Chuyện quản lý: Những 'mắt xích' yếu trong liên kết chuỗi miền núi
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và rất cần thiết, nhất là ở khu vực miền núi vốn còn nhiều khó khăn. Do vậy, trước hết, cần nghiên cứu những hình thức liên kết sản xuất phù hợp, đặc biệt trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản...
1. Năm 2020, dù rất nỗ lực, nhưng sản phẩm mật ong Trường Thủy (Lệ Thủy) vẫn mới chỉ đạt 2 sao theo Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh, chưa thể vươn tầm lên 3 sao. Bên cạnh các ưu điểm, như: quan tâm thực hiện các chứng nhận chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận các chỉ tiêu dinh dưỡng, công bố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn cơ sở; xây dựng kế hoạch/cam kết bảo vệ môi trường; xây dựng tài liệu giới thiệu sản phẩm, thực hiện cải tiến bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch…, vẫn còn đó nhiều hạn chế với sản phẩm này. Trong đó, liên kết chuỗi trong sản xuất còn yếu là một trong những nguyên nhân chính khiến sản phẩm chưa thể chiếm lĩnh những thị trường tiềm năng khác. Thực tế cho thấy, mặc dù có quy mô, năng lực sản xuất nhỏ (trung bình 4,5 tấn/năm), nhưng HTX nuôi ong lấy mật Trường Thủy vẫn chưa bao tiêu sản phẩm cho người dân; chưa có các hợp đồng đại lý chính thức, sản phẩm chủ yếu bán lẻ, manh mún. Đó là chưa kể khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn nhiều khó khăn.
Sản phẩm mật ong Quyết Thắng (Tuyên Hóa) tuy đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020 nhưng cũng có số điểm suýt soát là 51 điểm (mức điểm đạt 3 sao từ 50-69). Mặc dù HTX nuôi ong Quyết Thắng có liên kết chuỗi trong sản xuất, nhưng trên thực tế, các hợp đồng đại lý tiêu thụ chủ yếu ở trong huyện (các hợp đồng ngoài huyện là hợp đồng mua ong giống và vật tư, không phải là hợp đồng mua mật ong). Ngoài ra, HTX có quy mô, năng lực sản xuất nhỏ (trung bình 5 tấn/năm); không có các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm.
2. Gạo sạch-sản phẩm rất tiềm năng của các địa phương miền núi-cũng gặp khó khăn trong xây dựng liên kết chuỗi. Sản phẩm gạo sạch Mai Hóa và gạo sạch Châu Hóa (Tuyên Hóa) đều chưa có liên kết chuỗi trong sản xuất (chỉ có các hợp đồng thu mua nguyên liệu gạo); chưa có người phụ trách kinh doanh và chưa triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm. Các cơ sở sản xuất cũng chưa xây dựng hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, thiếu phiếu phân tích các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; chưa có kế hoạch kiểm soát chất lượng (chỉ có sổ theo dõi thu mua và bán ra nguyên liệu gạo)…
3. Liên kết chuỗi trong sản xuất khu vực miền núi thường yếu do nhiều nguyên nhân, như: quy mô sản xuất của bà con còn nhỏ lẻ, manh mún; các doanh nghiệp, công ty chế biến nông sản chưa nhiều; nhận thức và trình độ quản lý của người dân vẫn còn nhiều hạn chế; khó khăn về nguồn vốn đầu tư; thị trường đầu ra thiếu ổn định... Ở một số địa phương, dù chính quyền quan tâm đầu tư phát triển liên kết chuỗi ở một số nông sản đặc trưng, nhưng lộ trình triển khai vẫn chưa thực sự “đến nơi đến chốn”, thiếu bài bản, kỹ năng, kinh nghiệm ở cả người hướng dẫn và chủ thể tham gia chuỗi.
Trong giai đoạn hiện nay, liên kết trong sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và rất cần thiết, nhất là ở khu vực miền núi vốn còn nhiều khó khăn. Do vậy, trước hết, cần nghiên cứu những hình thức liên kết sản xuất phù hợp, đặc biệt trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Trong bối cảnh sản xuất ở miền núi khó tập trung quy mô lớn, nhận thức và trình độ quản lý của người dân hạn chế, bên cạnh chú trọng liên kết giữa doanh nghiệp, công ty với các hộ dân, HTX, tổ hợp tác, rất cần khuyến khích một số hình thức liên kết khác, như: tăng cường liên kết các hộ nông dân, liên kết phát triển sản phẩm đặc thù…
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và trình độ quản lý về sản xuất chuỗi giá trị của nông dân khu vực miền núi bằng nhiều hình thức, chú trọng chất lượng và tính bền vững, đáng chú ý, thay vì “cầm tay chỉ việc” là chủ yếu như trước đây, cần có mô hình liên kết tiêu biểu, kiểu mẫu để bà con học tập, tránh lý thuyết suông, nói không đi đôi với làm. Ngoài ra, sự nhiệt tình, theo đến cùng với tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền địa phương trong hỗ trợ người dân miền núi xây dựng chuỗi liên kết nông sản là một trong những mấu chốt của thành công.