Chuyển tiền vào tài khoản cá nhân: Những khoản tiền nào có rủi ro truy thu thuế?

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc mọi khoản tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân đều có thể bị cơ quan thuế kiểm tra và đánh thuế thu nhập cá nhân. Một số ý kiến trên mạng xã hội thậm chí cho rằng 'cứ có tiền chuyển vào tài khoản là sẽ bị truy thu thuế'.

Không phải “cứ có tiền chuyển vào tài khoản là sẽ bị truy thu thuế”

Những ngày gần đây, chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Bạch Mai, Thành phố Hà Nội khá lo lắng vì công việc chính của chị là làm thu ngân cho một cửa hàng đồ uống, khách thường xuyên chuyển khoản tiền vào tài khoản cá nhân, sau đó tới cuối ngày tổng hợp các khoản thu, chị chuyển lại cho chủ cửa hàng.

“Mình chỉ là nhân viên làm thuê, thu tiền hộ cho chủ quán, nhưng thông tin là cơ quan thuế sẽ kiểm tra tất cả các giao dịch, nên thấy rất lo lắng không biết liệu có mình có bị tính thuế thu nhập cá nhân cho những khoản tiền vào tài khoản đó không?”, chị Huyền băn khoăn.

Không phải cứ có tiền chuyển vào tài khoản là sẽ bị truy thu thuế (Ảnh minh họa: KT)

Không phải cứ có tiền chuyển vào tài khoản là sẽ bị truy thu thuế (Ảnh minh họa: KT)

Tương tự, chị Vũ Thu Trang, nhân viên hành chính, phường Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, chị có anh trai ở Đức, thường định kỳ 1 năm sẽ gửi tiền về cho bố mẹ thông qua tài khoản của chị; thêm nữa, chị còn giữ quỹ lớp cho 2 con nên cũng có khá nhiều khoản tiền vào tài khoản ngoài tiền lương hàng tháng.

“Nghe nói cơ quan thuế có thể truy dòng tiền, cứ có chuyển khoản là bị thu thuế nên tôi cũng khá lo, không biết mình có bị tính thuế cho những khoản tiền đó hay không”, chị Trang bày tỏ.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế

Trước những lo lắng, băn khoăn của người dân, đại diện cơ quan thuế cho rằng, đây là sự hiểu lầm và không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế khẳng định, chỉ những khoản tiền có bản chất là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì mới phát sinh nghĩa vụ thuế.

“Những khoản chuyển tiền giữa cá nhân với nhau, như cho-tặng, hỗ trợ người thân, vay mượn dân sự hay các giao dịch không liên quan đến hoạt động thương mại thì không được tính vào doanh thu để xác định thuế”, ông Mai Sơn cho biết.

Ông Mai Sơn thông tin thêm, quy định pháp luật hiện hành chỉ yêu cầu các hộ kinh doanh thuộc diện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng thì phải lập hóa đơn, kể cả khi người mua không lấy hóa đơn.

“Trường hợp không lập hóa đơn, các hộ kinh doanh sẽ bị xử lý truy thu, xử phạt và có thể bị xác định là hành vi trốn thuế. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không áp dụng với các cá nhân không kinh doanh, hoặc những giao dịch dân sự thông thường giữa người dân với nhau”, Phó Cục trưởng Cục Thuế nêu rõ.

Như vậy, việc xác định nghĩa vụ thuế không phải dựa vào số tiền trong tài khoản, mà dựa vào bản chất giao dịch. Việc quản lý thuế hiện nay áp dụng phương pháp phân tích dữ liệu kết hợp quản lý theo dòng tiền để phát hiện hành vi cố tình che giấu doanh thu, đặc biệt trong các trường hợp cơ sở kinh doanh yêu cầu khách chuyển khoản nhưng ghi sai nội dung giao dịch, hoặc chỉ nhận tiền mặt. Dù cơ quan thuế không được phép trực tiếp truy cập tài khoản cá nhân, nhưng thông qua dữ liệu trao đổi với ngân hàng, các cơ quan nhà nước và tổ chức liên quan theo quy định pháp luật, ngành thuế hoàn toàn có khả năng xác định doanh thu thật sự để tính đúng, tính đủ nghĩa vụ thuế.

Dòng tiền nào có rủi ro bị truy thu thuế?

Cũng liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas cho biết, không phải khoản tiền nào vào tài khoản cá nhân cũng chịu thuế. Thực tế, dòng tiền đổ vào tài khoản của cá nhân có nhiều khoản khác nhau, tuy nhiên, có thể chia dòng tiền này thành 4 khoản.

Thứ nhất là khoản tiền thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc có tính chất tiền lương, tiền công từ các tổ chức, cá nhân chi trả. Theo quy định hiện tại, khoản tiền này đã được phía tổ chức chi trả thực hiện khấu trừ thuế theo bậc lũy tiến từng phần hoặc khấu trừ 10% trước khi trả thu nhập.

Tuy nhiên, có một số khoản thu nhập khác như thu nhập từ làm freelancer, làm việc tự do… được doanh nghiệp hoặc cá nhân chi trả, nhưng chưa được khấu trừ và kê khai thuế. Điều này có thể xảy ra khi công ty để ngoài sổ sách, không thực hiện khấu trừ thuế trước khi chi trả thu nhập, dẫn đến việc không nộp khoản thuế theo quy định. Hoặc các khoản thu nhập khi cung cấp dịch vụ cho phía nước ngoài, và các công ty nước ngoài chưa thực hiện khấu trừ, hoặc có thể đã thực hiện khấu trừ thuế bên nước ngoài.

“Nếu người lao động chưa thực hiện kê khai trong năm, thì tại thời điểm cuối năm khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế mà thu nhập lớn, thì buộc sẽ tính theo lũy tiến bậc cao, có thể tối đa bậc thuế 35%. Do đó, rất nhiều người nộp thuế đã bị truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền lớn, do tổng thu nhập cộng lại từ nhiều nguồn khác nhau để tính thuế cả năm, sẽ thuộc bậc thuế suất lũy tiến cao”, ông Lê Văn Tuấn cảnh báo.

Thứ hai, các khoản thu nhập từ dòng tiền kinh doanh, có nghĩa là cung cấp hàng hóa, dịch vụ dưới danh nghĩa hộ kinh doanh. Hoặc có hoạt động kinh doanh trên thực tế, nhưng chưa đăng ký kinh doanh. Trong tình huống này sẽ có dòng tiền thu từ hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, và cũng có dòng tiền chi ra để mua hàng hóa, dịch vụ.

Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas

Dòng tiền này được cơ quan thuế xem là dòng tiền kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh và nghĩa vụ thuế được thực hiện với mức nộp là 1,5% doanh thu đối với buôn bán hàng hóa, 4,5% doanh thu đối với sản xuất, dịch vụ ăn uống hoặc 7% doanh thu đối với một số dịch vụ khác.

“Nếu hộ, cá nhân kinh doanh chưa nộp thuế hoặc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định, thì cần thực hiện nộp thuế bổ sung ngay khi có thể. Việc chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ thuế có thể dẫn đến việc bị truy thu, tính lãi chậm nộp”, Giám đốc Keytas lưu ý.

Thứ ba, là dòng tiền gián tiếp tạo ra thu nhập cho cá nhân người nộp thuế. Trong trường hợp này, dòng tiền của bạn là phương tiện giúp bạn kiếm tiền. Ví dụ như có nhiều cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ nhận chuyển khoản rút tiền mặt, sau đó thu tiền phí theo thỏa thuận. Như vậy, lúc này nghĩa vụ thuế sẽ được tính trên phần phí (hoặc hoa hồng) mà cá nhân đó được hưởng.

“Số thuế phải nộp cho trường hợp này theo quy định là 7% trên tổng tiền phí người nộp thuế nhận được. Điều đó cũng có nghĩa, dòng tiền chuyển rút không dùng để tính thuế trong trường hợp này, bởi lẽ, nó chỉ là phương tiện giúp kiếm thu nhập. Tuy nhiên, các cá nhân không đủ điều kiện cung cấp dịch vụ này, bởi lẽ đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ những tổ chức được cấp phép mới cung cấp dịch vụ chuyển khoản rút tiền mặt”, ông Tuấn cho hay.

Thứ tư, dòng tiền cá nhân không liên quan đến hoạt động kinh doanh của người nộp thuế, ví dụ: cho mượn giữa các cá nhân, chồng chuyển cho vợ, bố mẹ chuyển cho con cái…. đương nhiên sẽ không tính thuế dù cá nhân có chuyển khoản số tiền vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng.

“Nếu người nộp thuế là hộ kinh doanh thì nên tách riêng tài khoản cá nhân và tài khoản kinh doanh nhằm tách bạch dòng tiền. Tài khoản cá nhân chỉ để chi tiêu cá nhân, gia đình hàng ngày, không liên quan đến kinh doanh. Còn với hoạt động kinh doanh, nên sử dụng riêng một tài khoản khác để sau này xác định nghĩa vụ thuế dễ dàng hơn, tránh rủi ro pháp lý về thuế”, ông Lê Văn Tuấn khuyến nghị.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chuyen-tien-vao-tai-khoan-ca-nhan-nhung-khoan-tien-nao-co-rui-ro-truy-thu-thue-post1212903.vov