và những chiếc bàn dài đặt ngoài cổng. Họ cũng là người thức dậy sớm hơn chúng tôi vì phải vệ sinh tổng thể và chuẩn bị thức ăn sáng cho từng người. Và chính họ là người mang thức ăn tới khu vực tập trung để chúng tôi đến nhận. Làm cầu nối giữa chúng tôi với thế giới bên ngoài cũng là những anh, chị ấy. Cứ mỗi buổi chiều, sau bữa ăn, họ tập trung thu dọn rác thải, thức ăn thừa, kể cả đồ dùng cá nhân... mang đến thùng rác để vận chuyển đi.

Không chỉ chuyên cần với những công việc chính ấy, các anh chị còn thoăn thoắt chạy đi, chạy về giữa cổng chính và cổng từng khu nhà để giao hàng mà “khách hàng” cách ly đặt online, người nhà gửi tới hoặc có đơn vị hỗ trợ.

Phương tiện có gì dùng đó, xe máy, xe tải nhỏ hoặc đi bộ. Nhu cầu của khách hàng vô cùng, thời gian thì không biết lúc nào mà tính, lúc sáng sớm, trưa nắng gắt hay chiều tà đều có hàng để chuyển đến từng phòng, chủng loại hàng gửi vào thì đủ thứ lớn bé, nặng nhẹ, có thể là cốc cà phê, ly chè trái cây, trà sữa, chai nước gừng sả chanh hoặc lớn hơn như máy quạt hơi nước, thậm chí có cả tủ lạnh mini.

Với nhu cầu của cả trăm con người như vậy, lượt ra vào, mang vác của các anh các chị thật sự rất lớn, công việc này thì làm gì có thù lao. Vậy mà sau lớp khẩu trang, chúng tôi luôn nghe tiếng nói của họ rất nhẹ nhàng, thường xuyên động viên: Rồi mọi chuyện sẽ ổn nhanh thôi! Tôi nhìn thấy trong mắt họ nụ cười luôn hiện hữu, bởi thế những ngày cách ly với chúng tôi trở nên thật nhẹ nhàng.

Rõ ràng một điều, dân quân, cán bộ cơ sở đã vô cùng vất vả để đóng góp một phần công sức rất lớn trong chiến dịch cách ly người về từ vùng dịch, người trong khu vực có nguy cơ cao và ở những khu cách ly tập trung. Ở đó, không có sự toan tính thiệt hơn, hàng ngày họ luôn nhễ nhại mồ hôi và thậm chí phải đối diện với nguy hiểm.

Vì thế, các bạn làm ơn đừng cau có, cằn nhằn vì một bữa cơm không được ngon như ở nhà, không trọn vẹn, đủ đầy như chính tay các bạn nấu, và mong các bạn cũng đừng mang cả thế giới vào phòng nhằm phục vụ cho bạn trong những ngày cách ly. Rồi khi bạn rời đi, liệu bạn có dọn sạch phòng để trả về hiện trạng ban đầu không, hay các anh chị ấy, những người phục vụ lại một lần nữa gánh lấy trách nhiệm này?

THỤY BÌNH (Ghi theo lời kể của một người đã hoàn thành cách ly tập trung)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/261273/chuyen-o-khu-cach-ly-tap-trung.html