Chuyển tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông, cần chuẩn bị gì?

Ngày 1/10/2024 khi Nghị định Quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ có hiệu lực. Từ nay đến trước ngày 1/10/2025, tức là trong vòng 1 năm, chủ phương tiện phải chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.

Với hơn 5 triệu phương tiện hiện nay, để chuyển tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cần chuẩn bị những gì?

Theo quy định, tài khoản giao thông là tài khoản không có tiền, chỉ bao gồm các thông tin để xác định đối tượng thanh toán, xác định số tiền phải thanh toán. Để thực hiện thanh toán, tài khoản giao thông phải được kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhiều tài xế bày tỏ băn khoăn, để chuyển tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cần chuẩn bị những gì? (Ảnh minh họa: VGP)

Nhiều tài xế bày tỏ băn khoăn, để chuyển tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cần chuẩn bị những gì? (Ảnh minh họa: VGP)

Anh Đoàn Đức Thành, một tài xế lái xe dịch vụ cho hay, anh thường xuyên đi qua các trạm thu phí và ra vào các điểm đỗ xe nên trước thông tin người dân sẽ chỉ dùng một tài khoản giao thông để thanh toán các loại phí, giá đường bộ, anh thấy rất tiện lợi:

“Nó đem lại nhiều lợi ích, công khai minh bạch giá vé, đi qua là họ tự động tính phí cho mình thì rất thuận tiện, rút ngắn thời gian dừng chờ và nó cũng bớt đi công sức phải chuẩn bị tiền mặt để thanh toán”.

Tuy vậy, anh Thành và nhiều tài xế khác cũng bày tỏ băn khoăn về sẽ triển khai như thế nào:

"Mình chưa hiểu là các điểm đỗ xe họ sẽ làm thế nào vì hiện thí điểm nhưng còn đang gặp nhiều khó khăn. Còn chuẩn hóa về một tài khoản giao thông không có gì khó khăn với tài xế cả”.

“Cái việc kết nối giữa tài khoản cá nhân và tài khoản thanh toán dịch vụ giao thông sẽ được thực hiện thế nào, việc sử dụng ứng dụng mới thì đi kèm lợi ích và nghĩa vụ ra sao?”.

“Sự đồng bộ của hệ thống hạ tầng thế nào khi có điểm thì thu bằng tài khoản giao thông điện tử, có điểm thì lại không thu và sẽ phải sử dụng nhiều hình thức thanh toán”.

Để hình thức thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông triển khai hiệu quả, theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình cần đảm bảo môi trường cạnh tranh:

“Cần có một sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ để nếu một nhà cung cấp không đảm bảo được chất lượng thì người dân hay chủ phương tiện có thể có một nhà cung cấp khác để lựa chọn. Yếu tố cạnh tranh sẽ đảm bảo được chất lượng dịch vụ, đảm bảo cơ sở hạ tầng đáp ứng đúng yêu cầu”.

Các chủ phương tiện có một năm từ nay đến 1/10/2025 để chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán. Từ nay đến đó, theo TS Lê Xuân Trường, giảng viên Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải, còn rất nhiều việc cần làm:

“Đầu tiên là cần hành lang pháp lý, hiện nay mới có Nghị định 119 dành cho đường bộ, ngoài ra còn cần các quy định để áp dụng ở các khu vực như sân bay, cảng biển; cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các thiết thiết bị lắp đặt tại các điểm thu phí, rồi hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phải đảm bảo an toàn cho tài khoản ngân hàng và tài khoản thanh toán của khách hàng”.

Nói về quá trình chuẩn bị thực hiện thanh toán điện tử trong giao thông, ông Lê Quang Hưng, giám đốc Kinh doanh, Công ty Thu phí tự động VETC cho hay, đơn vị đã và đang triển khai nhiều hoạt động để giúp khách hàng hiểu rõ về nghị định và điều kiện, điều khoản dịch vụ thay đổi. Do việc áp dụng thanh toán được mở rộng nên khách hàng cần thực hiện định danh tài khoản để đảm bảo an toàn thông tin:

“Về việc chuyển đổi, chúng tôi cũng phải đầu tiên là truyền thông cho khách hàng, để khách hàng biết họ sẽ được hưởng lợi như thế nào trong việc sắp tới. Chỉ có một điểm lưu ý là sắp tới theo tinh thần nghị định mới, việc thanh toán đó sẽ tương đương với việc thanh toán điện tử, khách hàng sẽ phải định danh để đảm bảo tính an toàn trong việc thanh toán. Việc định danh cũng giống như xác thực khách hàng giống như các hình thức thanh toán điện tử khác”.

Ông Cao Đình Ngân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Giao thông số (VDTC) cho hay, hiện nay, ví Viettel Money mà thẻ ePass đang sử dụng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về thanh toán xe qua trạm, cũng như thanh toán điện tử trong giao thông và sắp tới sẽ tăng khả năng liên kết.

“Chúng tôi cũng lên phương án liên kết với các cổng thanh toán khác để tăng sự lựa chọn cho người dùng, như qua thẻ tín dụng, trả sau. Thứ 2, nâng cấp hệ thống back-end để thực hiện kết nối và khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì sẽ phải làm xác thực thông tin về phương tiện theo đúng quy định của Nghị định 119. Ngoài ra còn một số công việc khác như thay đổi điều kiện bảo hành của thẻ, nâng cấp hệ thống để đáp ứng về đối soát, về chăm sóc khách hàng…”

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng các phương tiện giao thông đã được Bộ GTVT tham khảo các mô hình và bài học của các nước trên thế giới để rút ra kinh nghiệm áp dụng tại Việt Nam: “Bộ GTVT đang xây dựng kiến trúc tổng thể về giao thông thông minh, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, sẽ thống nhất các chuẩn dữ liệu và kết hợp các loại hình thanh toán của Ngân hàng Nhà nước như các loại thẻ để ứng dụng vào thanh toán dịch vụ giao thông để tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông”.

Ông Tùng cũng cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ lựa chọn lộ trình để áp dụng, tiếp cận với những giải pháp hiện đại, có tính tương lai nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, thói quen của người dùng Việt Nam.

Do việc áp dụng thanh toán được mở rộng nên khách hàng cần thực hiện định danh tài khoản để đảm bảo an toàn thông tin (Ảnh minh họa: Elcom)

Do việc áp dụng thanh toán được mở rộng nên khách hàng cần thực hiện định danh tài khoản để đảm bảo an toàn thông tin (Ảnh minh họa: Elcom)

Số liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, đến nay đã có hơn 5,6 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng, chiếm tới 97% lượng xe lưu thông. Diện mạo thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống giao thông đường bộ đã dần hình thành.

Tuy nhiên, để việc chuyển đổi và nâng cấp tài khoản thu phí thành tài khoản giao thông đi vào cuộc sống vẫn cần một cuộc “Chạy đua” hoàn thành các tiêu chí để thanh toán phí và vé đường bộ.

Các quyết định hiện nay mới chỉ cho phép thu phí đường bộ điện tử trên quốc lộ, cao tốc, giờ đây với Nghị định số 119 quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ sẽ tạo hành lang pháp lý để phát triển, mở rộng phạm vi thanh toán điện tử trong giao thông như trông giữ xe, thu phí sân bay, cảng biển, đăng kiểm...

Điểm thuận lợi là người dân đã hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt và ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với các hoạt động thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông. Tuy nhiên, với số lượng phương tiện lớn, phạm vi áp dụng được mở rộng, cơ sở hạ tầng kết nối yêu cầu cao hơn thì rất nhiều tiêu chí, điều kiện cần được cụ thể và hoàn thành gấp trong 1 năm tới đây.

Điểm đầu tiên cần có là hành lang pháp lý, Nghị định 119 chỉ áp dụng cho các phương tiện giao thông đường bộ, vì vậy cần bổ sung các quy định cụ thể khi mở rộng phạm vi thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí kiểm định… Theo nhận định của các chuyên gia, việc thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi cho các khu vực này, vấn đề là còn thiếu các quy định, hướng dẫn chi tiết hơn.

Vấn đề cần tính tới nữa là hệ thống tài khoản giao thông sẽ vận hành theo phương thức như thế nào, quy chuẩn ra sao. Nhiều ý kiến cho rằng, để đơn giản và thuận tiện cho người dân, không cần thiết phải tách bạch các tài khoản riêng, mà có thể gộp chung các tài khoản thanh toán như đưa về thanh toán qua ngân hàng. Hiện nay tại các quốc gia khác trên thế giới đều chuyển sang thu phí giao thông theo cơ chế liên thông hoặc sử dụng chính thẻ ngân hàng của người dân.

Tiếp theo là những tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé, các thiết bị đầu cuối lắp đặt tại các điểm thu phí. Về điều này, nhiều ý kiến mong muốn hệ thống được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn mở, không giới hạn về đơn vị cung cấp thẻ, thiết bị đầu đọc và nên được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, có thể sử dụng lại các sản phẩm thẻ, đầu đọc đã có sẵn thị trường, giúp rút ngắn được thời gian triển khai.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cần sớm triển khai xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ làm cơ sở triển khai thanh toán điện tử trong giao thông. Về phía các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ, cần nâng cấp, chuyển đổi hệ thống để thực hiện chuyển đổi từ tài khoản thu phí hiện nay thành tài khoản giao thông kết nối các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Nghị định mới.

Hiện nay, tại Hà Nội và TP.HCM đã thí điểm thanh toán điện tử trong trông giữ xe nội đô, thu phí đỗ xe tại các sân bay lớn. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số bất cập, do đó, khi dùng chung một tải khoản giao thông cho những dịch vụ này thì những hạn chế của quá trình thí điểm trước đó cần sớm khắc phục mới tạo điều kiện cho dịch vụ mới được triển khai nhanh chóng.

Về phía các chủ phương tiện trong thời gian tới cần phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để thực hiện thủ tục chuyển đổi tài khoản thu phí đang sử dụng, thành tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Và điều quan trọng với người dân là làm sao dịch vụ này vừa thuận tiện, vừa đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng.

Nguyễn Yên - Quách Đồng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-tai-khoan-thu-phi-sang-tai-khoan-giao-thong-can-chuan-bi-gi-post1126569.vov