Chuyện ở phòng hồi sức
Buồng bệnh lão khoa không phân biệt nam nữ, giường cụ ông Can cạnh giường cụ bà Chanh. Dù đang bệnh trọng, thập tử nhất sinh nhưng sáng ra là cụ Can dậy đúng giờ, cố sức gấp chăn màn gọn như tân binh trong quân ngũ. Ngay cạnh là cụ Chanh thì vất đồ bừa bãi như ổ mèo. Xét về bệnh thì cụ Can là bệnh trọng, gần đất xa trời, cụ Chanh chỉ là suy nhược tuổi già thôi.
Các cô hộ lý, y tá kính nể và yêu mến cụ Can lắm, vì dù mệt chỉ thều thào được, nhưng cụ luôn trò chuyện thân tình với bác sỹ và nhân viên bệnh viện. Trên giường cụ Can, chỉ một sợi tóc rơi cụ cũng nhặt để cho vào rác. Nếu lúc nào đỡ không phải thở ô-xy, cụ Can vẫn cố ngồi dậy, lau cái tủ, quét nền phòng. Ít nước uống thừa, cụ Chanh đổ toẹt xuống nền, bắn tung tóe, cụ Can lẳng lặng tìm cây lau nhà thấm lau sạch.
Con cháu cụ Can đến thăm luôn chào hỏi mọi người xung quanh, nói chuyện thì thào để khỏi ảnh hưởng đến người khác, họ là sỹ quan hoặc viên chức cấp thấp. Thằng bé cháu ngoại cụ Can còn cầm chùm nho đi mời từng ông bà trong phòng bệnh.
Con cái cháu chắt cụ Chanh thì hoành tráng, có vẻ rất giàu sang, dường như toàn quan chức cấp cao, họ cười nói oang oang như phá nhà, thậm chí có người nói tục và thản nhiên châm thuốc lá hút trong phòng bệnh nặng. Khi cô y tá nhắc nhở, cô bị anh con trai út cụ Chanh chửi vuốt mặt không kịp.
- Cô thắc mắc gì hả? Các người được trả tiền để làm tất cả những việc đó, kêu ca cái gì? Y đức ở đâu hả? Có mỗi việc theo dõi dây chuyền dịch cho bệnh nhân cũng lừa sang người nhà làm.
Họ từ hai gia đình có lối sống rất khác nhau, cụ Can nguyên là sỹ quan quân đội, đã 96 tuổi, lính chiến “từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu” nên chẳng nề hà gì. Cụ Chanh hóa ra còn trẻ, nguyên là trưởng một phòng ở sở Tư pháp, đáng ra cụ Chanh phải gọi cụ Can là chú vì cụ Chanh mới 72 tuổi. Cũng chẳng sao cả, cụ Chanh là quan chức thì phải khác chứ, dân phải kính, phải nể.
Nhưng họ chỉ chung phòng bệnh được hai ngày. Đêm qua, cái đường ánh sáng biểu hiện nhịp tim trên màn hình gần giường cụ Can đã dừng lại thẳng tắp như tác phong người lính. Chiều qua cụ vẫn thều thào nói với bác sĩ:
“Bác đã chuẩn bị “có lệnh là đi tư thế sẵn sàng” từ lâu rồi”.
Họ đưa cụ Can ra cửa sau để con cháu lo hậu sự trong ánh mắt cảm phục của tất cả mọi người.
Giờ cụ Chanh chung phòng với một cụ bà khác, hình như cũng ốm nặng nên rên la dữ dội, cụ chửi từ tổ tông họ hàng nhà chồng đến chính ông lão đang ngồi bên, có lẽ là chồng.
Chẳng biết chuyện gì tiếp theo nữa. Cái buồng bệnh tý teo mà chẳng khác một xã hội.
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-o-phong-hoi-suc-a17238.html