Chuyển sang quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gây bối rối cho bộ, ngành, địa phương?

Việc thay thế các quy hoạch ngành (27 quy hoạch ngành công thương phải bãi bỏ) bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý nhà nước đã được đặt ra tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực' sáng qua. Đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công thương đều cho rằng, việc chuyển sang quản lý bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã cho thấy một số vướng mắc, là nguyên nhân gây 'bối rối' cho bộ, ngành, địa phương.

Bỏ quy hoạch ngành có tác dụng tiêu cực?

Trong Báo cáo của Bộ Công thương về nội dung giám sát đã dành một mục báo cáo cụ thể về việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và xây dựng các chiến lược phát triển ngành để thay thế các quy hoạch được bãi bỏ trong công tác quy hoạch. Nguyên nhân do căn cứ Nghị quyết số 11/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Bộ Công thương đã bãi bỏ 27 quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 3 quy hoạch. Phần lớn các ngành này đều có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm, nên để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 3262/2018 về Lộ trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành công thương đến năm 2025. Đến nay, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công thương đã ban hành được 67 quy chuẩn Việt Nam cho các lĩnh vực chủ yếu.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công thương cũng nêu rõ, việc thay thế các quy hoạch bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý nhà nước còn bất cập. Thực tế trong quá trình xây dựng hoặc hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đã cho thấy, phần lớn các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định cho các sản phẩm cụ thể, không mang tính điều tiết quản lý. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chỉ là một trong những tiêu chí trong xây dựng quy hoạch, không thể thay thế hoàn toàn cho quy hoạch. Bởi, quy hoạch không được xây dựng trên cơ sở dự báo, cân đối cung cầu, bố trí không gian phát triển hợp lý, vừa bảo đảm định hướng thu hút đầu tư, vừa bảo đảm quản lý nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực. Tất nhiên, để bảo đảm đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong bối cảnh một số quy hoạch phải bãi bỏ, Bộ đã triển khai xây dựng chiến lược phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Ghi nhận ý kiến từ Bộ Công thương, song câu hỏi mà Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, thành viên Đoàn giám sát, đặt ra, đó là: Việc bỏ 27 quy hoạch ngành thực sự chỉ có tác dụng tiêu cực hay không? Dẫn chứng từ tác động của việc bỏ Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu, ông Phan Đức Hiếu cho biết, các đại lý đánh giá rất tốt khi bỏ quy hoạch ngành này, vì đã tạo điều kiện cho mỗi đại lý xăng dầu có thể cạnh tranh công bằng với đối thủ, và cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ, chứ không cần đợi đưa vào quy hoạch, thậm chí còn giúp người tiêu dùng được hưởng lợi hơn. Song, ông Phan Đức Hiếu cũng lưu ý, một số quy hoạch cũ không áp dụng chuyển tiếp dù tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, nhưng nếu kéo dài thời gian chuyển tiếp sẽ có nguy cơ gây trì trệ cho kinh doanh.

Từ thực tế triển khai thực hiện quy định của Luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết, việc bỏ quy hoạch ngành thép kịp thời đã giúp nước ta không bị rơi vào vụ kiện bán phá giá thép, mà trường hợp nếu bị kiện sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến ngành sản xuất này.

Cũng với cái nhìn từ thực tế, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công thương lại cho rằng, việc bãi bỏ quy hoạch ngành thép đã dẫn tới... không có công cụ quản lý. Trong khi đó, các dự án đầu tư sản xuất thép chủ yếu nằm ở gần cảng biển, liên quan đến sử dụng đất, có ảnh hưởng nhất định đến môi trường quanh khu vực đặt nhà máy cũng như đời sống của người dân ở khu vực lân cận. Và, "do không có công cụ quản lý Nhà nước với sản xuất thép nên các địa phương bối rối, bộ quản lý ngành cũng bối rối"...

Các đại biểu tại cuộc làm việc sáng 2.3

Các đại biểu tại cuộc làm việc sáng 2.3

Ảnh: Trung Thành

Cần chuẩn hóa số liệu

Giải trình với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tiến độ xây dựng 4 quy hoạch ngành quốc gia được giao cho Bộ Công thương lập chậm trễ có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân thừa nhận, có nguyên nhân do năng lực, trình độ thực hiện, nhất là khi những quy hoạch ngành quốc gia giao Bộ Công thương lập đều là quy hoạch chuyên sâu, phức tạp, đầy tính kỹ thuật, thậm chí phải bảo đảm yêu cầu dự báo.

Đối với việc bãi bỏ 27 quy hoạch ngành công thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, thực chất đây là chuyển sang công cụ quản lý khác, từ quy hoạch bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chiến lược phát triển lĩnh vực. Ngành công thương hiện đã có đầy đủ chiến lược để định hướng phát triển các lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt những chiến lược phát triển công nghiệp, thương mại đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và “tới đây sẽ bổ sung thông tin nêu trên vào báo cáo để Đoàn giám sát hiểu rõ tình hình”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Bên cạnh việc bổ sung thông tin về công cụ quản lý các lĩnh vực trong ngành công thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, dù Bộ Công thương đã là Bộ thứ ba Đoàn giám sát làm việc trong tuần này, nhưng vẫn thấy có tình trạng số liệu chưa được chuẩn hóa. Điều này khiến các thành viên Đoàn giám sát khó có thể đưa ra nhận định, đánh giá báo cáo của bộ, ngành đã đạt yêu cầu hay chưa, cũng như kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quy hoạch như thế nào. Nhiệm vụ của các Đoàn giám sát của Quốc hội là "vẽ" nên hai "bức tranh" về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nội dung giám sát và kết quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, “bức tranh về chất lượng chính sách, pháp luật đã khó đánh giá, thì bức tranh về kết quả triển khai thực hiện càng khó đánh giá hơn khi cơ sở dữ liệu chưa được chuẩn hóa”. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không chỉ với Bộ Công thương, mà các bộ, ngành có liên quan đều cần xác định rõ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu không chỉ quan trọng, mà là công việc chủ yếu, bởi, số liệu là "linh hồn", mà nếu số liệu không chính xác sẽ dẫn tới những đánh giá, nhận định không chính xác. Những đề xuất, kiến nghị về chính sách, pháp luật cũng theo đó mà khó đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. “Đây là việc khó nhưng mong Bộ Công thương, cũng như đại diện các bộ, ngành tham gia buổi làm việc này phải chuẩn hóa số liệu...", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-sang-quan-ly-bang-tieu-chuan-quy-chuan-ky-thuat-gay-boi-roi-cho-bo-nganh-dia-phuong-bv75iazhp0-80461