Chuyện sách xưa hồi sinh

Phần vì những hào quang rực rỡ của quá khứ ngày cũ chưa bao giờ bị suy suyển bởi lớp bụi thời gian, phần vì biết bao tấm lòng hăm hở nhiệt tình đón nhận của đông đảo độc giả gần xa, dòng chảy của sách xưa tái bản dường như ngày thêm có sức lan tỏa.

Từ tái bản nguyên bản

Năm qua, loạt sách trong Tủ sách học làm người của tác giả Hoàng Xuân Việt vừa trở lại với bạn đọc cả nước trong dáng hình mới. Tuy tái xuất cùng độc giả thế kỷ XIX hiện đại, nhưng các tác phẩm này vẫn giữ trọn vẹn phong khí, bối cảnh xã hội của giai đoạn thế kỷ trước, bởi văn phong của người viết. Bộ sách đề cập nhiều ngõ ngách của câu chuyện làm người tử tế, sống an bằng và nhơn đức.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường: “Mỗi người đều có lý do riêng để tìm đến sách cũ. Bản thân tôi là người say mê lịch sử và văn hóa nên tôi tìm đến với sách cũ để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, có một điểm chung mà nhiều người đều thích thú là mỗi quyển sách cũ là một thân phận ẩn chứa một giai đoạn lịch sử của ngành sách và cả của đất nước. Ngay như thời kỳ đầu tiên của ngành in ấn Việt Nam, sách được xuất bản bằng chữ rất thô sơ. Sách giai đoạn 1930-1945 tuy bằng giấy dó là chủ yếu vì kinh tế khó khăn, nhưng lại bền”.

Đáng chú ý nhất là quyển Thinh lặng cũng là hùng biện. Một tác phẩm xưa cũ, nhưng thật “hợp thời, hợp mốt” với hoàn cảnh của hiện tại, trong lúc chúng ta đang than phiền, sao xã hội hiện nay, ở ngoài đời thực lẫn trên thế giới mạng ảo, mọi người dễ thường nóng nảy manh động đến vậy. Với lối diễn đạt súc tích, câu chữ gọn gàng, dễ hiểu, không hề khuôn sáo, tác giả sẽ chinh phục ngay cả những bạn đọc khó tính nhất, giúp bạn đọc thêm hiểu về giá trị của đức thinh lặng – một phẩm hạnh mà chúng ta có thể có được thông qua nhận thức và chăm chỉ luyện rèn trong phát ngôn, ứng xử hàng ngày.

Trước đó, hàng loạt đầu sách nghiên cứu, biên khảo, cảo luận, tiểu phẩm, dịch thuật, bình chú... của nhà văn - nhà giáo - học giả Nguyễn Hiến Lê cũng được tái bản. Có thể kể đến như các quyển Các cuộc đời ngoại hạng - Những bài học thành công; 33 câu chuyện với các bà mẹ - Cùng con phát triển bản thân; Tìm hiểu con chúng ta…, đặc biệt là hai tác phẩm từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ là Đắc nhân tâm - Bí quyết để thành công và Quẳng gánh lo đi và vui sống.

Đây là cơ hội để độc giả hôm nay biết đến những giá trị tri thức xưa – điều từng nâng đỡ tâm hồn các thế hệ trước bước vào cuộc đời.

Trong câu chuyện sách xưa in lại, tất nhiên cũng không thể vắng bóng các tác phẩm văn học. Các bộ sách của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ, bộ truyện thiếu nhi (gồm 18 cuốn) của nhà văn Vũ Hùng, tủ sách Tuổi hoa, tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt… được ra mắt với lớp áo mới, giúp cho bạn đọc yêu văn chương hiện nay được thỏa sức tìm về khung trời ngôn ngữ người xưa.

... đến chọn lọc công phu

Nhằm mang lại tiện ích cao nhất cho người đọc hiện đại, việc tái bản cũng lắm công phu. Không dừng lại ở công tác sưu tầm những đầu sách xưa rồi đơn thuần in lại, nhiều tấm lòng tâm huyết còn bỏ sức dày công biên tập, tỉ mẩn chọn lọc có chủ ý để ra mắt những “bổn cũ soạn lại” vừa chuyên chở phong vị hồn cốt của dĩ vãng vừa thấm đẫm dáng dấp hơi thở của hiện tại. Điều đó cho thấy sự dung hòa trong ý thức bảo tồn lưu giữ vốn liếng xưa cũ và phù hợp thích ứng với nhịp điệu phát triển của hôm nay.

Gần đây, Bổn cũ soạn lại - Những bài học thuộc lòng tân quốc văn giáo khoa thư của tác giả Trần Văn Chánh là một quyển sách được thực hiện theo hướng đi như vậy. Điều thú vị ở quyển sách này là đã đồng thời chủ đích hướng đến cả hai đối tượng độc giả, mà hai đối tượng này cách nhau đến mấy chục năm có lẻ. Đó là những thế hệ học trò ngày xưa từng đọc, từng học những bài học trong sách giáo khoa Quốc văn, trong Tiểu học nguyệt san và những độc giả tuổi nhỏ của hôm nay.

Có thể nói, dù là sách xưa, được ra đời ở những giai đoan lịch sử của thế kỷ trước, nhưng những ý nghĩa nội dung, những giá trị mà sách xưa chứa đựng vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự cho đến tận ngày hôm nay, khi mà nhà nhà người người, ai ai cũng một lần từng nghe đến hoặc nhắc đến chủ đề cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sách xưa in lại, vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, thật đáng trân trọng và đáng suy ngẫm lắm thay.

Nhà văn, nhà báo Trần Nhật Vy: “Những cuốn sách cũ cũng giống như cuộc đời của chúng ta. Có những thứ bây giờ đổi mới rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn nhớ về kỷ niệm xa xưa nào đó, ở một nơi nào đó. Đam mê sách cũ thì ít tốn kém, không sợ bị lừa hàng giả như chơi đồ cổ. Chơi sách cũ an toàn, lành mạnh hơn những thú vui khác”.

Trần Xuân Tiến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-sach-xua-hoi-sinh-106781.html