Chuyển tiền nhầm, có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của bên nhận là không chính xác

Theo Luật sư Hà Huy Phong- Công ty Luật Inteco, hiện nay, trên mạng Internet đang có những thông tin không chính xác về quy định mới này của Nghị định 52/2024/NĐ-CP, dẫn tới hiểu nhầm là khi chuyển tiền nhầm, có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của bên nhận.

Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 80/2016). Trong đó, nêu rõ 04 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán. Trong đó, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất: Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.

Trường hợp thứ hai: Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thứ ba: Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Trường hợp thứ tư: Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.

Không phải cứ nhận tiền chuyển nhầm sẽ bị phong tỏa tài khoản

Trường hợp thứ nhất và thứ tư trên đây là sự bổ sung mới mà quy định trước đó không có. Việc bổ sung này là phù hợp với thực tiễn do các giao dịch hợp tác kinh doanh, đồng chủ tài khoản diễn ra rất phổ biến trên thị trường. Việc mở tài khoản, phong tỏa tài khoản được coi như là những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự lẫn nhau trong các giao dịch hợp tác, và việc yêu cầu phong tỏa tài khoản hoàn toàn là sự yêu cầu chủ động từ phía khách hàng, trên cơ sở thỏa thuận trước với tổ chức cung ứng dịch vụ. Văn bản trước đó chỉ quy định là khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung (điểm d khoản 2 Điều 12 Nghị định 101/2012/NĐ-CP)

Quy định về trường hợp thứ ba trên đây có một số thay đổi về cách lập pháp và ngôn ngữ. Theo văn bản cũ, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền thì có thể phong tỏa tài khoản. Theo quy định mới này, chúng ta cần hiểu là việc phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền. Đây là sai sót của tổ chức cung ứng dịch vụ mà không phải là sai sót của người chuyển tiền.

Hiện nay, trên mạng Internet đang có những thông tin không chính xác về quy định mới này của Nghị định 52/2024/NĐ-CP, dẫn tới hiểu nhầm là khi chuyển tiền nhầm, có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của bên nhận. Do đó, bạn đọc nên tìm hiểu và nghiên cứu kĩ văn bản để tránh bị gây thiệt hại từ những thông tin không chính xác đó.

Luật sư Hà Huy Phong

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/chuyen-tien-nham-co-the-yeu-cau-ngan-hang-phong-toa-tai-khoan-cua-ben-nhan-la-khong-chinh-xac-122912.html