Chuyến phiêu lưu của Seedcom trong ngành bán lẻ thời trang
Mảng bán lẻ thời trang của Seedcom trước đây quy tụ nhiều tên tuổi gồm: Juno (giày, túi nữ), Hnoss (thời trang công sở nữ), và Eva de Eva (thời trang cao cấp nữ).
Được thành lập bởi một trong 5 nhà đồng sáng lập của Thế Giới Di Động - ông Đinh Anh Huân, Seedcom chính là bệ đỡ của rất nhiều thương hiệu Việt Nam nổi đình nổi đám như: The Coffee House, Juno, Giao hàng nhanh, Haravan…
Hiểu đúng Seedcom là công ty mẹ, gồm nhiều thành viên. Mỗi công ty trong đó đều có một giám đốc điều hành riêng. Seedcom tham gia định hướng chiến lược và hỗ trợ năng lực cần thiết tại mỗi công ty thành viên này.
Từ những ngày đầu, Seedcom theo đuổi việc ứng dụng công nghệ ngành bán lẻ và sản xuất để mang đến cho khách hàng trải nghiệm xuyên suốt từ online đến offline. Nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng chính là kim chỉ nam cho doanh nghiệp. Ông Huân gọi đây là mô hình New Retail - giai đoạn thứ 3 của kinh doanh O2O (Online to Offline)
Bán lẻ F&B; Phân phối và bán lẻ thực phẩm; cùng Bán lẻ thời trang chính là 3 mũi nhọn của Seedcom trên mặt trận New Retail. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ thời trang quy tụ nhiều tên tuổi hơn cả, gồm: Juno (giày, túi nữ), Hnoss (thời trang công sở nữ), và Eva de Eva (thời trang cao cấp nữ).
Theo nghiên cứu của Seedcom, quy mô ngành thời trang Việt Nam khoảng 5 tỉ USD vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng 10% năm, dự kiến sẽ đạt 7 tỉ USD vào năm 2023.
Seedcom công bố đầu tư vào Juno năm 2015. Tới năm 2018 đầu tư vào Hnoss và năm 2019 là Eva de Eva. Khẩu vị đầu tư của ông Đinh Anh Huân không mấy thay đổi khi các thương hiệu có điểm chung là đều có xưởng sản xuất, đều là doanh nghiệp nội. Việc của Seedcom là sẽ bổ sung thêm yếu tố công nghệ và tài chính.
Từ khi về một nhà với Seedcom, Juno tăng trưởng thần tốc và là ví dụ điển hình cho sự đúng đắn của chiến lược New Retail. Từ 5 cửa hàng Juno ban đầu, sau 2 năm nhận đầu tư từ Seedcom, chuỗi này sở hữu hơn 90. Công suất của Juno cũng được nâng cấp từ 30-40 ngàn đôi giày/năm lên thành hơn 1 triệu đôi giày/năm. Năm 2017, doanh thu của Juno đạt 470 tỷ đồng, báo lãi 27 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ sau lần đầu tiên Juno báo lãi dưới thời Seedcom, công ty đã không còn giữ được đà tăng trưởng. Năm 2019, doanh thu của Juno giảm 10%, từ 600 tỷ đồng trong năm 2018 xuống còn 540 tỷ đồng trong năm 2019, lỗ ròng 40 tỷ đồng gấp đôi cùng kỳ.
Điều tương tự xảy ra với Hnoss, khi lỗ ròng hãng thời trang này đã tăng gấp đôi lên 21 tỷ đồng, dù doanh thu năm 2019 tăng hơn 40% và đạt 122 tỷ đồng. Eva de Eva dù mới về tay Seedcom cũng thua lỗ lặng lên tới 71 tỷ đồng, dù doanh thu tăng gấp 3 cùng kỳ.
Như một hệ quả tất yếu, đầu năm 2020, ông Nguyễn Quốc Tuấn, đồng sáng lập và CEO Juno đã từ nhiệm. Thay thế vị trí ông Tuấn là ông Nguyễn Duy Linh - một trong những nhân sự điều hành cấp cao của Seedcom.
Mới đây nhất, Seedcom đã thoái vốn khỏi Eva de Eva. Được biết, hiện Eva de Eva đã tìm được nhà đầu tư mới và đang trên đà tăng trưởng trở lại.
Giai đoạn kết quả kinh doanh của Juno, Hnoss và Eva de Eva gặp khó được đánh giá là thời điểm sự cạnh tranh giữa thời trang Việt với thương hiệu quốc tế đang khốc liệt nhất.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần, từ hàng bình dân đến cao cấp. Vẫn còn 40% thị phần cho may mặc trong nước.
Thị trường thời trang Việt Nam không chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp nội, mà còn là thu hút các thương hiệu ngoại và nhóm này đang chiếm thế thượng phong. Dựa vào yếu tố thương hiệu, sự đa dạng của sản phẩm và chiến lược giá cạnh tranh để lấy thị phần, các thương hiệu ngoại ít nhiều để lại vết thương chí mạng cho nhóm nội.