Chuyện 'phòng the': Im lặng chưa chắc đã là đồng ý
Đồng thuận giúp tạo ra không gian an toàn, tin cậy cho một mối quan hệ, dạy chúng ta học cách tôn trọng suy nghĩ, cảm nhận của người mình yêu, để không ai bị tổn thương trong chuyện ấy.
Cứ tưởng “im lặng là đồng ý”
Một chị ngao ngán chia sẻ: Khi thấy tình cảm vợ dành cho mình có dấu hiệu “hạ nhiệt”, chồng chị đã hâm nóng tình vợ chồng bằng cách đêm nào cũng ép vợ “miệt mài trong cuộc truy hoan”, bất chấp chị mệt mỏi đến khô hạn như… hiện tượng El Nino trong phòng the. Lảng tránh thì bị anh nghi ngờ “có tình ý với người khác”, “làm vợ mà không biết chiều chồng”, “hay là cô lại nhớ đến người cũ”,… chị đành im lặng “nộp mạng” cho xong. Chuyện lòng vả không hiểu được lòng sung chỉ chấm dứt khi anh đưa chị đi khám để chữa trị chứng lãnh cảm.
Lúc ấy, anh mới rút ra bài học: Im lặng chưa hẳn đã là đồng ý, mà có khi đối phương đang trong trạng thái chán nản hoặc thất vọng, không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Một chàng trai tâm sự: Nhân dịp nghỉ lễ, tôi mời người yêu đi chơi và rất phấn khích khi thấy nàng diện bộ đồ "mát mẻ", khoe đường cong hấp dẫn. Hai người đi ăn uống, ngồi tâm sự khá khuya rồi tôi đưa nàng về phòng mình.
Khi tôi định cởi đồ của nàng thì vấp phải sự phản kháng yếu ớt (vì nàng đang say rượu). Cho rằng đấy là sự vờ vĩnh của một cô gái trước người đàn ông của mình nên tôi càng tỏ ra mạnh mẽ. Chẳng ngờ cô ấy giáng cho tôi cái tát… lệch mặt và thúc đầu gối vào bụng tôi. Kiềm chế lắm tôi mới không nổi điên. Rõ ràng cô ấy ăn mặc gợi tình, nhận lời đi uống rượu rồi theo bạn trai về phòng riêng như là ngầm đồng ý "chuyện ấy", vậy mà khi tôi thực hiện thì làm như bị hiếp dâm. Ơ thế thì yêu “chay” à?
Định kiến trong thái độ đáp ứng tình dục
Ít nhiều chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, nhiều người Việt quan niệm gái ngoan phải thẹn thùng, e ngại khi thể hiện ham muốn, không nên bộc lộ những "sáng kiến" khi yêu đương, lắm khi phải “nhịn” nếu đối tác lười yêu. Vì vậy đa số chị em thường tỏ ra thụ động để nửa kia dẫn dắt và điều khiển cuộc yêu, kể cả khi đã qua "một lửa", "hai lửa". Điều đó khiến nhiều đấng mày râu nhầm tưởng rằng: cô ấy không nói gì nhưng "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", ngỡ "im lặng là đồng ý" nên cứ thế "lên xe là lái" trong khi ý trung nhân chưa sẵn sàng.
Ngược lại, một số cô gái hiểu biết, tự làm giàu kiến thức giới tính của mình đã tặng tân lang tuần trăng mật đầy bất ngờ, lại bị chồng mới cưới đánh giá “dày kinh nghiệm tình trường”, “ham hố”, “gu mặn quá”. Biết vậy, vai nữ chính đành tiết chế, nhường chồng chủ động “cầm cương” cho nó lành, dù chẳng thấy mình sai ở chỗ nào.
Phải đồng thuận từ trước lúc khởi sự và suốt cuộc yêu
Khi cùng tham gia vào một hoạt động tình dục, nếu không có sự đồng thuận thì cho dù đối phương có là người yêu hay vợ/chồng cũng sẽ bị coi là hành vi xâm phạm chủ quyền- nói trắng ra là quấy rối, cưỡng ép, tấn công tình dục.
Sự đồng thuận chỉ được tính là hợp pháp khi cả hai ở trong độ tuổi được pháp luật cho phép quan hệ tình dục, ở nước ta là đủ 16 tuổi trở lên.
Đồng thuận (Consent) là từ có nguồn gốc từ tiếng Latinh, ghép giữa từ “con” (cùng với nhau/together) với “setire” (cảm giác/feeling) thành “together feeling”, ý là cả hai cùng cảm nhận. Đồng thuận tình dục luôn được thể hiện một cách rõ ràng, không suy diễn hay “ngầm hiểu” dựa trên cách ăn mặc hoặc nơi chốn mình đến, kiểu như mặc hở hang là "mời anh xơi”, bước chân vào nhà nghỉ là đồng ý làm chuyện đó, "hôn được môi là lôi được… quần”. Không chỉ quan trọng trong lần đầu quan hệ của một người, mà những cặp dù đã là “của nhau” trước đó, vợ chồng sống với nhau lâu dài cũng cần có sự đồng thuận trước mỗi lần gần gũi. Bao gồm 5 tiêu chuẩn:
1. Tự nguyện: Cả hai đưa ra lựa chọn mà không chịu bất kỳ sức ép hoặc sự kiểm soát nào, chẳng hạn trong lúc mất tỉnh táo vì chịu tác động từ chất kích thích, say rượu hoặc bị mua chuộc, dụ dỗ, dọa dẫm. Một người thúc ép đối tượng phải “trao thân” là dấu hiệu của một mối quan hệ không lành mạnh và không an toàn. Hiểu như vậy thì không việc gì phải xấu hổ vì thấy bị “mất mặt” nếu người yêu từ chối hết lần này đến lần khác.
2. Có thể thay đổi: Nếu trước đó người ấy vừa đồng ý lên giường, sau phút mốt lại đổi ý thì cũng không được phép ép họ thực hiện điều đã hứa. Một người có thể rút lui vào phút chót và đối phương phải tôn trọng điều đó, kể cả hai người vừa quan hệ ngày hôm qua cũng không có nghĩa hôm nay, ngày mai, tuần sau vẫn có quyền. Ơ hay, bạn mua 1 vé vào rạp để xem phim, đâu có nghĩa được xem đi xem lại bộ phim ấy đâu?
3. Được thông báo: Người trong cuộc chỉ nên đồng ý điều gì khi đảm bảo đã nắm hết câu chuyện, từ tình trạng sức khỏe, bệnh tật đến kiểu cách quan hệ. Kẻo sau đó lại "em cứ tưởng" hoặc "anh không ngờ".
4. Nhiệt tình: Trong chuyện phòng the, chỉ nên làm những việc mình muốn làm, thích được làm, làm đầy hứng khởi. Không nhất thiết phải "cắn răng" làm những việc "phải làm" hoặc bị ra lệnh, cũng đừng vờ vĩnh, cao ngạo, sai khiến.
5. Cụ thể: Cái nào ra cái đó! Đồng ý với điều này (ôm hôn trong phòng ngủ) không có nghĩa là đồng ý với những điều tiếp theo (quan hệ tình dục).
Đồng thuận giúp tạo ra không gian an toàn, tin cậy cho một mối quan hệ, dạy chúng ta học cách tôn trọng suy nghĩ, cảm nhận của người mình yêu, để không ai bị tổn thương trong chuyện ấy, theo nguyên tắc: Khi không có sự đồng ý rõ ràng của đối tác thì không được làm điều bạn muốn. Ai cũng có quyền từ chối những hành vi khiến mình không thoải mái hoặc cơ thể mình không mong đợi.
Như khi ta ăn chay hay ăn mặn, việc thức ăn sạch sẽ, đảm bảo an toàn làm bữa ăn ngon lành, bổ dưỡng. Ta cảm thấy ngon vì tin chắc là món ăn lành.