Chuyện sinh kế vùng nông thôn và những cánh tay nâng

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm cao của hộ dân vượt khó, thoát nghèo. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm đó, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã triển khai và thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm số hội viên nghèo, cận nghèo, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Kỳ 2: Giải quyết việc làm lao động nhàn rỗi

Hiện nay, các sản phẩm thủ công được nhiều người ưa chuộng, trong đó có sản phẩm đan đát từ nguyên liệu lục bình, năn tượng. Thấy được hiệu quả từ nghề đan đát mang lại, Hội LHPN thị xã Ngã Năm đã tập hợp hội viên, chị em có tay nghề và phối hợp với cơ sở dạy nghề cùng các dự án hỗ trợ sinh kế mở lớp dạy nghề đan đát miễn phí cho hội viên, nhất là chị em có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp hội viên, phụ nữ có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Dạy nghề miễn phí cho hội viên, phụ nữ

Hằng năm, Hội LHPN thị xã Ngã Năm đều phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm mở lớp dạy nghề đan lục bình, đan năn tượng theo nhu cầu chị em phụ nữ. Các lớp đều được tổ chức không thu học phí mà còn hỗ trợ 30.000 đồng/ngày/người trong suốt thời gian học nên chị em phụ nữ rất tích cực tham gia. Thời gian học ngắn, chỉ cần vài ngày là các chị có thể làm được sản phẩm.

Nhờ có nghề đan lục bình mà nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: NGỌC HẢI

Nhờ có nghề đan lục bình mà nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: NGỌC HẢI

Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ngã Năm Tiền Thị Thu Trang thông tin:

Trên địa bàn thị xã Ngã Năm có 2 hợp tác xã: Hợp tác xã Đan đát lục bình Hương Liên ở xã Mỹ Bình; Hợp tác xã MCF ở xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm hoạt động rất hiệu quả, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho trên 750 lao động, trong đó có nhiều hội viên, phụ nữ. Với lợi thế đó, các cơ sở hội đã tập hợp chị em tham gia học nghề, nghề truyền nghề, có khi 1 chị học về dạy lại cho các thành viên trong gia đình nên số lượng biết đan đát ngày càng nhiều. Đến nay trên địa bàn thị xã có khoảng 600 thợ đan năn tượng, 250 thợ đan lục bình nhận hàng gia công thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng/tháng/chị.

Chị Trần Thị Chanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Bình thông tin: "Năm 2024 có 2 lớp dạy nghề đan năn tượng và đan lục bình được mở tại xã. Lớp rất đông, từ 25 - 30 học viên là hội viên, phụ nữ. Phần lớn chị em có nhu cầu học các lớp đan đát vì học xong các chị em dễ kiếm thu nhập hơn. Ngoài giờ đưa rước con đi học, cơm nước trong gia đình, thời gian rảnh rỗi, ngồi đan sản phẩm là có thêm từ 70.000 - 100.000 đồng/ngày. Người lành nghề kiếm hơn 120.000 đồng".

Hình thành xóm đan đát nhộn nhịp

Thị xã Ngã Năm có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Đây là điều kiện thuận lợi để cây lục bình ngày càng sinh sôi, phát triển tốt. Nhiều hộ dân sống ven sông dùng cây cặm, căng lưới để rào cây lục bình, làm nguồn nguyên liệu chính cho công việc đan đát.

Nghề đan lục bình được hình thành gần 20 năm ở thị xã Ngã Năm qua, khởi đầu thực hiện tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới. Dọc hai bên đường ở ấp, lục bình phơi dày, hầu như nhà nào cũng có một hoặc vài người cặm cụi đan từng cọng lục bình phơi khô. Tranh thủ giờ rảnh sau khi ăn cơm xong, chị Huỳnh Thị Miễn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa ngồi trong nhà khéo léo đan cái giỏ, rồi vui vẻ kể quá trình chị bén duyên với công việc này.

Trước đây, vợ chồng tôi có sắm cái ghe mua lá dừa nước về bán lại. Nghề này cực lắm, đi xa rồi đốn lá xong phải chằm lá mới bán được. Rồi nghề đan giỏ lục bình phát triển, tôi theo học, thấy thu nhập ổn định, tôi không đi bán lá nữa. So ra thì công việc đan đát không cực khổ, đầu ra sản phẩm mình làm rất ổn định. Giờ bình quân mỗi ngày tôi kiếm được 100.000 đồng, thời gian nào hàng gấp, tập trung làm, mỗi ngày được 150.000 đồng.

Chị Huỳnh Thị Miễn chia sẻ.

Người dân ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) phơi lục bình đầy bên đường. Ảnh: NGỌC HẢI

Người dân ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) phơi lục bình đầy bên đường. Ảnh: NGỌC HẢI

Ngồi tiếp khách trong căn nhà khang trang được xây dựng hơn 300 triệu đồng, chị Miễn khoe, cái nhà này xây dựng được phần cũng nhờ chị có nghề đan lục bình. Chị còn đi dạy nghề trên địa bàn thị xã Ngã Năm, cứ dạy 2 tuần, chị được trả 4,5 triệu đồng, tính đến nay chị đã dạy được 10 lớp. Theo chị Miễn, nghề này không khó học, tiếp cận vài ngày là biết đan sản phẩm cơ bản. Có người học xong về dạy lại cả nhà cùng làm, có nhà có 4 - 5 người đan lục bình. Ngoài ra, người dân còn có thêm thu nhập từ nghề cắt cọng lục bình. Người thạo nghề, mỗi ngày kiếm 100.000 đồng là chuyện bình thường.

Còn tại xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm), nhờ có Hợp tác xã MCF thu mua sản phẩm đan năn tượng, hàng trăm lao động nông nhàn nói chung và hội viên, phụ nữ ở xã nói riêng có thu nhập ổn định. Nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo tìm được việc làm tại địa phương, không còn nghĩ đến chuyện "tha hương cầu thực" nữa.

Nghề đan đát không kén người, lao động ở lứa tuổi nào cũng làm được. Chính điều đó đã giải quyết được việc làm cho những lao động nhàn rỗi ở địa phương như: phụ nữ, người cao tuổi… Từ kết quả đạt được, thời gian tới Hội LHPN thị xã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, hướng đến những ngành nghề khi kết thúc khóa học có việc làm, thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, hội còn nâng chất phong trào phụ nữ giúp nhau sáng tạo khởi nghiệp phát triển kinh tế, phụ nữ làm kinh tế giỏi. Đây còn là “địa chỉ” làm việc cho hội viên, phụ nữ và người dân.

NGỌC HẢI

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/202412/chuyen-sinh-ke-vung-nong-thon-va-nhung-canh-tay-nang-0483c71/