Chuyện quản lý: Câu chuyện văn hóa... buồn!

Việc kiêm nhiệm nhiều công việc khiến chất lượng công tác công chức văn hóa-xã hội ảnh hưởng ít nhiều, khó để có sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian cho mảng văn hóa. Đây cũng là thực tế buồn ở không ít địa phương, cần những giải pháp bền vững, lâu dài…

Là công chức văn hóa-xã hội của một địa phương có một số di tích văn hóa-lịch sử được xếp hạng, chị A. chia sẻ, do phải “ôm đồm” nhiều công việc liên quan khác, nên mảng văn hóa với chị là cả một thách thức lớn. Nhất là khi đẩy mạnh chuyển đổi số, một số dịch vụ công cần thực hiện trực tuyến nhưng trình độ dân trí và công nghệ thông tin của người dân địa phương còn hạn chế, khiến chị càng thêm vất vả hơn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ. Vậy nên, khi được hỏi về các di tích trên địa bàn, chị thú thực: Chưa có thời gian để tìm hiểu sâu, kỹ và chi tiết hơn, nên nếu cần phóng viên có thể tìm hiểu trong cuốn lịch sử đảng bộ địa phương. Thậm chí, dẫn phóng viên ghé thăm một di tích văn hóa-lịch sử cấp tỉnh, chị còn hồn nhiên chia sẻ dự định sẽ tổ chức chặt tỉa bớt cây phía sau di tích để trồng hoa, trang trí thêm cho cảnh quan di tích. Khi phóng viên cho biết, đây là di tích cấp tỉnh, muốn tác động đến phạm vi bảo vệ của di tích phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, chị khá ngạc nhiên và cũng chỉ biết cười trừ cho qua chuyện (?!)

Một số lãnh đạo các địa phương khi được phóng viên hỏi về các di tích văn hóa-lịch sử hay danh nhân, sự kiện trên địa bàn mình phụ trách thì lúng túng, không nắm được thông tin và cuối cùng cũng chỉ có thể cung cấp số điện thoại của công chức văn hóa-xã hội để được biết rõ hơn. Đó là chưa nhắc đến những thông tin cụ thể và chi tiết hơn, đặc biệt là về các giải pháp bảo tồn, phát huy di tích văn hóa-lịch sử trong tương lai. Tuy nhiên, tín hiệu vui là vẫn còn đó những lãnh đạo địa phương thực sự quan tâm đến mảng văn hóa và trăn trở, băn khoăn trong việc đưa các giá trị văn hóa-lịch sử tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, họ còn biết sử dụng sức mạnh của mạng xã hội để đưa di tích đến gần hơn với công chúng và chú ý sự phản hồi để có những giải pháp bảo tồn phù hợp, kịp thời.

Bấy lâu nay, “cán bộ nào phong trào ấy” đã trở thành bí quyết thành công của nhiều địa phương. Công chức văn hóa-xã hội không chỉ cần có trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của công việc được giao mà còn cần sự đam mê, nhiệt huyết, không ngừng học hỏi, tìm tòi từ chính thực tiễn cơ sở. Ngoài ra, việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó, đề xuất, tham mưu cho chính quyền các giải pháp phù hợp, kịp thời là yêu cầu đặt ra đối với công chức văn hóa-xã hội. Do đó, bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ, việc lựa chọn công chức phù hợp để đảm nhận công tác này cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Mặc khác, việc kiêm nhiệm nhiều công việc cũng khiến chất lượng công tác công chức văn hóa-xã hội ảnh hưởng ít nhiều, khó để có sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian cho mảng văn hóa. Và đây cũng là thực tế buồn ở không ít địa phương, cần những giải pháp bền vững, lâu dài…

Quảng Hạ

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202407/chuyen-quan-ly-cau-chuyen-van-hoa-buon-2219353/