Chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khiến phương Tây cảnh giác

Trong thời gian ở thăm Nga, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tới nhiều cơ sở quân sự. Chuyến thăm thể hiện mối quan hệ đặc biệt Nga - Triều Tiên hiện nay và nhận được sự theo dõi sát sao của phương Tây.

Hội đàm Nga - Triều Tiên với nội dung “đi vào thực chất”

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ nhau tại vùng Viễn Đông Nga vào hôm 13/9 và tham dự cuộc họp kéo dài tới 5 tiếng đồng hồ ở sân bay vũ trụ Vostochny mà trong đó, theo lời ông Putin, ông Kim bày tỏ sự “quan tâm lớn” - Triều Tiên coi công nghệ vũ trụ là một ưu tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu duyệt đội danh dự của quân đội Nga trong thời gian ông Kim thăm Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu duyệt đội danh dự của quân đội Nga trong thời gian ông Kim thăm Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Ông Kim đưa ra sự ủng hộ cho Tổng thống Putin sau các cuộc hội đàm. Ông nói: “Tôi sẽ luôn sát cánh với nước Nga”. Có vẻ ông Kim vẫn ủng hộ Moscow trong xung đột vũ trang với Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Putin mô tả cuộc trao đổi với Chủ tịch Kim là “rất thực chất”.

Cuộc họp thượng đỉnh này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ cảnh báo từ trước đó rằng đàm phán về vũ khí đang tích cực tiến triển giữa Nga và Triều Tiên.

Chưa có thỏa thuận nào được công bố sau hội đàm Nga - Triều Tiên, còn phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov cho hay, hai nhà lãnh đạo không ký bất cứ thỏa thuận nào trong quá trình hội đàm.

Nhưng việc ông Putin và ông Kim nói chuyện trực tiếp với nhau là tín hiệu phản ánh mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa hai nước - hai quốc gia hiện cùng đối mặt với sự cô lập của phương Tây (với Nga là do liên quan đến xung đột Ukraine, còn với Triều Tiên là do chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo).

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) bên trong buồng lái một máy bay tại một nhà máy sản xuất máy bay của Nga ở thành phố “Komsomolsk trên sông Amur” hôm 15/9/2023. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) bên trong buồng lái một máy bay tại một nhà máy sản xuất máy bay của Nga ở thành phố “Komsomolsk trên sông Amur” hôm 15/9/2023. Ảnh: KCNA.

Ông Kim quan tâm khía cạnh quân sự, phương Tây cảnh giác cao độ

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, ông Kim “ấn tượng sâu sắc” về ngành công nghiệp sản xuất máy bay của Nga sau chuyến thăm nhà mày hàng không Yuri Gagarin tại thành phố “Komsomolsk trên sông Amur” vào hôm 15/9. Chủ tịch Kim đã thăm nhiều cơ sở tại nhà máy này, bao gồm một xưởng lắp rắp thân máy bay tiêm kích và một xưởng sản xuất cánh máy bay.

Hôm 16/9, ông Kim xem xét kỹ các máy bay chiến đấu của Nga, tham quan một sân bay cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và lên thăm một tàu hộ vệ thuộc hạm đội Thái Bình Dương với sự hộ tống của Tổng tư lệnh hải quân Nga.

KCNA đưa tin, nhà lãnh đạo Kim và ông Shoigu đã thảo luận hợp tác quân sự “giữa lực lượng vũ trang hai nước và trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh của hai bên”.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Ukraine, Mỹ và các nước châu Âu đặc biệt dõi theo chuyến thăm trên với sự cảnh giác cao độ. Một số nước còn phát đi cảnh báo về khả năng Nga và Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.

Hiện không có thông tin chi tiết về các cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga - Triều Tiên do các sự kiện được tiến hành kín.

Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng điều mỗi bên mong muốn từ nhau là rõ ràng: Có khả năng Nga mong muốn được cung cấp thêm đạn dược, đặc biệt là đạn pháo để sử dụng trong xung đột vũ trang với Ukraine. Hiện Triều Tiên dược cho là sở hữu rất nhiều đạn pháo. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đứng trước khả năng đạt được một thỏa thuận với Moscow để tiếp nhận công nghệ tên lửa mà họ đang rất cần để phục vụ chương trình hạt nhân.

Món quà đặc biệt dành cho lãnh đạo Kim Jong Un

Khi kết thúc chuyến thăm Nga, ông Kim được nhận món quà chia tay là một áo giáp chống đạn và một số máy bay không người lái (UAV).

Hôm 17/9, ông Kim rời khỏi thành phố Vladivostok để trở về Bình Nhưỡng trên chuyến tàu hỏa bọc thép sau một đại lễ chia tay, theo truyền thông nhà nước Nga và Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đi hơn 4.000km qua miền Đông Nga và được trải thảm đỏ đón tiếp trong hầu hết các chuyến thăm, chủ yếu là tới các địa điểm quân sự.

Triều Tiên đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt hà khắc và thiếu thốn nhiều thứ từ năng lượng đến lương thực.

Hãng tin Nga TASS cho hay: “Đây là áo giáp với các vùng bảo vệ cho ngực, vai, họng và háng; áo giáp này nhẹ hơn nhiều so với các loại giáp đồng dạng”.

Ông Kim cũng được tặng 5 UAV tấn công sản xuất trong cùng khu vực cũng như 1 UAV trinh sát Geranium-25, vẫn theo TASS. Ngoài ra, ông còn được tặng thêm một bộ áo đặc biệt có khả năng tàng hình trước các loại camera hình ảnh nhiệt.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chuyen-tham-nga-cua-nha-lanh-dao-trieu-tien-kim-jong-un-khien-phuong-tay-canh-giac-post1046711.vov