Chuyện ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới - Bài 3: Quyết sách đúng cho trái ngọt
Khoảng 25 năm trước, tỉnh Đồng Nai đã có quyết sách đúng đắn là đóng cửa rừng tự nhiên, chuyển rừng sản xuất thành rừng đặc dụng và sáp nhập các lâm trường để bảo vệ hơn 100.000ha rừng tự nhiên.
Với lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt khu bảo tồn) đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng. Tuy nhiên, theo Nghị định 01/2019 của Chính phủ thì Hạt Kiểm lâm của khu bảo tồn không còn tồn tại mà chỉ có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Quyết sách đúng
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Hoàng Quân (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai). Căn nhà vườn nằm giữa khuôn viên xanh mát thuộc TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dòng họ của ông ở trên mảnh đất này tính ra cũng đã 200 năm và cùng tham gia xây dựng đình làng An Nhơn ở gần đó. Sau vài tách trà, chúng tôi hoài niệm về câu chuyện của mấy chục năm về trước. Ông Lê Hoàng Quân kể: “Vào thời điểm giữa thập niên 1980, khi làm thủy điện Trị An, tỉnh Đồng Nai phải khai thác trắng 32.500ha rừng, chưa kể vùng vành đai phải mất thêm vài ngàn ha. Thời điểm đó, khu vực này có 3 lâm trường là Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An được khai thác gỗ, phục vụ xuất khẩu và năm 1996, Trung ương vẫn còn giao Đồng Nai phải khai thác 3.000m3 gỗ thành phẩm. Khi đó, chị Mười Hoàng làm Bí thư Tỉnh ủy, tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh. Tôi nhận được báo cáo về nạn phá rừng, người dân gửi cả hình cưa gỗ lên. Tôi mời anh Nguyễn Phi Hùng - khi ấy là Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, làm việc, sau đó anh Hùng cử trinh sát bí mật vào rừng xác minh các vụ phá rừng là có thật. Quanh khu vực 3.000ha được phép khai thác phát hiện có cây bị cưa ngã, sau đó tỉnh lập đoàn công tác liên ngành vào kiểm tra mới thấy phá rừng với khối lượng lên đến hơn 2.000m3”.
Ông Lê Hoàng Quân chủ trương đưa hết số lượng gỗ bị khai thác trái phép về xây dựng trường học, đóng bàn ghế. Sau đó, vụ việc phá rừng được đưa ra bàn trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ cũng thấy nguy cơ mất rừng là rất lớn. Lợi dụng giấy phép khai thác xuất khẩu, các đơn vị vi phạm hợp đồng, tỉnh khó kiểm soát được nên thống nhất giao UBND tỉnh báo cáo xin phép Chính phủ cho đóng cửa rừng tự nhiên. Chủ trương của tỉnh Đồng Nai khi ấy được Chính phủ và Thủ tướng Phan Văn Khải đồng tình với quan điểm: Đồng Nai, Bình Dương tập trung phát triển công nghiệp, không giữ được rừng tự nhiên thì nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường, nhất là nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu dân TPHCM và các tỉnh xung quanh; nên giao Đồng Nai chủ trì phương án bảo vệ, không chủ trương cho các lâm trường chia đất cho lâm trường viên để tập trung khoanh nuôi, bảo vệ, trồng 10.000ha rừng thay thế với các loại cây đặc hữu bản địa như sao, dầu, gõ đỏ.
Ngày 24-2-1997, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định số 631/QĐ- UBND về việc “đóng cửa rừng” tất cả các loại rừng tự nhiên thuộc tỉnh Đồng Nai quản lý. Dù lúc đầu các lâm trường không ủng hộ với lý do đã ký hợp đồng khai thác gỗ, nhưng khi được lãnh đạo tỉnh giải thích, phân tích hiệu quả to lớn của việc bảo vệ rừng tự nhiên; cùng với đó là quan tâm chuyển đổi việc làm cho anh em các lâm trường, từ đó dần ổn định nội bộ. Trước khi đóng cửa, rừng Đồng Nai chủ yếu là rừng nghèo kiệt sau thời gian khai thác; nhưng sau khi đóng cửa rừng, diện tích và chất lượng rừng ở Đồng Nai ngày càng được nâng lên. Nếu năm 2001, diện tích rừng tự nhiên là 110.678ha thì đến năm 2021 là 123.770ha (tăng 13.092ha); rừng trồng tăng từ 39.956ha năm 2001 lên 48.964ha (tăng 9.368ha). Riêng tại khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG), theo kết quả kiểm kê rừng từ năm 2011 đến năm 2019 cho thấy: diện tích rừng giàu tăng 292,19%, diện tích trung bình tăng 236% và diện tích rừng nghèo, nghèo kiệt giảm 23%; diện tích rừng tre nứa, rừng hỗn giao tre nứa ổn định, gia tăng độ che phủ rừng, ổn định tán che, góp phần thực hiện mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên 29,29% vào năm 2021, góp phần đưa Đồng Nai trở thành địa phương có diện tích rừng lớn nhất của vùng Đông Nam bộ và là lá phổi xanh của cả vùng.
Trong khi đó, ở tỉnh lân cận là Bình Phước, từ 2002-2015, diện tích rừng tự nhiên đã suy giảm mạnh: năm 2002, toàn tỉnh có 127.863ha rừng tự nhiên (chiếm 18,65% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh) đến năm 2011, diện tích rừng tự nhiên giảm còn 62.805ha và đến năm 2015, rừng tự nhiên chỉ còn 57.424ha.
Để yên tâm giữ rừng
Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn được thành lập theo Nghị định 119/2006/NĐ-CP. Ngày 23-3-2006, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 3201/QĐ-UBND để thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Lực lượng kiểm lâm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám đốc khu bảo tồn đã không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trang bị phương tiện vũ khí để thực thi nhiệm vụ, có thể trấn áp các đối tượng vi phạm nên tài nguyên rừng được bảo vệ, phát triển. Đến ngày 16-7-2009, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 1977/QĐ-UBND sáp nhập Trung tâm Thủy sản Đồng Nai vào khu bảo tồn nên hạt kiểm lâm có đầy đủ thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản xảy ra trong phạm vi quản lý, cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 18-3-2013 và Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 8-1-2020 của UBND tỉnh Đồng Nai quy định về tổ chức thì hoạt động của hạt kiểm lâm được giao biên chế 195 viên chức. Tuy nhiên, do điều kiện công tác trong rừng sâu gặp nhiều vất vả, khó khăn, thiếu thốn, thu nhập thấp nên khi Nghị định 01/2019 ra đời đến nay, nhiều nhân viên kiểm lâm, cả các đảng viên nhiều năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc. Hiện quân số chỉ còn 173 người, trong khi việc tuyển dụng nhân viên trẻ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc khu bảo tồn, tâm sự, hiện hạt kiểm lâm đang thực hiện việc tuyển dụng viên chức kiểm lâm để đủ số lượng biên chế nhưng tình hình là gay go, bởi việc tuyển người mới rất khó khăn, trong khi quân số sẽ còn bị sụt giảm nữa do anh em tiếp tục xin nghỉ. Trước đây, hạt kiểm lâm có đầy đủ thẩm quyền xử lý vi phạm từ lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đến điều tra - chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý vi phạm có dấu hiệu hình sự trên lĩnh vực lâm nghiệp, thì nay nếu thực hiện theo Nghị định 01/2019, thẩm quyền rất hạn chế. Việc chuyển sang chế độ viên chức bảo vệ rừng không được trang bị vũ khí thì không thể trấn áp tội phạm manh động, khó bảo vệ sự an toàn của bản thân.
Nói về việc nhân viên kiểm lâm xin nghỉ nhiều, tuyển dụng khó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, lực lượng bảo vệ rừng làm việc không chỉ 8 giờ mỗi ngày, có khi vào sáng sớm và đêm khuya trong điều kiện sinh hoạt ở rừng còn nhiều khó khăn như không có sóng điện thoại di động, cơ sở vật chất thiếu thốn; chế độ đãi ngộ, phụ cấp ngành nghề, tiền lương chưa đảm bảo được đời sống sinh hoạt, chưa tương xướng với nhiệm vụ được giao. Để đội ngũ kiểm lâm ở KDTSQTG nói riêng và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh nói chung, yên tâm gắn bó với công việc giữ rừng, ông Cao Tiến Dũng cho biết thêm: “Sở NN-PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai dự thảo nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề đối với lực lượng viên chức bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2027; dự kiến trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022.
Theo ông Lê Hoàng Quân, hệ sinh thái rừng ở KDTSQTG đang là tài sản vô cùng to lớn, quý giá mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết tâm tập trung nguồn lực giữ gìn, phát huy giá trị trong suốt thời gian qua.
Hiện ở TP Biên Hòa, nhiệt độ luôn cao hơn nền nhiệt độ chung của khu vực khoảng 0,5-1oC do tốc độ công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, kéo theo tập trung dân cư, đô thị hóa, bê tông hóa. Trong khi xu thế của thế giới hiện nay là bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững càng cho thấy giá trị của KDTSQTG mà Đồng Nai đang có, để đảm bảo an ninh môi trường cho phát triển bền vững của khu vực Đông Nam bộ và quốc gia.