Chuyện Thăng Long đệ nhất vợt gặp cao thủ Sài Gòn tranh giải đủ mua két bia
Quần vợt Việt Nam trong những thập niên trước không phải thiếu tài năng, nhưng vì điều kiện nghèo khó của đất nước trong thời gian đó nên nhiều tài năng không có cơ hội tốt để phát triển.
Thập kỷ 1980, dù đã ngoài 50 tuổi nhưng ông Võ Văn Bảy vẫn thi đấu, nhiều tay vợt trẻ nói vui “cậu Bảy mà còn đứng trên sân là tụi con còn xếp phía sau dài dài”. Thật ra vào năm 1977, ở giải vô địch quần vợt toàn TP.HCM lần thứ nhất, đã có nhà vô địch mới là Đinh Quốc Tuấn, 23 tuổi. Tuấn thắng ông Bảy, năm đó 46 tuổi, tức gấp đôi tuổi Tuấn, trong trận chung kết ở sân Hồ Xuân Hương. Tuy chỉ là giải vô địch toàn TP.HCM nhưng không khác nào là giải vô địch Việt Nam vì đến 1980 mới có giải vô địch toàn quốc lần thứ nhất, đồng thời vào thời điểm 1977, giải toàn thành này đã quy tụ tất cả những tay vợt hàng đầu Việt Nam.
Nhà báo Chánh Trinh từng nhận xét về Đinh Quốc Tuấn như sau: “Anh tỏ ra có nhiều tiến bộ trên cả hai mặt kỹ thuật và phong cách. Về kỹ thuật, Tuấn đã đạt lối đánh của một nhà vô địch: giao bóng tốt, tạt mặt và trái đều mạnh, bóng đi nhanh chuẩn bị tốt cho lối chơi trên lưới mau lẹ của anh, bắt bóng ngang, bóng cao và đập bóng “xì mách” rất chính xác và sấm sét. Tuấn đã có đủ các điều kiện kỹ thuật giúp anh bước lên đẳng cấp cao quốc tế. Tác phong trên sân của anh cũng đổi đi rất nhiều, mỗi ngày có nhiều khán giả yêu mến anh hơn. Nếu biết làm chủ mình và gây tạo cho mình một tinh thần thể thao chuyên nghiệp, tương lai rực sáng sẽ rộng mở trên con đường đi tới của anh”. Làng banh nỉ Việt Nam hy vọng đã có người kế thừa huyền thoại Võ Văn Bảy. Thế nhưng, hy vọng của người hâm mộ quần vợt không thể thành hiện thực. Năm 1978, Đinh Quốc Tuấn đã tìm cách vượt biên và số phận nghiệt ngã đã khiến ông mãi mãi yên nghỉ trong lòng đại dương.
Giải vô địch quần vợt toàn quốc lần thứ nhất sau ngày đất nước thống nhất diễn ra ở Nha Trang vào năm 1980 và nhà vô địch đơn nam vẫn là “lão tướng” Võ Văn Bảy. Năm 1981 không tổ chức và sau đó ông Bảy tiếp tục bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Việt Nam trong hai năm 1982, 1983 cho đến năm 1984, khi giải toàn quốc được tổ chức ở Minh Hải, thì ông Bảy thua ở trận chung kết trước tay vợt 21 tuổi đến từ Hà Nội: Nguyễn Hữu Hòa.
Trước đó, ông Hòa đã thua ông Bảy vài lần, và bây giờ, 35 năm sau khi nhớ lại trận thắng ông Bảy 2-1 để lần đầu tiên có được danh hiệu vô địch Việt Nam và cũng là lần duy nhất ông Hòa nói rất đơn giản: “Tôi vui thế thôi, có thể lúc đó tôi còn trẻ, phong độ đang phát triển, còn chú Bảy lớn tuổi rồi, nên phong độ đang đi xuống mà lớn tuổi thì xuống nhanh lắm. Hơn nữa có một chi tiết này rất là thuận lợi cho tôi, đó là trận đấu diễn ra vào buổi chiều tối, mà đèn lúc đó không đủ sáng, đâu có phải đèn sáng trắng như bây giờ, nên chú Bảy khi đánh ngoài 50 tuổi gặp bất lợi rất nhiều do phải thi đấu trong điều kiện thiếu ánh sáng. Sau giải này, chú Bảy giải nghệ khi không thi đấu ở các giải vô địch quốc gia nữa”. Ông Hòa tôn trọng ông Bảy tuyệt đối.
Nói về mình, ông Hòa cho biết năm 1972, khi chín tuổi ông bắt đầu đến với quần vợt bởi ông bố dẫn dắt. Bố ông Hòa, ông Nguyễn Hữu Xuân từng là danh vợt miền Bắc, được nhà nước giao cho quản lý hai sân quần vợt ở khu Khúc Hạo (Hà Nội), đây là thuận lợi với ông Hòa. Quần vợt Hà Nội thiếu thốn trăm bề từ sân bãi, trang thiết bị cho đến người chơi bình thường chứ đừng nói là số lượng tay vợt đánh giỏi, Khi ông Xuân dạy quần vợt cho những người nước ngoài nên ông Hòa có điều kiện tiếp xúc và có bóng, vợt, giày... để tập luyện và thi đấu.
Nói ra không ai ngờ, đội tuyển Hà Nội lúc đó thực chất chỉ có một vận động viên là Nguyễn Hữu Hòa. Người thứ hai khoác áo đội tuyển Hà Nội là ông Giao vốn lớn tuổi, chỉ kém ông Võ Văn Bảy vài tuổi và là người của Bộ giáo dục. Nhưng do Hà Nội và Bộ giáo dục, mỗi đơn vị chỉ có một tay vợt đại diện, nên hai đội ghép lại.
Giải lần một năm 1980, Hòa thắng Nghê Phát Đạt trong trận tranh hạng ba. Trước những lần tham gia giải vô địch quốc gia, Hòa gần như có hai tháng luyện tập ở TP.HCM để chuẩn bị giải vì Hà Nội không có đối tượng tập luyện. Nói tập luyện cũng đúng, mà cũng không đúng. Thật ra Hòa vào thành phố ở nhà người quen rồi xách vợt đi đánh độ khắp nơi, vì Hòa có đi theo đoàn nào đâu, và có vận động viên nào của thành phố tập luyện hay thi đấu với Hòa. Đánh độ là cách duy nhất để tập luyện và rèn tâm lý với Hòa trong hoàn cảnh ngày ấy.
Nguyễn Hữu Hòa sau đó có thêm hai lần vô địch giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc, được đại diện Việt Nam thi đấu Giải sinh viên thế giới tại Kobe (Nhật Bản) vào giữa thập niên 1980. Đến năm 1990, do bất đồng với Sở thể dục thể thao Hà Nội nên ông không thi đấu nữa. Năm 1994, ông đầu quân cho Quân khu 7 rồi giải nghệ và hiện nay vẫn sống bằng quần vợt, không phải qua đường dạy quần vợt, mà kinh doanh cho thuê hai sân quần vợt ở Hà Đông.
Với Hòa, kỷ niệm đáng nhớ nhất và cũng là vui nhất khi thắng được “huyền thoại” Võ Văn Bảy, đó là trận thắng mà ông nói “không thể tưởng tượng được”. Phần thưởng cho danh hiệu vô địch đầu tiên này, ngoài bức tranh sơn mài phong cảnh miền Tây, tiền mặt chỉ có 25.000 đồng, số tiền vừa đủ để mua hơn một két bia liên hoan cùng mọi người.
trích “100 năm quần vợt Việt Nam: Một thời vàng son, Một thời trăn trở” của Đặng Hoàng – Đinh Hiệp vừa ra mắt bạn đọc ngày 28.7.2019