Chuyến thăm Mỹ mang nhiều cung bậc lợi ích của Thủ tướng Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đang có chuyến công du Mỹ kéo dài trong ba ngày. Theo lịch trình, hôm nay 7/2 (theo giờ Mỹ), tại Washington sẽ diễn ra hội đàm giữa Thủ tướng Ishiba và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu này, hai bên sẽ thảo luận về thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế, thuế quan... và đặt ra các định hướng, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.

Theo giới quan sát, đây được coi là chuyến công du nước ngoài quan trọng hàng đầu của nhà lãnh đạo Nhật Bản với nhiều cung bậc mục đích. Đồng thời, hàm chứa nhiều điểm nhấn và kỳ vọng của đất nước có nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt an ninh.

Thủ tướng Nhật Bản mong muốn tạo dựng mối quan hệ tin cậy với Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản mong muốn tạo dựng mối quan hệ tin cậy với Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters

Một cuộc gặp, ba điểm nhấn

Chính bản thân việc cuộc gặp này được tổ chức đã là một điểm nhấn quan trọng. Như đã biết, Nhật Bản từng 2 lần không thành công trong việc thu xếp một cuộc tiếp xúc giữa ông Ishiba và ông Trump từ trước khi ông Trump nhậm chức. Do đó, có thể nói, đây là hoạt động ngoại giao được mong đợi và thu hút sự quan tâm sâu sắc nhất của dư luận Nhật Bản kể từ khi ông Ishiba nhậm chức thủ tướng. Bởi vì, đối với Nhật Bản, mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ được coi là yếu tố sống còn về mặt an ninh quốc gia. Trong khi Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này có quân đội, tổ chức chiến tranh hoặc tham gia chiến tranh, Nhật Bản phải dựa vào Mỹ để tự vệ, kể cả trong trường hợp bị nước ngoài xâm lược.

Trong khi đó, ông Trump lại có một thái độ được coi là không rõ ràng của đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Nói là không rõ ràng bởi vì, trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump hầu như không đề cập vấn đề quan hệ với Nhật Bản, ngay cả khi thuyết trình về chính sách ngoại giao và an ninh. Tâm lý lo ngại của Nhật Bản về an ninh quốc gia là điều ai ai cũng thấy rõ, khi ngay bên cạnh những nước này là CHDCND Triều Tiên với hoạt động phát triển mạnh mẽ hạt nhân – tên lửa. Bối cảnh này lại càng khiến mọi giới của Nhật Bản chú ý hơn đến vấn đề liệu Chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump có bảo vệ Nhật Bản theo đúng tinh thần Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ hay không. Đây là điểm nhấn thứ hai của cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Mỹ lần này.

Điểm nhấn thứ ba là việc Thủ tướng Ishiba đặt mục tiêu “tạo lập một mối quan hệ tin cậy” giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước. Đây cũng là điểm rất quan trọng bởi vì, xét cho cùng, quan hệ giữa các quốc gia, bao gồm cả các nước lớn, cũng là quan hệ giữa con người với con người. Một cuộc gặp, ba điểm nhấn. Do đó, có thể nói, đối với Thủ tướng Ishiba, cuộc gặp lần này mang nhiều sắc màu mục đích và kịch bản cũng như kết quả của hội đàm đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi giới trong xã hội Nhật Bản.

Trọng tâm hợp tác kinh tế

Theo Thủ tướng Ishiba và Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hợp tác kinh tế song phương là một trong hai chủ đề quan trọng nhất của hội đàm lần này. Nhật Bản mong muốn hai bên cùng hướng đến mục tiêu mở rộng hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn... Tại kỳ họp Quốc hội Nhật Bản đang diễn ra tại Tokyo, Thủ tướng Ishiba đã nhấn mạnh mong muốn đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong các lĩnh vực nêu trên. Theo đó, hai Chính phủ sẽ phối hợp cả về mặt vĩ mô và vi mô.

Về vĩ mô sẽ là các chính sách lớn nhằm khuyến khích đầu tư - thương mại, tháo gỡ các nút thắt hiện nay... Còn vi mô sẽ là việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân hai nước làm sâu sắc thêm giao lưu, liên kết trong sản xuất - kinh doanh, lao động – việc làm, du lịch... Ông Ishiba cũng dự định sẽ giải thích với nhà lãnh đạo Mỹ về chính sách tạo việc làm của các công ty Nhật Bản tại Mỹ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, mấu chốt của vấn đề lại nằm ở chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời ông Donald Trump. Đây là điểm mà các nhà kinh tế, các doanh nghiệp, thậm chí cả các chính trị gia Nhật Bản đang tỏ một thái độ rất thận trọng, nếu như không nói là lo ngại.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thuộc Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), chính sách thuế của ông Trump được nhận định là sẽ làm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới giảm 0,3%, và đây chưa phải là con số thiệt hại cuối cùng. Các chuyên gia của JETRO cũng nhận định, mặc dù chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể giúp GDP của Nhật Bản tăng thêm 0,2% nhờ vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, tuy nhiên, trong bối cảnh GDP toàn thế giới giảm, đặc biệt khi một cuộc chiến thương mại “không có người thắng chỉ có kẻ thua” giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu bùng phát do các hành động trả đũa qua lại về mặt thuế quan, nền kinh tế đang đứng thứ tư thế giới này cũng sẽ bị những ảnh hưởng khó lường.

Xiết chặt quan hệ đồng minh

Ngoài kinh tế, việc thắt chặt quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ trong giai đoạn mới cũng là mục tiêu quan trọng của phía Nhật Bản. Về điều này, Ngoại trưởng Nhật Bản Iwaya Takeshi đã từng nhấn mạnh: “Nhật Bản mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ vì hòa bình, ổn định của thế giới và khu vực. Hai nhà lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi về mối quan hệ song phương trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi”. Cụ thể hơn nữa, trong quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ, nội hàm về tăng cường khả năng răn đe, ứng phó với mọi tình huống được coi là ưu tiên số một, nhằm đối phó với môi trường an ninh ngày càng trở nên khắc nghiệt trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, sau hội đàm, hai bên dự định đưa ra tuyên bố chung, trong đó sẽ xác định lại một số điểm then chốt của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ. Ngoài ra, nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cũng hé lộ một số nội dung chính của dự thảo Tuyên bố chung Nhật - Mỹ, trong đó có một số điểm đáng chú ý như: xác định liên minh Nhật - Mỹ là nền tảng của hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác an ninh song phương, tăng cường khả năng răng đe và ứng phó của liên minh Nhật - Mỹ. Nhật Bản cũng mong muốn đưa vào Tuyên bố chung này nội dung liên quan đến việc Mỹ xác nhận lại cam kết đối với an ninh - quốc phòng của Nhật Bản, và ngược lại, Nhật Bản cũng sẽ xác nhận lại cam kết tự tăng cường năng lực phòng vệ quốc gia.

Nhật Bản cũng sẽ đề xuất hai bên sớm tổ chức Hội nghị song phương giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng (2+2), nhằm triển khai các thỏa thuận đạt được tại hội đàm thượng đỉnh lần này. Ngoài ra, Tuyên bố chung dự kiến cũng sẽ bao gồm việc nâng cao khả năng chỉ huy và kiểm soát giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác kỹ thuật về thiết bị quốc phòng và di dời căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ tại Okinawa đến Nago... Nhìn chung, kỳ vọng của Nhật Bản là rất lớn và mọi trọng trách đang nằm trên vai của Thủ tướng Ishiba Shigeru.

Tuấn Nhật/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chuyen-tham-my-mang-nhieu-cung-bac-loi-ich-cua-thu-tuong-nhat-ban-post1153179.vov