Chuyện phía sau những trang viết còn lại từ chiến trường
Không phải từ những con số, số liệu khô khan, mà toàn cảnh các cuộc chiến được tái hiện từ chính những con người trong cuộc, đang ở giữa mưa bom bão đạn chiến đấu hết mình với niềm tin vào sự toàn thắng. Những trang thư được những người lính viết cho những người thân yêu nhất và cả cho chính mình... Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 6-5, tại Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giao lưu Những trang viết từ chiến trường.
Tại buổi giao lưu với chủ đề “Những trang viết từ chiến trường”, bạn đọc sẽ được nghe các diễn giả chia sẻ những thông tin quý, xúc động, thú vị về nguồn gốc cùng nội dung những lá thư của những người lính (tập hợp qua cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam để có thêm góc nhìn mới đa dạng, nhiều chiều và sinh động về hai cuộc kháng chiến của dân tộc, trong đó có cuộc chiến đấu 55 ngày đêm kiên cường, quả cảm của quân và dân ta làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong hàng triệu lá thư của những người lính gửi đi từ chiến trường, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã lựa chọn 200 lá thư tiêu biểu để đưa vào cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam. Những dòng thư có thể được viết vội trong lúc dừng nghỉ chân giữa những chặng hành quân, trước khi vào trận chiến, có những lá thư viết bằng thơ, có những lá thư được viết hộ vì người đứng tên không biết chữ... nhưng đó là những cảm xúc, nỗi lòng được bộc lộ trong những khoảnh khắc và bối cảnh tự nhiên nhất, chân thật nhất, bởi vậy mà nó rất thật, rất “đời”, rất sinh động và cuốn hút đến lạ kỳ.
Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng chia sẻ: “Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn...”.
Tại buổi giao lưu, bạn đọc cùng gặp gỡ bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” để nghe chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động của hàng trăm chuyến đi về chiến trường xưa và tình cảm của các Cựu chiến binh đến với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, là việc tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các sự kiện được tổ chức cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội và TPHCM trong những năm qua.
Bạn đọc cũng được nghe Đại tá, Nhà văn Trần Trọng Giá, Thường trực Hội đồng Quản lý Câu lạc bộ “Trái tim người lính”, tâm sự về những kỷ niệm đầy xúc động tại chiến trường và những hoạt động của CLB “Trái tim người lính”, phát hiện những tấm gương thầm lặng hy sinh và cống hiến của người lính, những người không mặc áo lính, họ đang “vô danh” ở khắp các vùng miền trên cả nước. Họ sẽ được ghi nhận và vinh danh thông qua tủ sách cùng tên “Trái tim người lính”.