Chuyện tiếp khách có đúng như thế không?

Nói thật, việc tiếp khách ở ngành giáo dục từ trường học đến Sở Giáo dục và Đào tạo rất hạn chế, tiết kiệm.

Bài viết: “Không ai bắt phải mang nỗi khổ tiếp khách mà than” của tác giả Thuận Phương đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 04/02/2020 phản biện lại một số nội dung, ý kiến ở bài viết “Nỗi khổ tiếp khách, nào ai thấu tỏ” của tác giả Lam Hồng Lê đăng ngày 02/02/2020 trước đó.

Đáng chú ý nhất là ý: "Bản thân mình muốn hưởng tiếng tăm, bổng lộc đành phải chấp nhận và cái mà gọi là nỗi khổ chính là "thảm hoa" trải con đường công danh, bổng lộc của các bạn.”

Là một cán bộ quản lý giáo dục, thỉnh thoảng có đi tiếp khách cấp trên, anh em đồng nghiệp mang tính chất giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tôi nhận thấy tác giả Thuận Phương có phần suy diễn, cảm tính, võ đoán khi đưa ra nhận định, ý kiến như thế.

Nói thật, việc tiếp khách ở ngành giáo dục từ trường học đến Sở Giáo dục và Đào tạo rất hạn chế, tiết kiệm.

Có những việc quan trọng, cần thiết, nghĩa tình lắm thì thủ trưởng mới tổ chức tiếp khách, mời cơm.

Không bừa bãi, tùy tiện, vô tội vạ, để ghi điểm, vụ lợi cho mình như tác giả Thuận Phương nói.

Về mức chi mời cơm khi tiếp khách trong nước đã có quy định cụ thể. (Ảnh minh họa: Hoidap.thuvienphapluat.vn)

Về mức chi mời cơm khi tiếp khách trong nước đã có quy định cụ thể. (Ảnh minh họa: Hoidap.thuvienphapluat.vn)

Hầu hết, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở đều có ý thức trách nhiệm cao trước công việc, trước tập thể sư phạm nhà trường.

Kinh phí của Nhà nước phân bổ về, chủ yếu để chi trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và chi cho các hoạt động khác trong nhà trường, cuối năm còn dư lại chút ít, chi thu nhập tăng thêm cho thầy cô giáo là hết sạch.

Chi quá nhiều cho tiếp khách, dẫn đến thâm hụt kinh phí nhà trường thì hiệu trưởng - chủ tài khoản là người phải chịu trách nhiệm chính trước cấp trên.

Bây giờ, các Hiệu trưởng không dám “chơi” quá đà vừa dễ bị kỷ luật vừa bị đồng nghiệp dị nghị, nói ra nói vào vì chuyện ăn uống, nhậu nhẹt, tiếp khách.

Thực ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 71/2018/TT-BTC, ngày 10/08/2018 quy định cụ thể về mức chi mời cơm khi tiếp khách trong nước.

Theo đó, Thông tư 71 quy định về mức chi mời cơm là 300.000 đồng/suất (đã bao gồm đồ uống). Ngoài ra, Thông tư 71 còn quy định về thẩm quyền quy định đối tượng được mời cơm như sau:

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả;

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm đối với từng loại hình cơ quan thuộc tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi ban hành, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả;

Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể đối tượng được mời cơm, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ mức chi quy định tại Thông tư này quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm cho phù hợp với chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của từng loại hình đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị chỉ được sử dụng từ nguồn kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để chi mời cơm khách và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm hoạt động của cơ quan, đơn vị;

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Đối tượng khách được mời cơm do thủ trưởng đơn vị xem xét quyết định và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị.

Như vậy, theo quy định trên của Bộ Tài chính thì các cơ sở giáo dục công lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo… đều thuộc diện được phép tiếp khách, mời cơm khi cần thiết.

Tôi e rằng hai tác giả Lam Hồng Lê và Thuận Phương chưa đọc, được nắm được văn bản, quy định pháp luật nêu trên khi đặt bút viết bài.

Cái gì cũng phải “nói có sách, mách có chứng” thì mới thuyết phục được bạn đọc. Còn mới nghe sơ sơ ở đâu đó, rồi “vơ đũa cả nắm” thì hết sức nguy hiểm, dễ gây ngộ nhận, hiểu lầm, cán bộ giáo dục toàn xấu, toàn tiêu cực cả. Người viết cần lắm tiếng nói thật sự trung thực, khách quan, công tâm.

SÔNG TRÀ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuyen-tiep-khach-co-dung-nhu-the-khong-post206778.gd