Chuyến thăm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp

Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội để cụ thể hóa các hoạt động, dự án hợp tác để quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước không chỉ ở trên câu chữ.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery hy vọng chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. (Ảnh: Thu Trang)

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery hy vọng chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. (Ảnh: Thu Trang)

Nhận lời mời của Thủ tướng Pháp Jean Castex, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-5/11.

Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm cũng như gợi mở về triển vọng mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Ông có đánh giá gì về chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023?

Chúng tôi vô cùng vui mừng và hân hạnh vì ngay sau Hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã chọn Pháp là quốc gia đầu tiên ở châu Âu để thực hiện chuyến thăm chính thức. Quyết định này thể hiện tầm quan trọng, vị thế của quan hệ song phương và khu vực của cả hai bên.

Pháp sẽ đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam với nghi thức lễ tân cấp cao. Cụ thể là Tổng thống, Thủ tướng và các lãnh đạo Thượng viện, Quốc hội Pháp sẽ đón, hội đàm, thảo luận với Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam về những vấn đề hai bên quan tâm.

Chuyến thăm lần này đặc biệt quan trọng vì là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang Pháp kể từ mùa Xuân năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cả Việt Nam và Pháp đều mong muốn, nhân chuyến thăm lần này sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Về phía Pháp, chúng tôi mong muốn đây là cơ hội để cụ thể hóa các chương trình hoạt động, dự án hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đang phát triển thế nào? Ông có thể nói về các điểm nhấn trong mối quan hệ này?

Việt Nam-Pháp đã có sự hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong ASEAN. Pháp rất vinh dự khi trở thành đối tác phát triển của ASEAN.

Cả Việt Nam và Pháp đều có mối quan hệ chiến lược và cách tiếp cận tương đồng trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Ví dụ như Pháp luôn ủng hộ Việt Nam trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông, không chỉ bằng lời nói mà cả hành động cụ thể.

Việt Nam là một nước nằm ở khu vực trung tâm Đông Nam Á, nói rộng hơn là khu vực trọng tâm của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại chung của các nước Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp.

Bên cạnh đó, hai nước chúng ta còn có quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực y tế và bảo vệ môi trường.

Về y tế, đây là lĩnh vực đã có bề dày truyền thống giữa Việt Nam và Pháp. Chúng tôi tự hào và vui mừng khi được đóng góp để duy trì và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác đó.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi phải đương đầu với thách thức, cả hai nước đã dành cho nhau những cử chỉ cao đẹp. Đó là những chiếc khẩu trang y tế mà Việt Nam dành tặng nhân dân Pháp năm ngoái, là những liều vaccine Covid-19 Pháp viện trợ cho Việt Nam năm nay.

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ thăm Viện Pasteur đầu tiên trên thế giới tại thủ đô Paris. Đây là nơi có mối liên hệ mật thiết với Việt Nam, vì Viện Pasteur thứ 2 được đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Viện Pasteur thứ 3 đặt tại Nha Trang.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ thăm một cơ sở công nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm ở ngoại ô Paris, là một tập đoàn có nhà máy đặt tại TP. Hồ Chí Minh.

Về môi trường, dự kiến, trong chuyến thăm sắp tới, Thủ tướng Việt Nam sẽ ký kết ít nhất 4 khoản viện trợ cho vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) liên quan đến vấn đề môi trường. Đó là dự án mở rộng đập thủy điện Hòa Bình; dự án liên quan đến chống ngập úng tại Điện Biên Phủ; dự án liên quan đến việc kết nối mạng điện lưới quốc gia của các trạm phát điện từ nguồn điện tái tạo...

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng trao vật tư y tế hỗ trợ cho Chính phủ và nhân dân Pháp tháng 4/2020. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng trao vật tư y tế hỗ trợ cho Chính phủ và nhân dân Pháp tháng 4/2020. (Ảnh: Tuấn Anh)

Vậy đâu là những lĩnh vực “gạch đầu dòng” mà hai nước đang quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới?

Trước hết về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, trong hơn 20 năm nay, các chương trình hoạt động đa dạng của Viện Pháp tại Hà Nội đã góp phần quảng bá văn hóa Pháp và hòa chung vào các hoạt động văn hóa phong phú của Thủ đô. Một trong những điểm quan trọng liên quan đến Viện Pháp mà trong thời gian tới hai bên cần phải trao đổi là tìm ra địa điểm mới và Pháp mong muốn tìm địa điểm gần trung tâm Thủ đô để Viện Pháp duy trì hoạt động.

Về quản trị và lập pháp, với mong muốn cải thiện hoạt động của các cơ quan công quyền, Pháp sẽ đồng hành với Việt Nam trong quá trình số hóa các thủ tục hành chính, xây dựng cổng thông tin điện tử để người dân sử dụng dịch vụ công có thể tiếp cận.

Về nghiên cứu khoa học, nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học có uy tín của Pháp đã hiện diện ở Việt Nam từ lâu và có những nhóm cán bộ nghiên cứu Việt-Pháp đã hợp tác với nhau nhiều năm qua. Thời gian tới, hai bên kỳ vọng có sự đột phá trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đặc biệt là thông qua kí kết văn bản hợp tác 3 bên giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) với Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) và Tập đoàn Airbus.

Về giao lưu nhân dân, dịch Covid-19 đã khiến việc đi lại giữa hai nước gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh cải thiện, vấn đề này sẽ được khắc phục, du học sinh Việt Nam sang Pháp sẽ tăng trở lại. Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, hai bên dự kiến ký kết một văn kiện công nhận bằng cấp giữa hai nước. Đây là xung lực mới, tạo cú hích thúc đẩy nhiều du học sinh Việt Nam sang Pháp hơn nữa.

Về hợp tác phi tập trung, cụ thể là hợp tác giữa các địa phương Pháp với các tỉnh thành Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa,... Để tạo khuôn khổ cho hợp tác phi tập trung giữa hai nước, Hội nghị hợp tác phi tập trung sẽ được tổ chức 3 năm/lần và năm sau dự kiến sẽ tổ chức tại Hà Nội.

Về hợp tác kinh tế, dự kiến trong chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ đề cập việc triển khai Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).

Về mặt pháp lý, từ 1/8/2020, EVFTA đã có hiệu lực. Trong các cuộc gặp sắp tới, các lãnh đạo Pháp sẽ trao đổi với Thủ tướng Việt Nam về việc triển khai đầy đủ, trọn vẹn nhất các điều khoản, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trên cơ sở gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.

Ngoài ra, hai bên còn có thể thảo luận việc ký kết các dự án kinh tế quan trọng, trong đó có dự án Metro Hanoi.

Về lĩnh vực năng lượng, nhiều doanh nghiệp Pháp mong muốn tham gia dự án phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Ngoài ra hai bên có triển vọng xây dựng những dự án hướng tới phát triển bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, chống biến đổi khí hậu.

Tóm lại, chúng tôi coi Việt Nam là một Đối tác chiến lược không chỉ trên câu chữ mà còn trong hành động cụ thể. Vì vậy, chúng tôi mong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Việt Nam sang Pháp sẽ thúc đẩy hành động thiết thực hơn nữa cho quan hệ song phương. Chúng tôi hy vọng, lời hứa và cam kết của hai bên sẽ được thực hiện cụ thể, đồng thời mở ra một hướng hợp tác mới cho quan hệ song phương trong thời gian tới.

Ông thấy gì về nỗ lực tích cực, chủ động tham gia đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong thời gian qua?

Việt Nam sắp kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Có thể khẳng định, trong hai năm qua, Việt Nam đã hoạt động tích cực trong khuôn khổ này.

Đặc biệt năm ngoái là một thách thức với Việt Nam khi đồng thời đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ập đến. Mặc dù vậy, một loạt hoạt động, hội nghị quan trọng của ASEAN đã chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến mà vẫn hiệu quả, nhuần nhuyễn là một thành công lớn của Việt Nam.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cử Đoàn đại biểu cấp cao do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu. Điều này thể hiện sự trách nhiệm, chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Hy vọng rằng, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới sẽ cùng nhau đưa ra những tuyên bố tham vọng để hạn chế gia tăng nhiệt độ và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới sự phát triển kinh tế-xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson và Thủ tướng Pháp Jean Castex, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm, làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10-3/11, và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-5/11.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-tham-cu-the-hoa-moi-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-phap-163455.html