Chuyện thường ngày: Rác và văn hóa xấu hổ

Nhóm nhạc nữ trẻ Hàn Quốc nổi tiếng khắp thế giới lần đầu tiên qua Việt Nam biểu diễn đã chọn Hà Nội làm điểm đến. Sau 2 đêm diễn ở thủ đô đã thu hút rất nhiều giới trẻ tới xem. Giá vé không hề rẻ nhưng đã bán hết trước ngày biểu diễn và nếu muốn có một chiếc vé hàng triệu thậm chỉ cả chục triệu thì phải mua ở 'chợ đen'. Nhu cầu thưởng thức âm nhạc, sùng bái showbiz và quyết tâm xem nhóm nhạc nữ Hàn Quốc này biểu diễn với bất cứ giá nào của giới trẻ là điều có thể hiểu vì là trào lưu, thời thượng, 'đu trend' - nói theo ngôn ngữ tuổi teen.

Nhưng việc sau đêm diễn, phía dưới sân khấu, dọc những hàng ghế trống là rác chất chồng dọc theo lối đi. Đó là rác thải của khán giả vừa xem ca nhạc vừa ăn uống và vứt bừa bãi lại hiện trường. Dư luận đã nổi sóng, phê phán hành vi kém văn hóa tại một tụ điểm được gọi là thưởng thức văn hóa. Trái với một bộ phận giới trẻ người Việt, người Nhật sau khi xem đá bóng ở sân vận động, tan trận đấu, giới trẻ người Nhật đã thu dọn rác sạch sẽ dưới chân và quanh chỗ ngồi bằng hành vi và cách ứng xử văn minh.

Lại một chuyện đáng suy nghĩ khác về nạn vứt rác bừa bãi tương tự, không ở Hà Nội mà tại Sài Gòn. Thời gian qua, trên các đoạn đường Trương Định, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Diệu (Q3), vào buổi sáng sớm, người ta đều thấy một nhóm thanh niên nam nữ và một người đàn ông Nhật tuổi trung niên cầm chổi, ki... đi quét và nhặt rác. Người đàn ông trung niên này tên Oshima Mitutere, đến Sài Gòn từ giữa năm 2009 để kinh doanh ngành nghề liên quan tới cái đẹp. Ông mở Viện mẫu tóc Mano Mano và có thú vui cùng nhóm nhân viên mỗi sáng đi dọn dẹp rác quanh khu vực kinh doanh của mình.

Ông người Nhật này quét rác, dọn sạch vỉa hè quanh khu vực kinh doanh của mình trước hết là tạo cảnh quan xanh, sạch để làm hài lòng khách đến Viện mẫu tóc của ông. Đồng thời, Oshima Mitutere cũng ý thức việc nhặt rác của mình và các cộng sự là góp phần làm đẹp những con đường, bảo vệ môi trường và bộ mặt thành phố mà ông đã gắn bó, yêu quý, xem như chính quê hương của ông. Oshima Mitutere cho rằng, giữ gìn cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường chung quanh, cũng là thể hiện tình cảm với cộng đồng, cũng chính là yêu quê hương mình vậy.

Nhóm cộng sự trẻ của ông có người Việt Nam, anh, chị này mới đầu tham gia quét rác ngoài đường phố với ông Oshima Mitutere đã có sự mắc cỡ khi làm cái việc của công nhân vệ sinh. Nhưng ông Oshima Mitutere thuyết phục họ rằng "nhặt rác đường phố, làm sạch môi trường chung quanh không gì mắc cỡ cả. Chỉ có những người xả rác mới phải xẩu hổ thôi". Một người nước ngoài để bảo vệ nét mỹ quan đô thị cho thành phố, chính là hưởng ứng sự vận động năm văn minh đô thị, tạo thương hiệu văn hóa cho bộ mặt thành phố chúng ta đã không xấu hổ khi đi nhặt rác, thì nói như ông Oshima Mitutere, chính những người có thói quen xả rác bừa bãi chúng ta phải đáng xấu hổ. Tư Văn Nghệ ngẫm lại vấn đề là chúng ta có biết xấu hổ hay không mà thôi.

Rõ là:

Thói quen xả rác bất cần

Hành vi đáng trách xa gần đều chê

Giữ cho xanh sạch mọi bề

Mỹ quan đô thị, đi, về văn minh.

TƯ VĂN NGHỆ

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/rac-va-van-hoa-xau-ho_150702.html