Chuyện thời sự: Sáng kiến giải quyết vấn nạn nan giải

Ý tưởng, sáng kiến ấy có tên là 'Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông đường bộ ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để không ùn tắc'.

- Chào ông bạn đọc thân mến, hôm nay ông có chuyện gì hay để “luận đàm thế sự” với Bàn Dân không?

- Có chứ, tôi mới vừa biết được một tin cực hay về một ý tưởng mới nghe qua có vẻ như rất nghịch lý, nhưng đã được ứng dụng thí điểm như một giải pháp bảo đảm an toàn giao thông ở nhiều nơi thường xuyên ùn tắc giao thông đem lại hiệu quả rõ rệt.

Ý tưởng, sáng kiến ấy có tên là “Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông đường bộ ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để không ùn tắc”. Giải pháp này vừa được trao giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng, sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam 2022-2023” do Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tổ chức hôm 9.11.2023 tại Hà Nội.

- À, giải pháp ấy có cái tên “độc đáo” quá đi chứ! Nhưng nếu phải bỏ đi hết hệ thống đèn tín hiệu giao thông chẳng phải là làm… tăng nguy cơ tai nạn giao thông trên các tuyến đường hay sao?

- Tôi tìm hiểu thông tin về giải pháp ấy thì nhận thấy nội dung của nó không hẳn là “bỏ hết đèn đỏ” mà chỉ bỏ, hoặc chỉ điều chỉnh thời gian bật đèn màu phù hợp mật độ lưu thông thực tế, kết hợp với tổ chức phân luồng lại giao thông ở những giao lộ thường xảy ra ùn tắc giao thông…

- Ông nói hơi bị khó hiểu đó nghen?!

- Thật ra vấn đề bảo đảm an toàn trong thời kỳ tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đâu phải là chuyện đơn giản mà chỉ nói đôi ba lời là đủ hiểu được ông.

Ông làm nghề theo dõi, phản ánh thông tin thời sự chắc ông cũng quá biết tình hình tai nạn giao thông nhiều năm qua luôn là chuyện nhức nhối, đau đầu của toàn xã hội.

Vì thế mà yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông luôn được đặt lên hàng đầu trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các địa phương trong nước ta. Chẳng hạn như đối với giải pháp vừa đoạt giải cuộc thi “Ý tưởng, sáng kiến an toàn giao thông 2022-2023” tôi vừa đề cập đó, mục đích yêu cầu của nó là để khắc phục và đáp ứng tình trạng phương tiện tăng nhanh mà đường vẫn không tắc.

Theo tác giả của sáng kiến thì giải pháp kịp thời, hiệu quả và phù hợp với thực tế hiện nay cũng như lâu dài là: Không sử dụng đèn đỏ ở các nút giao tại phần lớn các tuyến đường và tổ chức phân luồng lại cho phương tiện, nhằm đạt được mục đích là để phương tiện tham gia được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, do đó lưu thông không bị ùn ứ và như vậy lượng phương tiện sẽ được giải phóng lớn hơn gấp nhiều lần so với hiện nay, chắc chắn đường sẽ thông, không còn ùn tắc.

- Như vậy chắc là người đưa ra giải pháp ấy phải đề xuất cách làm thật cụ thể, chi tiết, bám sát thực trạng phát triển giao thông ở nước ta, nhất là ở các đô thị lớn. Ông tìm hiểu giải pháp ấy có thấy được cách làm như thế không?

- Tất nhiên là phải có rồi, nếu không thì làm sao nó thuyết phục được ban giám khảo, ban tổ chức cuộc thi, gồm toàn các chuyên gia đầu ngành của ngành chức năng toàn quốc được.

Ðặc biệt là toàn bộ sáng kiến, giải pháp ấy đã được soạn thảo rất công phu, đầy đủ chi tiết về các mặt chuyên môn, kỹ thuật tổ chức, quản lý giao thông và còn được công bố, phổ biến trên trang tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an để các ngành chức năng, các địa phương trong cả nước có thể tải xuống tham khảo và áp dụng rộng rãi nữa đó.

- Thật ra thì các ngành chức năng liên quan đến lĩnh vực giao thông, cũng như các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương từ nhiều năm qua đã tìm đủ mọi cách để bảo đảm an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông trên phạm vi cả nước ta, và cũng đã đạt được kết quả nhất định. Còn về giải pháp như ông vừa nói, Bàn Dân nhận thấy ở ngay tỉnh ta cũng có làm… gần giống như vậy.

Cụ thể như ở giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Trần Hưng Ðạo ở “đầu cầu Quan” thành phố Tây Ninh, hay ở giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Lý Thường Kiệt, thường gọi là “bùng binh cửa số 2”.

Hai giao lộ ấy ngày trước cứ xảy ra tai nạn, va chạm giao thông liên tục, nay đã được kéo giảm thấy rõ nhờ được tổ chức phân luồng lại giao thông. Cụ thể là ở giao lộ “đầu cầu Quan”, ngay tại đầu cầu là đoạn đường dốc đứng đổ xuống cắt ngang con đường cặp bờ sông hết sức nguy hiểm, nhưng sau khi phân luồng lại cho các phương tiện giao thông chạy vòng quanh vườn hoa Thắng Lợi là gần như hoàn toàn không còn xảy ra tai nạn.

Còn ở giao lộ “bùng binh cửa số 2” tuy chỉ là cái ngã ba đường Cách Mạng Tháng Tám giáp đầu đường Lý Thường Kiệt, nhưng thực tế lại là cái ngã năm, mà là cái “ngã năm xéo” vì có thêm hai con đường Lạc Long Quân và Cơ Thánh Vệ “câu đầu” vào, trong khi ở đây thì không cách chi mở rộng được giao lộ. Vậy mà từ khi ngành chức năng “thiết kế lại” giao lộ với sự phân luồng phương tiện và điều tiết bằng đèn tín hiệu thì giao thông thuận tiện, an toàn hơn trước nhiều.

- À, ông nói rõ vậy tôi mới nhận ra. Ðúng là chuyện gì cũng vậy, khi có sự tổ chức, điều hành hợp lý, khoa học thì mới bảo đảm an toàn ông hả!

Bàn Dân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-thoi-su-sang-kien-giai-quyet-van-nan-nan-giai-a165796.html