Chuyện ra khơi của 'cha đẻ' xã hội hóa giáo dục

Hồi ký 'Đã là thuyền phải ra khơi' của GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, khắc họa chân dung một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục tâm huyết.

Gần một năm sau ngày GS.TS Trần Hồng Quân (20/9/1937 - 25/8 2023) từ giã cõi thế, cuốn hồi ký Đã là thuyền phải ra khơi của ông vừa được xuất bản. Việc xuất bản sách như nén nhang lòng mà bạn bè và đồng nghiệp, học trò của ông dành tặng vị "cha đẻ" của xã hội hóa giáo dục nhân ngày giỗ đầu - theo lời PGS.TS Trình Văn Phú.

Trong buổi ra mắt sách diễn ra vào sáng ngày 11/7 tại TP.HCM, các nhà giáo dục đã có dịp ngồi lại, cùng nhau nhắc nhớ về di sản vô giá mà nguyên Bộ trưởng để lại cho nền giáo dục nước nhà.

 Giáo sư Trần Hồng Quân phát biểu tại một tọa đàm về giáo dục đại học. Ảnh: Phạm Anh/PLO.

Giáo sư Trần Hồng Quân phát biểu tại một tọa đàm về giáo dục đại học. Ảnh: Phạm Anh/PLO.

Nhà giáo dục nhìn xa trông rộng

"Suốt cả một đời cống hiến cho giáo dục" là điều mà nhiều đồng nghiệp, học trò của GS Quân nhắc đến khi nói về người bạn, người thầy của mình.

GS.TS Trần Hồng Quân trải qua nhiều vị trí, môi trường công tác; ông luôn gắn bó, dành trọn tâm huyết, trí tuệ và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.

 Từ trái qua: MC Phương Huyền, nhà văn Trần Quốc Toàn, PGS.TS Trần Mai Đông (con trai GS.TS Trần Hồng Quân), PGS.TS Nguyễn Tấn Phát tại buổi giao lưu ra mắt sách.

Từ trái qua: MC Phương Huyền, nhà văn Trần Quốc Toàn, PGS.TS Trần Mai Đông (con trai GS.TS Trần Hồng Quân), PGS.TS Nguyễn Tấn Phát tại buổi giao lưu ra mắt sách.

GS Phú kể, từ những ngày bắt đầu sự nghiệp của một nhà giáo dục ở Đại học Bách khoa Hà Nội ở vai trò giảng viên, người thầy giáo Quân năm xưa đã mang nhiều hoài bão và ấp ủ chuẩn bị cho hành trình "căng buồm đón gió ra khơi".

Về nước năm 1974 sau 6 năm tu học tại Hungary, trải qua các vị trí như Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa, Thứ trưởng, Bộ trưởng tại Bộ GD&ĐT rồi Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam... GS Quân từ vai trò "người thủy thủ mới ra khơi" đã dần trở thành vị thuyền trưởng lèo lái đoàn thuyền giáo dục Việt Nam vượt mưa bão.

Được gọi là "cha đẻ" của xã hội hóa giáo dục, GS Quân là người đề xướng mở ra hệ thống trường đại học ngoài công lập. Tuy ngày nay các trường này đã trở thành phần không thể thiếu của hệ thống giáo dục đại học nhưng vào thời điểm cách đây gần 40 năm, trường đại học ngoài công lập dường như là điều "không tưởng", không dễ được chấp nhận.

"Giống đôi cánh của một con chim, chỉ khi hệ thống giáo dục công lập và hệ thống giáo dục ngoài công lập cùng phát triển, thì nền giáo dục đại học mới thực sự cất cánh bay cao. Đây là đóng góp rất to lớn của giáo sư Trần Hồng Quân", phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Cụ thể, cải cách này đã phần nào giải quyết được bài toán cung-cầu, đầu ra của giáo dục đại học, tháo gỡ nút thắt cho giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung. Nỗ lực của ông đã mang đến chuyển biến tích cực trong những năm đầu thập niên 1990, giữa bối cảnh đất nước vừa mở cửa, chuyển mình chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, còn nhiều khó khăn.

Suốt sự nghiệp của mình, GS Quân luôn luôn trăn trở, tìm tòi, phát triển những chính sách, cách làm mới. Cốt lõi trong triết lý làm giáo dục của ông đổi mới, cải cách. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát nhận định rằng phương pháp quản lý giáo dục của cố giáo sư rất uyên thâm, tập trung vào chiến lược.

GS.TS Nguyễn Minh Hiển kể rằng nguyên Bộ trưởng không bao giờ áp đặt, mà tiến hành lấy ý kiến rộng rãi, luôn làm việc trên tinh thần thảo luận cởi mở. Vị thuyền trưởng con tàu giáo dục quy tụ bên mình những nhà giáo, nhà quản lý ưu tú có cùng tâm huyết đưa giáo dục nước nhà đi lên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhắc rằng trong một dịp gần đây xem xét lại các văn bản hành chính quan trọng, nhiều tài liệu mà GS Trần Hồng Quân để lại vẫn còn gợi nhiều suy nghĩ cho những nhà quản lý giáo dục. Trong đó có những trăn trở như lương nhà giáo phải xếp cao nhất trong bảng lương công chức, tự chủ tài chính trong trường đại học...

Thứ trưởng nhớ lại những lần được đến thăm và trực tiếp trao đổi với GS Quân, ông tiếp thu nhiều bài học quan trọng. Nhiều nội dung trong các cuộc trao đổi đó cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của GS Quân với nền giáo dục nước nhà đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Người thi sĩ trong một chính khách

Vốn bản tính khiêm cung, GS.TS Trần Hồng Quân không muốn kể nhiều về chuyện đời mình. Song trong những năm cuối đời, nhờ người thân, đồng nghiệp động viên, khích lệ, ông đã có những bài viết chia sẻ về tuổi thơ, gia đình, quê hương và quá trình công tác của mình.

Sau khi GS Quân từ trần, gia đình và người thân đã phối hợp với lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tổng hợp, biên tập, in ấn để phát hành cuốn hồi ký Đã là thuyền phải ra khơi.

 Sách Đã là thuyền phải ra khơi. Ảnh: Tâm Anh.

Sách Đã là thuyền phải ra khơi. Ảnh: Tâm Anh.

Nội dung cuốn sách bao gồm ba phần: Phần 1: Hồi ký - Đã là thuyền phải ra khơi, Phần 2: Tiếng lòng và Phần 3: Những bài nói và viết của GS.TS. Trần Hồng Quân.

Phần 1 gồm 7 chương cho độc giả cái nhìn rõ nét về cuộc đời đầy thăng trầm từ thời thơ ấu, những năm tháng học tập và trưởng thành, và quãng đời về sau cống hiến cho giáo dục của cố giáo sư.

Đội ngũ biên soạn đã đặc biệt bổ sung vào phần 3 gồm 21 bài viết và bài phát biểu xuyên suốt cuộc đời hoạt động giáo dục của ông, được đánh giá là sẽ còn mãi giá trị với thời gian. Những trang sách này phần nào tái hiệu được những quan điểm, tầm nhìn, những trăn trở, ưu tư thể hiện tư duy cấp tiến đi trước thời đại của nhà giáo tâm huyết.

PGS.TS Trình Văn Phú cho biết tập hồi ký ban đầu được cố giáo sư đặt tên "Đã là thuyền tôi phải ra khơi". Tuy nhiên, khi cuốn sách thành hình, vì những giá trị sâu rộng vượt ngoài khuôn khổ của tâm sự cá nhân nên tiêu đề đã lược bớt chữ "tôi" để thể hiện đúng tinh thần của tác phẩm.

Nhưng nói vậy không có nghĩa đây là những trang sách khô khan, mà trái lại, đậm đà tính văn chương và toát lên giọng điệu tâm tình của cố nhà giáo. Giáo sư đã không theo lời khuyên của một số bạn bè rằng vì tuổi cao sức yếu mà tìm một nhà văn trẻ chấp bút thay mình những dòng hồi ký. Ông lựa chọn kể ra câu chuyện của mình bằng lời văn của chính mình.

Nhà văn Trần Quốc Toàn nhận xét rằng văn của cố nhà giáo giàu trữ tình, có những đoạn mượn sự việc thật mà sinh ấn tượng ảo, qua đó bộc lộ được tâm tư sâu sắc của người viết.

Đặc biệt Phần 2 cuốn sách giới thiệu những sáng tác thơ, nhạc của cố giáo sư, thể hiện rõ "Tiếng lòng" của một chính khách, nhà quản lý, nhà khoa học, đồng thời cũng là người chồng tình cảm, người cha mẫu mực trong gia đình. Giáo sư Nguyễn Bá nhận xét: "Giáo sư Trần Hồng Quân là một chính khách có tâm hồn thơ..."

Sách dày 477 trang (chưa tính phục lục). Có ý kiến cho rằng nhiều đoạn văn, bài viết trong sách có thể được trích riêng, xuất bản ở những hình thức gọn nhẹ hơn để tiếp cận đông đảo bạn đọc. Trong đó có những phần rất rất gần gũi với thanh niên ngày nay như kinh nghiệm du học, trăn trở về thiên nhiên, môi trường...

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-ra-khoi-cua-cha-de-xa-hoi-hoa-giao-duc-post1485722.html