Trường tiên tiến, chất lượng cao: Có phân tầng, chồng chéo?

Các chuyên gia cho rằng, phát triển mô hình trường tiên tiến, CLC là cần thiết nhưng cần làm tốt GD đại trà nhằm tạo công bằng trong tiếp cận.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT): Cân nhắc để tránh hệ lụy

 PGS.TS Đặng Quốc Bảo.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo.

Những năm qua, nhiều cơ sở giáo dục của Hà Nội, TPHCM luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hóa nhanh. Có những trường sĩ số lên tới trên 60 em/lớp.

Thực tế cho thấy, những địa phương trên chưa đáp ứng đủ trường, lớp công lập để thực hiện giáo dục đại trà. Khi chưa đáp ứng được giáo dục đại trà, thì việc đầu tư xây dựng, nhân rộng trường tiên tiến, chất lượng cao có thể dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông, đó là chưa kể địa phương nào cũng có mô hình trường chuyên. Đây là bài toán cần cân nhắc, tránh hệ lụy không đáng có. Qua đó, nhằm bảo đảm môi trường giáo dục công bằng.

Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, các địa phương nên tập trung xây trường chuẩn quốc gia; đồng thời đầu tư mạnh hơn nữa việc xây dựng trường mầm non, phổ thông công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi trẻ; bảo đảm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế cũng được tiếp cận môi trường giáo dục đạt chuẩn.

Muốn vậy, một trong những giải pháp quan trọng là, cần có chính sách về đất đai dành cho giáo dục. Thực tế, quy hoạch đất cho giáo dục còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương thiếu quỹ đất để xây dựng trường học, nhất là các thành phố lớn… Vì thế, nếu không có chính sách phù hợp, đủ mạnh có thể dẫn tới bất bình đẳng trong giáo dục.

Ông Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội: Cần tường minh về chất lượng cao

 Ông Nguyễn Anh Trí.

Ông Nguyễn Anh Trí.

Tôi nhất trí với quy định cho phép chính quyền TP Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao. Việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục Thủ đô.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 15) nêu: “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”.

Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa yêu cầu Nghị quyết 15. Thêm vào đó, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao không phải là quy định hoàn toàn mới, thực chất đây là sự tiếp nối, kế thừa của Luật Thủ đô năm 2012.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc triển khai quy định về cơ sở giáo dục chất lượng cao ở Hà Nội đã cho kết quả tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần cân nhắc về mức độ đầu tư cho trường chất lượng cao và đối tượng học ở trường này. Vấn đề đặt ra là, có phải chỉ người Hà Nội mới được học trường chất lượng cao hay không?

Phụ huynh ở các địa phương khác muốn gửi con lên học những trường này có được không? Đặc biệt, cần định nghĩa rõ ràng, tường minh về chất lượng cao. Chất lượng ở đây được hiểu là kiến thức, điều kiện học tập, đội ngũ giáo viên hay toàn bộ những vấn đề này?

Ông Lê Tuấn Tứ - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa, đại biểu Quốc hội khóa XIV: Vẫn còn bất cập trong tiếp cận giáo dục

 Ông Lê Tuấn Tứ

Ông Lê Tuấn Tứ

Thực tế cho thấy, công bằng trong giáo dục ở các địa phương dường như còn bất cập. Đơn cử: Trước thềm năm học mới, nhiều tỉnh, thành thiếu hàng nghìn giáo viên. Tình trạng thiếu trường, lớp vẫn xảy ra, nhất là ở thành phố lớn, nơi có khu công nghiệp phát triển.

Trong khi đó, học sinh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn khó khăn về cơ sở vật chất (cả đầu tư xây dựng trường, lớp đến trang thiết bị dạy, học). Học sinh ở những vùng này vẫn thiệt thòi hơn so với vùng đồng bằng khi thiếu giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm giảng dạy.

Triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều nơi còn thiếu trầm trọng giáo viên Tin học, Mỹ thuật nên phải “chữa cháy” bằng giải pháp tạm thời như: Tăng tiết, dồn ghép lớp học… chưa bảo đảm quyền lợi cho thầy và trò.

Luật Giáo dục có nêu: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập”. Luật Giáo dục cũng quy định, Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.

Từ thực tiễn khách quan cho thấy, chỉ khi nào các chính sách được triển khai đồng bộ từ nhận thức đến điều kiện đáp ứng tiếp cận công bằng thì mới hy vọng giảm thiểu sự bất bình đẳng trong nội tại giáo dục ở địa phương. Muốn vậy, trước hết cần bảo đảm các điều kiện cần và đủ để phát triển giáo dục đại trà. Nghĩa là, phải bảo đảm điều kiện cho giáo dục đại trà phát triển; đồng thời tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, các trường công lập phải là nơi dành cho tất cả học sinh học tập.

Tôi cho rằng, các địa phương cần tính toán lại việc xây dựng mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao nếu như chưa làm tốt giáo dục đại trà. Thời điểm này nên dừng lại mức thí điểm ở một số thành thị có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau đó, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và đánh giá tác động trước khi phát triển mô hình này theo diện rộng.

Nếu có chủ trương, nghị quyết về xây dựng mô hình trường chất lượng cao thì để khối tư nhân đảm nhiệm. Theo đó, học sinh muốn học ở những trường này sẽ phải nộp học phí xứng đáng với cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ giáo dục mà tư nhân đầu tư.

Thay vì đầu tư xây dựng, phát triển mô hình trường chất lượng cao, trước mắt, các địa phương nên quan tâm, “chăm chút” cho trường chuyên nhằm bảo đảm mục tiêu đào tạo nhân tài cho địa phương và đất nước; đồng thời tránh được sự chồng chéo cả về lý thuyết lẫn thực tiễn giữa hai mô hình trường học này.

“Công bằng với học sinh không hẳn phải học cùng lớp, chung một chương trình giáo dục, mà là việc chúng ta hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giáo dục rất cần đầu tư, với chính sách đồng bộ. Trong đó, đầu tư chính sách đất đai cho giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng”, bà Trần Thị Vân - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Minh Phong (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-tien-tien-chat-luong-cao-co-phan-tang-chong-cheo-post692599.html