Chuyện quá khứ
Nghe tin ông Toàn phải đi bệnh viện tuyến trên điều trị vì vết thương cũ tái phát, bà Xoan nóng lòng, sốt ruột, muốn đi thăm nhưng chỉ sợ chồng bà nổi cơn ghen thì không khí gia đình lại mất vui.
Bao nhiêu năm rồi, bà Xoan chỉ dám quan tâm đến ông Toàn từ xa. Mỗi khi biết ông ấy ốm, ông ấy đau là lòng bà lại không yên, cứ day dứt vì chuyện trong quá khứ.
Chuyện cũ trôi qua cũng ngót nửa thế kỷ rồi, bây giờ đầu ai cũng đã hai thứ tóc, trí nhớ giảm sút, lúc nhớ lúc quên nhưng mối tình đầu với ông Toàn thì bà Xoan không thể nào quên. Hai nhà cùng xóm nên chuyện dựng vợ gả chồng đã được hai bên gia đình thu xếp đâu vào đấy. Gia đình bà Xoan đã nhận trầu cau dạm ngõ của nhà ông Toàn. Chiến tranh ác liệt ở miền Nam nên hồi ấy miền Bắc phải huy động lực lượng chi viện cho chiến trường. Ông Toàn có giấy gọi nhập ngũ, cùng thanh niên trong làng lên đường vào Nam chiến đấu. Hai người mất liên lạc hàng năm trời, lại có tin ông Toàn đã hy sinh trong một trận đánh khiến bà Xoan hồi ấy suy sụp tinh thần. Bà đau khổ suốt một thời gian dài.
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, đồng đội cùng quê đều đã trở về nhưng ông Toàn vẫn bặt vô âm tín. Bà Xoan lấy ông Nhâm, đồng đội của ông Toàn vì sự vun vén, động viên của gia đình “con gái có thì”, người mất thì cũng đã mất rồi. Bà Xoan nghe lời, mang trầu cau sang nhà ông Toàn trả lại để thanh thản về nhà chồng. Không ngờ thời gian sau, ông Toàn trở về bằng xương bằng thịt, dù trên người mang nhiều thương tật. Hóa ra ông ấy chỉ bị thương nặng trong một trận càn của địch. Ông mê man hàng tháng trời, lại không có giấy tờ gì trong người nên không ai có thể báo tin về gia đình. Ông Toàn được cứu chữa, thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh nhưng lại trở thành thương binh nặng. Biết chuyện, bà Xoan lặng lẽ khóc thầm. Bà tự dằn vặt, tự trách mình là kẻ phản bội nên mỗi lần gặp ông Toàn ở đầu ngõ bà lại tìm cách tránh mặt. Mãi đến khi ông Toàn lấy vợ, bà Xoan mới thấy thanh thản, nhẹ lòng.
Ông Nhâm biết rõ ngọn ngành chuyện quá khứ của vợ và ông Toàn nên mỗi lần bà Xoan về nhà đẻ chơi, ông đều nhắc nhở với giọng điệu nghiêm khắc: “Bà liệu chừng đấy, các cụ bảo tình cũ không rủ cũng tới. Tôi là tôi không để yên đâu”. Bà Xoan hậm hực, xua tay: “Ông này chỉ hay nói linh tinh. Già rồi còn lắm chuyện, ghen tuông vớ vẩn”. Ông Nhâm cau mày, vỗ ngực, mặt đỏ lên vì tức giận: “Tôi phong độ như này, có ba đứa con khỏe mạnh, cháu nội cháu ngoại đủ đầy, việc gì tôi phải ghen với cái tay thương binh nặng ấy”. Nghe chồng nhắc đến ba tiếng “thương binh nặng”, bà Xoan lại nén tiếng thở dài xót xa. Những di chứng của chiến tranh để lại trên thân thể ông Toàn khiến ông ấy không thể sinh con. Ông ấy may mắn lấy được vợ là người phụ nữ quá lứa lỡ thì, thương chồng hết mực nên hai vợ chồng nhận một người con nuôi để cuộc sống tuổi già khuây khỏa. Bây giờ người con nuôi của ông Toàn đã thành đạt, làm bác sĩ trên viện tỉnh nên vợ chồng ông Toàn cũng phần nào mãn nguyện.
Chiều nay ông Toàn được về nhà sau thời gian dài điều trị ở bệnh viện. Bà Xoan nhấp nhổm muốn đi thăm, chỉ sợ ông Nhâm biết lại nổi cơn thịnh nộ. Bà đang băn khoăn nghĩ cách gửi quà sang cho ông Toàn thì chồng bà đã chép miệng: “Này! Bà có đi thăm người yêu cũ không? Ông Toàn bình phục rồi đấy, sang mà mừng cho ông ấy”. Bà Xoan vùng vằng: “Ông lại nói linh tinh rồi. Ông đi mà thăm ông ấy”. Ông Nhâm gật gù: “Tôi đi thăm thật đấy, chẳng gì cũng là đồng đội cũ. Dù sao tôi cũng may mắn hơn ông ấy nên mới lấy được bà. Bà có đi cùng không? Thôi, bỏ qua chuyện quá khứ do chiến tranh, giờ ai cũng già cả rồi, tôi bận tâm làm gì. Tôi nói đùa bà vậy thôi”. Bà Xoan ngạc nhiên trước thái độ của chồng. Vậy mà bấy lâu nay, bà vẫn lo ông Nhâm cấm cản, không cho bà qua lại thăm hỏi ông Toàn. Bây giờ lòng bà cảm thấy nhẹ nhõm khi nghĩ đến chuyện đã qua.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/chuyen-qua-khu-173995