Chuyến tàu Thống nhất - Hành trình xuyên Việt qua những dấu ấn lịch sử

Trên hành trình từ Bắc vào Nam bằng tàu Thống nhất, mỗi điểm đến đều mang tới cho Oliver Raw - công tác viên của tờ Nikkei Asia, sự mới mẻ và đầy cảm xúc dưới góc nhìn của một người ngoại quốc. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Chuyến tàu Thống Nhất từ Bắc vào Nam.

Chuyến tàu Thống Nhất từ Bắc vào Nam.

Thủ đô Hà Nội của Việt Nam luôn mang đậm dấu ấn tự hào dân tộc. Hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nụ cười hiền hậu xuất hiện ở khắp mọi nơi. Vào các dịp lễ lớn, trên toàn quốc, khắp các tuyến phố đều được trang hoàng bởi những lá cờ đỏ sao vàng, tạo nên một không gian trang nghiêm mà cũng đầy khí thế.

Tại Quảng trường Ba Đình – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945, các em học sinh đồng thanh hát bài “Bài ca Hồ Chí Minh”, một khúc hành ca mang âm hưởng hào hùng của quá khứ. Cách đó không xa, dòng người nối dài lặng lẽ tiến vào Lăng Chủ tịch để được chiêm ngưỡng chân dung của Người, vị lãnh tụ với mái tóc bạc và vóc dáng gầy gò đã ra đi vào năm 1969 mà chưa được chứng kiến trọn vẹn giấc mơ thống nhất đất nước.

Giang, hướng dẫn viên của tôi, chia sẻ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh được người dân ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc. Ngay từ thuở nhỏ, chúng tôi đã được học và lắng nghe nhiều câu chuyện cảm động về những hy sinh thầm lặng nhưng vĩ đại của Bác. Điều đó đã in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.”

Ông ngoại Giang từng là tham giá cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đầu ông hiện vẫn còn lưu lại một mảnh đạn. Giang kể ông không oán trách người Mỹ. Ngược lại, ông còn tự hào khi thấy cháu gái mình có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và làm công việc hướng dẫn viên du lịch. “Ông còn gọi tôi là công dân toàn cầu”, Giang chia sẻ.

Những lời của Giang khiến tôi nhìn nhận lại góc nhìn của chính mình về cuộc chiến tranh Việt Nam. Nửa thế kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, có lẽ không gì ý nghĩa hơn việc khám phá lịch sử của Việt Nam qua hành trình trên chuyến tàu Thống Nhất — tuyến đường sắt dài 1.700 km nối dài từ Hà Nội đến Tp. Hồ Chí Minh.

Trước tiên, tôi dành trọn một ngày để khám phá những biểu tượng lịch sử của Hà Nội: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cầu Long Biên và Nhà tù Hỏa Lò. Những hiện vật nơi đây đã thể hiện chân thực các hình thức tra tấn tàn khốc mà thực dân Pháp đã áp dụng với tù nhân chính trị. Bảo tàng cũng gây chú ý với loạt ảnh các phi công Mỹ bị bắt, trong đó có ảnh chàng thanh niên John McCain bị bắt sau khi máy bay bị bắn rơi năm 1967.

Ga Hà Nội.

Ga Hà Nội.

Hôm sau, tôi lên chuyến tàu lúc 15h30 vào TP. HCM. Rời ga Hà Nội, con tàu chậm rãi luồn qua con hẻm hẹp đầy quán cà phê, đây chính là con phố đường tàu vô cùng nổi tiếng trên mạng xã hội, sau đó tiến ra vùng ven đô. Trong suốt hành trình, con tàu nghiêng ngả và lắc lư liên tục trên những đoạn ray cũ kỹ.

Tuyến đường sắt do chính quyền Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với mục tiêu nối liền hai miền Nam – Bắc để phục vụ giao thương và kiểm soát. Trong chiến tranh, tuyến đường sắt trở thành huyết mạch tiếp tế cho lực lượng miền Bắc, đồng thời là mục tiêu không kích dữ dội của máy bay Mỹ. Sau ngày thống nhất năm 1975, tuyến đường sắt được khẩn trương khôi phục như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, với hơn 1.500 cây cầu và 150 nhà ga được sửa chữa chỉ trong hơn một năm.

Cách Hà Nội khoảng một giờ tàu, khung cảnh dần hiện ra trước mắt tôi với những cánh đồng lúa vàng óng. Khi màn đêm dần buông, dãy núi đá vôi Ninh Bình hiện lên mờ ảo trong bóng tối - đây là điểm dừng chân quen thuộc với du khách nước ngoài. Chuyến tàu vẫn tiếp tục lăn bánh trong đêm.

Trước khi hừng đông ló rạng, đoàn tàu âm thầm lướt qua vĩ tuyến 17 và không lâu sau đó, chúng tôi đặt chân đến Huế, điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình xuôi về phương Nam.

Huế có dáng vẻ hiện đại nhưng trầm lặng, đối lập hẳn nhịp sống sôi động của Hà Nội. Nơi đây từng là kinh đô thời triều Nguyễn, ghi dấu sự kiện năm 1862 khi vua Tự Đức ký hiệp ước nhượng đất cho Pháp.

Kinh Thành Huế.

Kinh Thành Huế.

Kinh thành Huế (nay là Di sản Thế giới do UNESCO công nhận) từng là cứ điểm của quân Giải phóng.Anh hướng dẫn viên Johnny cho biết: “Khoảng 80% nội cung bị phá hủy trong đợt phản công của Mỹ”. Công tác trùng tu vẫn đang được tiến hành, trong đó khu phòng riêng của Hoàng hậu vừa được khôi phục vào năm ngoái.

Từ Huế, chuyến tàu đưa tôi đến Đà Nẵng — thành phố lớn nhất miền Trung. Đoàn tàu uốn lượn qua những sườn đồi phủ kín dây leo, luồn mình qua hàng loạt đường hầm tối, rồi bất ngờ mở ra khung cảnh biển trời rực rỡ với những vịnh cát trắng hoang sơ và đảo đá nhỏ rải rác giữa làn nước xanh ngắt. Không lâu sau, đường chân trời Đà Nẵng hiện ra mờ ảo phía xa, thấp thoáng sau dải bờ biển uốn lượn.

Tháng 2/1965, hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, chính thức đánh dấu sự tham chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam (quân số sau đó lên tới 500.000 người). Chỉ sau vài năm, thị trấn ven biển nhanh chóng trở thành một căn cứ chiến lược, nơi xuất phát của các cuộc không kích dữ dội ra miền Bắc và chiến lược “tìm và diệt” một bộ phận chủ lực Quân giải phóng.

Đà Nẵng đã trở thành một thành phố hiện đại, sạch sẽ và phát triển nhanh với 1,2 triệu dân.

Đà Nẵng đã trở thành một thành phố hiện đại, sạch sẽ và phát triển nhanh với 1,2 triệu dân.

Sáu mươi năm sau, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố hiện đại, sạch sẽ và phát triển nhanh với 1,2 triệu dân. Bờ biển được quy hoạch hiện đại thu hút đông đảo du khách Hàn Quốc và Nga nhờ các quán bar, lounge và câu lạc bộ ven biển. Khó ai có thể hình dung nơi từng là tiền tuyến trong chiến tranh lại trở thành điểm du lịch sôi động.

Rời Đà Nẵng, hành trình tiếp tục với chuyến tàu dài 20 tiếng đến TP. HCM. Từ cửa sổ, tôi nhìn thấy con tàu len qua những triền đồi phủ cao su và bạch đàn, các làng quê với nhà ngói thấp thoáng giữa hàng dừa, cùng những nghĩa trang rực rỡ sắc màu.

Giới trẻ hưởng ứng trend “Việt Nam tôi yêu”, chụp ảnh trước Dinh Độc lập.

Giới trẻ hưởng ứng trend “Việt Nam tôi yêu”, chụp ảnh trước Dinh Độc lập.

Tàu đến ga Sài Gòn vào lúc sáng sớm. Nếu Hà Nội đã được coi là náo nhiệt, TP. HCM giống như phiên bản Hà Nội sau vài ly cà phê Việt thật đậm – nhộn nhịp và tấp nập suốt ngày đêm. Trong khi Hà Nội vẫn giữ được vẻ cổ kính với những biệt thự phong cách châu Âu và những con đường rợp bóng cây, TP. HCM đã chuyển mình thành một đô thị điển hình của Đông Nam Á: đông đúc, giao thông dày đặc và tràn đầy sức sống.

Năm 1973, người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa hai miền vẫn tiếp diễn. Hai năm sau, cuộc chiến kết thúc khi hai xe tăng của quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập ở Sài Gòn, giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất.

Trước Dinh Độc Lập, tôi thấy một cô gái trẻ trong tà áo dài tạo dáng chào trước ống kính, phía sau là người bạn đang giơ cao lá cờ Việt Nam. Những bạn trẻ kiên trì lặp lại từng động tác — xoay người, vẫy cờ, đưa tay chào — cho đến khi có được khoảnh khắc ưng ý nhất.

Tôi tò mò hỏi và được biết họ đang hưởng ứng một trend đang thịnh hành trên mạng xã hội Việt Nam mang tên “Việt Nam tôi yêu”. 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm kể từ khi Bản Tuyên độc lập được tuyên bố, tiếng vang của lịch sử dường như vẫn còn vọng lại trên những đường ray như một lời nhắc nhở về chặng đường mà đất nước Việt Nam đã đi qua.

(Theo Nikkei Asia)

Thanh Vân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-tau-thong-nhat-hanh-trinh-xuyen-viet-qua-nhung-dau-an-lich-su-312157.html